Đảm bảo nguồn lực tài chính cho phòng, chống dịch

21:47 | 12/09/2021 Print
(TBTCVN) - Từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính sẽ chủ động cân đối, đảm bảo đầy đủ nguồn lực từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để chi cho công tác phòng chống Covid-19.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Thu khó nhưng phải tăng chi phòng chống dịch bệnh

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) 8 tháng ước đạt 74,8% dự toán, đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, được đánh giá là tích cực trong bối cảnh khó khăn, đảm bảo nguồn lực NSNN chi cho các nhiệm vụ theo dự toán và các nhiệm vụ phát sinh về phòng, chống dịch.

Tuy nhiên từ cuối tháng 4/2021, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới thu NSNN. Trong đó, số thu nội địa đã có chiều hướng giảm từ tháng 5 tới nay. Trong tháng 8, theo thống kê của Bộ Tài chính, số thu từ thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô đã giảm so với tháng 7.

Vấn đề đáng lo ngại đó là, 23 địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội là những địa phương có số thu chiếm đến 70% tổng thu cả nước. Một số địa phương thực hiện giãn cách trong nhiều ngày qua là trọng điểm thu ngân sách trong cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, đã gây nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai thu NSNN.

Trái ngược với tình hình thu ngân sách, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại nhiều thành phố lớn nên Chính phủ chủ trương phải đảm bảo nguồn lực chi cho phòng, chống dịch, cũng như các giải pháp về tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Ngân sách đã chi phòng, chống dịch 18,8 nghìn tỷ đồng

Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến hết tháng 8, ngân sách nhà nước đã chi 18,8 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch (17,2 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (1,6 nghìn tỷ đồng).

Nhu cầu tăng chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân là rất lớn và ngày càng có chiều hướng gia tăng. Trong thực hiện dự toán, Bộ Tài chính đã đảm bảo các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách. Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến hết tháng 8, NSNN đã chi 18,8 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch (17,2 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (1,6 nghìn tỷ đồng).

Ngoài ra, đã thực hiện miễn, giảm, giãn 85,8 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (72,8 nghìn tỷ đồng gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; 13 nghìn tỷ đồng miễn, giảm thuế, phí, lệ phí).

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 1415/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xuất cấp 130 nghìn tấn gạo cho 24 địa phương, Bộ Tài chính đã tạm cấp 52 nghìn tấn gạo. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính đang phối hợp với các địa phương xác định nhu cầu cụ thể để xuất cấp cho người dân đảm bảo cấp đúng cho đối tượng khó khăn, thực sự cần hỗ trợ. Nếu tính cả số gạo đã cấp hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do thiên tai, bão lụt, dịp giáp hạt đầu năm, thì đến nay đã xuất cấp 74,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia.

Kiên định thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”

Tại cuộc họp giao ban triển khai công tác trong tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã bày tỏ lo ngại khi nền kinh tế của nhiều nước hiện đang tăng trưởng thì Việt Nam lại có mức tăng trưởng thấp. Trong bối cảnh hiện nay, tình hình dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp, do đó sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thu, chi NSNN cả năm 2021.

Để ứng phó với dịch bệnh, NSNN phải đảm bảo nguồn chi đầu tư phát triển (bao gồm kế hoạch năm 2020 chuyển sang) nhằm phục hồi và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản chi trả nợ đến hạn và thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo dự toán.

Thời gian tới dự báo sẽ tiếp tục phát sinh nhu cầu tăng chi lớn cho công tác phòng, chống dịch. Theo ước tính tổng chi cho nhu cầu phòng chống dịch của các bộ, ngành, địa phương có thể lên đến khoảng từ 47 - 68 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, cần nguồn lực lớn cho mua vắc-xin. Ngày 31/3/2021, Chính phủ đã quyết định sử dụng 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để mua vắc-xin phòng Covid-19. Ngày 30/6/2021, đã bổ sung 7,65 nghìn tỷ đồng để mua và sử dụng 61 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 do AstraZeneca sản xuất. Trong thời gian tới, cùng với số tiền đóng góp ủng hộ của tổ chức, cá nhân vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 (đến nay được khoảng 8,64 nghìn tỷ đồng), tiền NSNN đã bố trí trong năm (18 nghìn tỷ đồng) và nguồn ngân sách trung ương tiết kiệm, cắt giảm, sẽ bố trí đủ kinh phí để mua vắc-xin nhằm thực hiện tiêm chủng miễn phí trên diện rộng cho nhân dân, đảm bảo miễn dịch cộng đồng, để cuộc sống sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021 đã được Quốc hội quyết định, trong những tháng cuối năm Bộ Tài chính tiếp tục kiên định thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” - vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Bên cạnh đó, tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn, tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp về kinh tế, tiền tệ và tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ứng phó với đại dịch Covid-19, khôi phục sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Triệt để tiết kiệm chi tiêu để có nguồn chống dịch

Theo phương án của Bộ Y tế, với kịch bản có 200 nghìn người mắc Covid-19, nhu cầu kinh phí NSNN phải chi 45 nghìn tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị y tế và thực hiện một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19.

Trường hợp có 300 nghìn người mắc, dự kiến nhu cầu kinh phí chi từ NSNN khoảng 65,8 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, nhu cầu bổ sung kinh phí phòng, chống dịch trong các tháng cuối năm 2021 khoảng 2,4 nghìn tỷ đồng (chưa kể số kinh phí phát sinh sau khi 2 bộ tăng cường lực lượng chi viện cho một số tỉnh phía Nam để đảm bảo việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo quy định). Như vậy, nhu cầu tăng chi NSNN cho phòng, chống dịch Covid-19 theo các kịch bản khoảng 47 - 68 nghìn tỷ đồng.

Căn cứ khả năng thực hiện giải ngân trong những tháng cuối năm, nhất là mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch, dự kiến trong năm 2021 ngân sách trung ương tăng chi và hỗ trợ cho các địa phương khoảng 25 - 30 nghìn tỷ đồng, trong đó đã bổ sung cho Bộ Y tế là 5,1 nghìn tỷ đồng, số còn lại phải chi khoảng 20 - 25 nghìn tỷ đồng.

Đây là các con số chi rất lớn, đòi hỏi Bộ Tài chính phải có tính toán, cân đối các nguồn lực đáp ứng nhu cầu. Được biết thời gian qua, các địa phương cũng đã chủ động sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu, tiết kiệm chi và nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Chính phủ đã yêu cầu triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, ưu tiên đảm bảo nguồn NSNN và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác này.

Trong bối cảnh nguồn thu bị ảnh hưởng do dịch bệnh, nhiều địa phương sau hàng tháng trời thực hiện giãn cách, khiến các doanh nghiệp cũng hết sức khó khăn. Cơ sở để thực hiện dự toán thu ngân sách đó là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, như Bộ trưởng Bộ Tài chính từng nhận định, “khi nền kinh tế có vững chắc, doanh nghiệp vững thì các mục tiêu về tài chính - ngân hàng mới vững được”.

Vậy thì bài toán đặt ra là phải thực hiện triệt để tiết kiệm chi tiêu, để có nguồn chi chống dịch. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm việc cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong, ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai dành cho phòng, chống dịch Covid-19.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam