Tỷ lệ thực hiện kiến nghị của kiểm toán chưa đạt 50%

11:56 | 14/09/2021 Print
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh, tỷ lệ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước 3 năm trở lại đây đều thấp, đặc biệt là năm nay. Đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm, đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục hiệu quả.

KT

Toàn cảnh phiên họp

Số vụ chuyển cơ quan điều tra còn rất ít

Sáng 14/9, cho ý kiến về báo cáo năm 2021 và kế hoạch năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cơ bản tán thành với các nội dung được báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá cao việc KTNN đã linh hoạt điều chỉnh kế hoạch, hoạt động phù hợp với bối cảnh dịch bệnh của năm 2021. Kết quả kiểm toán đạt được nhìn chung tích cực, đã đưa ra kiến nghị xử lý tài chính hơn 52.000 tỷ đồng. Số kiến nghị này nếu được thực hiện sẽ là nguồn lực đáng kể để bổ sung cho hoạt động đầu tư phát triển. Ngoài ra, KTNN cũng đưa ra nhiều kiến nghị để tăng thu, tiết kiệm chi, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong quản lý tài sản công, tài chính công. Đồng thời, các cuộc kiểm toán đã phục vụ tốt cho các hoạt động giám sát của Quốc hội, góp phần cho hoạt động giám sát đạt được hiệu quả tích cực.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng lưu ý cần làm rõ về các tồn tại được nêu trong báo cáo. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, tỷ lệ thực hiện kiến nghị của KTNN 3 năm trở lại đây đều thấp, đặc biệt là năm nay. Đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm, đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục hiệu quả. Cần công khai các đơn vị không thực hiện kiến nghị kiểm toán để báo cáo Quốc hội, bởi thực hiện kiến nghị kiểm toán chính là kết quả của công tác kiểm toán, bà Lê Thị Nga đề nghị.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng băn khoăn về việc số vụ phát hiện vi phạm nhiều nhưng còn thiên về xử lý hành chính, số vụ chuyển sang cơ quan điều tra là rất ít (5 vụ). Bà Lê Thị Nga đặt vấn đề, tại sao sai phạm nhiều mà chuyển điều tra ít, có phải còn nương nhẹ hay không?

Đối với kế hoạch của năm 2022, Chủ nhiệm Lê Thị Nga lưu ý phải đảm bảo tính khả thi và cân đối giữa các cuộc kiểm tra, kiểm toán, với các đơn vị đang phải chống dịch thì không thực hiện kiểm toán, tránh việc chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, tăng cường phòng chống tham nhũng tiêu cực trong chính hoạt động kiểm toán… Có đơn vị có đến 4 cơ quan vào làm việc về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu ví dụ.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao các nội dung được báo cáo, song cũng nêu rõ cần toàn diện hơn, có trọng tâm trọng điểm, trách nhiệm và quyết liệt hơn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, công khai là một vũ khí quan trọng của kiểm toán. Một mặt là tạo sức ép công luận lớn để siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu lực kiến nghị, mặt khác là để người dân và xã hội giám sát trở lại hoạt động kinh tế.

Còn 80.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ

Với mục tiêu kiểm toán của năm 2022, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ vẫn phải lấy tăng cường củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, đảm bảo kỷ luật kỷ cương về tài chính ngân sách, thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ, an toàn nợ công, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Cụ thể, tập trung làm rõ tổng mức cơ cấu và chất lượng của tín dụng, kiểm soát rủi ro để tránh khi xảy ra đổ vỡ gây tác động dây chuyền, gây hệ lụy cho nền kinh tế. Trong đó, những vấn đề cần lưu ý như là số dư vay chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng, nợ xấu do khó khăn bởi Covid, nợ xấu BOT, làm rõ số nợ chưa chuyển nhóm…

Trong lĩnh vực tài chính, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần làm rõ việc phát hành trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản ra sao, trong khi giải ngân đầu tư công rất thấp; quan hệ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; vấn đề tồn ngân ở Kho bạc Nhà nước; việc sử dụng nguồn từ quỹ dành để cải cách tiền lương; việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp…

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong kiểm toán ngân sách cần chú trọng việc huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực cho phòng chống Covid-19. Chống dịch hiệu quả, ưu tiên hàng đầu cho phòng chống dịch nhưng chi tiêu, sử dụng phải tiết kiệm, đúng mục tiêu, kể cả nguồn nhà nước hay nguồn xã hội huy động được, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Với đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chú trọng phân bổ, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở cả trung ương và địa phương. Theo Chủ tịch Quốc hội, sơ bộ đến nay có khoảng 80.000 tỷ đồng vốn đầu tư công sẽ không tiêu được vì chưa phân bổ, có khoảng 700 - 800 dự án lớn chưa chuẩn bị đầu tư. "Khuyết điểm này phải tập trung phân tích", Chủ tịch Quốc hội nói. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý với đầu tư có thể tiền kiểm, hậu kiểm, hoặc kiểm toán theo tiến độ, hết sức cân nhắc khi kiểm toán các dự án dở dang, nhất là các dự án có yếu tố nước ngoài.

Ngoài ra, một trong những trọng điểm nữa của kiểm toán năm 2022 là đánh giá các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có hợp lý không, tổ chức thực hiện thế nào, có đúng mục đích, đối tượng không?

Sẽ có biện pháp giảm thiểu chồng chéo

Tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, Tổng KTNN Trần Sỹ Thanh cho biết sẽ nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các báo cáo theo yêu cầu của UBTVQH.

Về kế hoạch kiểm toán năm 2021, Tổng KTNN cho biết đây là năm đầu tiên của nhiệm kỳ, đồng thời dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên ảnh hưởng tiến độ, việc ban hành văn bản bị chậm trễ, việc triển khai chưa đảm bảo kế hoạch đề ra.

Trong kế hoạch năm 2022, KTNN đã xây dựng có tính đến ảnh hưởng do Covid, có dự phòng cho các kiểm toán đột xuất theo yêu cầu. Đồng thời sẽ cố gắng giảm tối thiểu chồng chéo, vấn đề mà nhiều đơn vị đã phản ánh. Tới đây, KTNN sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ để trao đổi thông tin, kế hoạch, tránh tình trạng chồng chéo. "Bản thân ngân sách thiết kế đã là lồng ghép nên chồng chéo là không tránh khỏi, tuy nhiên chúng tôi sẽ bằng nghiệp vụ và các biện pháp khác để giảm thiểu tình trạng này", Tổng KTNN Trần Sỹ Thanh cho biết./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam