Những góc nhìn khác để thúc đẩy kinh tế khi dịch Covid-19 kéo dài

09:49 | 10/09/2021 Print
(TBTCO) - Giới chuyên gia cho rằng, việc hỗ trợ chính sách vẫn nên hướng đến đối tượng dễ bị tổn thương, nhưng không vì thế mà bỏ qua các đối tượng ít bị ảnh hưởng vì nhóm đối tượng còn duy trì hoạt động cũng chính là những động lực quan trọng tạo sức kéo cho nền kinh tế trong và sau dịch.
Nông nghiệp - một trong những ngành được đánh giá có tiềm năng đóng góp vào sự
Nông nghiệp là một trong những ngành được đánh giá có tiềm năng đóng góp vào sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.

Dư địa giảm lãi suất ít dần

Diễn biến dịch bệnh từ quý III/2021 đã bước vào giai đoạn phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng hơn rất nhiều so với giai đoạn nửa đầu năm 2021 và cả năm 2020. Thực trạng này đang đặt ra nhiều khó khăn hơn cho công tác xây dựng các chính sách mới để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Đưa ra những đánh giá về bối cảnh hiện nay, ông Bùi Nguyên Khoa, Phó Phòng Phân tích Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, dư địa giảm lãi suất điều hành đến nay còn khá hạn chế, lãi suất khó có thể giảm thêm nữa. Quan sát diễn biến thời gian qua cho thấy, lãi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm tiếp tục giảm sâu xuống mức 2,1% tại ngày 30/8, trong khi lạm phát tăng lên 2,82% trong tháng 8. Đến nay, trung bình lãi suất trái phiếu chính phủ 8 tháng đầu năm 2021 ở mức khoảng 2,31%, còn trung bình lạm phát 8 tháng 2021 ở mức 1,79%.

Tuy nhiên, một số chính sách khác có thể vẫn còn có thể xem xét. Ông Khoa cho biết, quan sát cách làm của Trung Quốc có thể tham khảo việc họ cho phép doanh nghiệp nhỏ hoãn nợ lãi và gốc, đồng thời yêu cầu ngân hàng lớn nâng mức tín dụng doanh nghiệp nhỏ thêm không thấp hơn 40%. Tương tự, Hoa Kỳ cũng đưa ra gói tín dụng trị giá 600 tỷ USD đối với những doanh nghiệp vừa, nhỏ và cung cấp tín dụng để các doanh nghiệp duy trì lực lượng lao động.

Về chính sách tài khóa, ông Khoa cho biết, các gói hỗ trợ tới doanh nghiệp như giảm thuế, lùi thời hạn nộp thuế, đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số… cũng là những giải pháp vẫn có thể có hiệu quả tốt.

Tạo sức kéo và đón đầu sau phục hồi

Gần đây, một số chuyên gia kinh tế cũng đặt ra những ý tưởng về các giải pháp tạo “sức kéo” cho nền kinh tế, đồng thời nên khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chiến lược “dừng nhưng không nghỉ”.

PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch nhưng có độ lan tỏa lớn, có tác động tích cực đến các ngành, các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường.

Đây là một trong những ý tưởng để duy trì sức khỏe của những nhóm doanh nghiệp vẫn còn khả năng hoạt động ngay trong giai đoạn dịch, lấy nhóm khỏe kéo nhóm yếu. Một trong những giải pháp khá kịp thời mới đây là việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết sử dụng 2.199 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để mua bù 172.889,47 tấn gạo dự trữ quốc gia theo đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 30/TTr-CP ngày 4/9/2021. Động thái này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo và nông sản nói chung tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, tạo công ăn việc làm cho người lao động và những ngành nghề phụ trợ khác.

Tuy nhiên, các giải pháp như trên cũng đặt ra yêu cầu có những giải pháp đồng bộ khác để duy trì mạch chảy kinh tế phải luôn được thông suốt. Trong khảo sát mới đây do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) thực hiện, các doanh nghiệp mong muốn có nhiều mô hình sản xuất thay vì chỉ có “3 tại chỗ”, bởi chi phí để đáp ứng yêu cầu là quá cao. Do đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị về vùng sản xuất “xanh”. Cơ sở nào ở vùng xanh an toàn thì được phép hoạt động sản xuất bình thường; làm rõ các điều kiện của “người lao động xanh”, “doanh nghiệp xanh”, “nơi ở xanh”...để xây dựng các mô hình hoạt động, biện pháp quản lý và đánh giá y tế tương ứng.

Ngoài ra, ngay cả những doanh nghiệp buộc phải dừng kinh doanh để phòng, chống dịch thì vẫn có thể cần được tạo điều kiện thực hiện các hoạt động khác (nếu vẫn đảm bảo các yêu cầu phòng dịch). Đó là những doanh nghiệp “dừng nhưng không nghỉ” và cũng là nhóm xứng đáng được hỗ trợ về các chính sách (thuế, phí, vốn tín dụng…) vì đây chính là những doanh nghiệp có khả năng tạo sức bật tốt cho nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi sau dịch.

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng giám đốc phụ trách Deloitte Private cho biết, thực tế, vẫn có những doanh nghiệp sử dụng thời gian guồng máy kinh doanh chùng xuống như hiện nay để chuẩn bị tương lai sau cuộc khủng hoảng. Đó là các hoạt động đào tạo cho nhân viên, đánh giá lại vai trò của công nghệ, tổ chức lại hệ thống quản trị...

Nông nghiệp có nhiều tiềm năng giúp phục hồi kinh tế

Báo cáo đánh “Tác động của Covid-19 tới các ngành Việt Nam: Lộ trình phục hồi và thúc đẩy các chuỗi cung ứng tiềm năng trong bối cảnh mới” do Ernst & Young và UNDP thực hiện cho biết, về mặt định lượng, ngành nông nghiệp được xác định là ngành có nhiều tiềm năng đóng góp vào sự phục hồi của nền kinh tế nhất, tiếp đến là ngành dệt may và lâm nghiệp. Trong khi đó, các lĩnh vực có điều kiện thuận lợi để phát triển nhờ định hướng chiến lược của Chính phủ và triển vọng từ thị trường toàn cầu là những ngành ô tô - xe điện, điện tử và chế biến thực phẩm.

(Bài tuyên truyền thực hiện theo Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam