TP. Hồ Chí Minh: Lan tỏa nhiều chương trình an sinh xã hội

11:11 | 14/09/2021 Print
Những ngày này, TP.Hồ Chí Minh vẫn đang tăng cường áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Âm thầm, lặng lẽ, nhiều chương trình thiện nguyện, nhiều hoạt động an sinh xã hội hướng tới người dân vẫn tiếp tục lan tỏa và chạy đua với thời gian.

anh mơi

Phối hợp, tổ chức "đi chợ hộ" tại phường 21, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

Chuyện “đi chợ hộ” ở một phường “vùng đỏ”

Có một nơi việc “đi chợ hộ” rất được lòng dân, bởi có sự tận tâm, nhiệt tình, tổ chức khoa học, bài bản của một người phụ trách là bà nội trợ, đó là phường 21, quận Bình Thạnh do chị Nguyễn Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, phường 21, quận Bình Thạnh đứng ra tổ chức, điều phối.

Phường 21, quận Bình Thạnh có hơn 5.000 hộ dân với dân số khoảng 22.000 người. Tại đây, hàng hóa tập kết tại một điểm, anh em bộ đội, hội phụ nữ, tổ dân phố đang tất bật phân chia nguồn hàng rau, củ quả, cá, thịt gà, ... Sau khi soạn hàng xong, một dân quân tự vệ, người rất quen thuộc đường sá chất hàng lên xe cùng lực lượng bộ đội đi đến từng nhà giao thực phẩm cho bà con.

Bên trong, chị Nguyễn Thị Kim Loan - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, phường 21, quận Bình Thạnh đang túc trực nghe điện thoại và ghi chú lại những đơn hàng người dân đặt. Ngồi nói chuyện với tôi đôi ba phút lại có điện thoại reo, chị bảo, “bà con gọi đến đặt hàng đó, vầy chứ không nghe là lát sau họ giận bảo sao không bắt máy”. Chị Loan bảo, người dân gọi bất kể giờ giấc, có khi mới 6 giờ sáng chưa kịp đánh răng đã gọi, tối 11 giờ đêm vẫn còn gọi. Anh em ở đây làm việc này từ 7 giờ sáng đến tận 9 giờ tối không ngơi nghỉ. Mỗi ngày, phường giao đến 700 đơn hàng, cá biệt có ngày giao đến 900 đơn. Công việc đi chợ hộ là làm dâu trăm họ.

Để không sót lọt đơn hàng, chị Loan lập group zalo, bà con cần mua gì cứ gửi vào đó, chị ghi chú lại rồi lên đơn, kêu gọi thêm các tình nguyện viên phụ soạn hàng. Để tránh quá tải, mỗi hộ được mua 1 tuần/1 lần, do đặc thù phường này không có siêu thị, chỉ có một cửa hàng Vinmart nên không thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người dân. Do đó, chị đặt vấn đề cung ứng thực phẩm hẳn với một công ty chuyên phân phối rau củ quả thực phẩm. Ngoài việc cung cấp thực phẩm đến tận nhà dân, chị Nguyễn Thị Kim Loan còn mua hộ các gia đình thêm bỉm tã, sữa cho bé, các loại thuốc và đồ dùng cá nhân…

anh moi
Đội "đi chợ hộ" đi giao hàng cho người dân. Ảnh: CTV

“Người dân chín người mười ý, lúc đầu tụi em làm combo chỉ có 200 ngàn đồng/combo thôi, nhưng có người khá giả hơn thì họ bảo combo này không thể đáp ứng đủ trong một tuần. Còn những người dân lao động họ nói combo như vậy là quá mắc. Do đó, tụi em xin ý kiến, thôi thì mình bán món lẻ, từng ký, mỗi ký rau củ quả đồng giá 30 ngàn đồng. Mình lên danh sách các mặt hàng, kèm theo giá. Ai mua gì thì chọn, chứ nếu mua theo combo thì tụi em khỏe hơn” – chị Loan chia sẻ.

Những ngày này, đội ngũ “đi chợ hộ” tại các phường có mặt từ rất sớm tại các siêu thị để lựa chọn các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả cho người dân. Xem đơn, chọn hàng, tất cả tất bật lựa chọn từng món hàng cho người dân. Âm thầm, lặng lẽ, những người ”đi chợ hộ” phải chạy đua với thời gian để đưa hàng tới người dân đang gặp khó khăn.

Tăng lượng dự trữ lên 40%

Các nhà bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, họ đã tính toán tăng lượng dự trữ đối với mặt hàng thực phẩm. Trong đó, thực phẩm khô như mì gói, phở gói, dầu ăn… hiện không thiếu, thậm chí đủ cung cấp trong nhiều tháng. Đối với thực phẩm tươi sống như cá, thịt, hải sản... các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã liên kết với nguồn cung để tăng lượng hàng dự kiến lên 40% so với trước đó để đáp ứng cho dự trữ, chế biến.

Tại hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op Xa lộ Hà Nội, TP.Thủ Đức, đầu ngày hàng hóa phong phú các mặt hàng rau củ quả, trái cây, thịt cá tươi ngon, nguồn cung dồi dào, đa dạng. Giá cả thì bình ổn, thậm chí một số mặt hàng còn rẻ hơn, như dưa lưới loại 1 trước đây ở cửa hàng bên ngoài người ta bán từ 45-50 ngàn đồng/kg, thì nay tại siêu thị này chỉ có giá 30 ngàn đồng/ký loại 1; cánh gà 89 ngàn đồng/kg…

anh mơi
Hàng rau, củ, quả tại hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op Xa lộ Hà Nội, TP.Thủ Đức. Ảnh: CTV

Ông Võ Quốc Oai, Giám đốc Sài Gòn Co.op Xa lộ Hà Nội, cho biết siêu thị có khoảng 5 kho lạnh, có sức chứa 100 tấn đối với hàng hóa rau củ quả, hàng chế biến sẵn đông lạnh. Thực hiện việc triển khai “đi chợ hộ”, hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op Xa lộ Hà Nội TP. Thủ Đức đang phối hợp phòng kinh tế và các ban, ngành, đoàn thể của TP. Thủ Đức bố trí lực lượng đi mua hàng hộ cho các hộ dân.

Theo đó, có lực lượng đoàn viên thanh niên, bộ đội, công an… lực lượng này sẽ chuyển đơn hàng đến cho bộ phận khách hàng, siêu thị sẽ nhận đơn hàng đó, sau khi soạn hàng xong sẽ báo lại cho các bạn phụ trách từng phường biết được số lượng hàng hóa, hóa đơn để các bạn giao cho từng hộ dân. “So với nhu cầu địa phương tại các phường trên TP. Thủ Đức và quận 9 cũ, chúng tôi đáp ứng gần như 100% nhu cầu của các hộ dân” – ông Oai đánh giá.

Có đi chợ mới thấy, chỉ việc mua thực phẩm cho gia đình mình thôi đã rất vất vả, huống hồ mua cho cả trăm đơn hàng trong một ngày. Chúng ta có thể hình dung việc đi chợ cho cả khu phố, cả phường thì không biết việc mua hàng, chở hàng, soạn hàng, giao hàng sẽ khó khăn, vất vả cỡ nào.

Đành rằng sẽ có lực lượng siêu thị giao riêng theo đơn đặt hàng online, đăng ký theo đường link, nhưng số lượng hộ dân rất lớn thì khó có thể chu toàn hết. Không loại trừ có hộ sẽ khó tiếp cận được thực phẩm, sẽ thiếu thực phẩm dù có lực lượng đi chợ hộ. Đây là vấn đề thực tế đang xảy ra.

Chưa kể một số nơi triển khai tốt thì không nói, nếu triển khai cứng nhắc, thiếu sự sáng tạo thì những nơi gia đình là người già, người không rành về công nghệ, những nơi heo hút, xóm trọ ở trong hẻm sâu, xa thì nguồn thực phẩm liệu có đến được người dân hay không? Do đó về lâu dài, mô hình “đi chợ hộ” không thể duy trì lâu bởi nhân lực có hạn, sức người cạn kiệt. Chưa kể giãn cách kéo dài, các doanh nghiệp không cầm cự nổi dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.

An sinh phải song hành với vắc-xin

Những ngày này, ngoài việc triển khai 3 đợt hỗ trợ người lao động nghèo trên địa bàn thành phố, mô hình “túi an sinh”,“túi thuốc an sinh” cùng các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ cấp bách các F0, hỗ trợ gạo cùng các nhu yếu phẩm cho người dân đang được tiếp tục lan tỏa rộng khắp.

Từ ngày 15/8-13/09/2021, TP.Hồ Chí Minh đã chuyển giao cho các quận, huyện, TP. Thủ Đức gần 1,8 triệu túi an sinh.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho hay, khi thực hiện giãn cách thời gian kéo dài, việc đảm bảo an sinh cho người dân là vấn đề hết sức quan trọng. Thời gian vừa qua, thành phố đã có nhiều gói hỗ trợ (gói thứ nhất, gói thứ 2 gồm đợt 1, đợt 2).

Ngoài hỗ trợ về tiền, thành phố cũng tiến hành cấp nguồn gạo hỗ trợ của Chính phủ đến các xã, phường, thị trấn, kèm các túi an sinh cho người dân. Hiện tại, thành phố đã chi gần 6.500 tỷ đồng, trong đó khoảng 1.400 tỷ đồng vận động từ nguồn xã hội hoá, còn lại là từ ngân sách của thành phố cho các hoạt động này.

Do thời gian giãn cách kéo dài, số lượng người dân gặp khó khăn ngày càng tăng, dẫn tới việc rà soát, thống kê danh sách tại các địa bàn chưa đầy đủ. Để khắc phục vấn đề này, bên cạnh việc cập nhật ngay danh sách, thành phố cũng tính toán thêm gói hỗ trợ mới.

“Chiều ngày 12/9, thành phố đã nhận được danh sách của 312 xã, phường, thị trấn, đây là danh sách cập nhật khá đầy đủ số người dân khó khăn. Trong quá trình thực hiện cấp phát các gói hỗ trợ, những trường hợp bị sót sẽ bổ sung ngay vào thời gian tới. Cùng với đó, thành phố sẽ có gói hỗ trợ được tính theo tháng”- Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thông tin thêm.

Về lâu dài, Thủ tướng Chính phủ cũng như lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh đã xác định, phải ứng phó linh hoạt để sống chung với dịch Covid-19 khi vắc-xin được phủ rộng khắp. Vắc - xin lúc này có thể coi là giải pháp hữu hiệu cùng với ý thức tuân thủ của người dân trong phòng chống dịch Covid-19. Sống chung với Covid-19 sẽ là hướng đi của mọi quốc gia hiện nay và trong tương lai Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Song cùng với hoạt động tăng cường kiểm soát dịch bệnh, điều trị F0 và tiêm vắc -xin, những ngày này, đường phố TP.Hồ Chí Minh vẫn vắng lặng, người dân vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch. Ngoại trừ xe cứu thương, cứu trợ, đội đi chợ hộ, lực lượng đi làm nhiệm vụ đặc biệt di chuyển trên đường… Âm thầm, lặng lẽ, các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội hướng về người dân, nhất là các khu phong tỏa, cách ly, không kể ngày hay đêm, nắng hay mưa vẫn đang chạy đua với thời gian quyết giành lại sự bình yên cuộc sống./.

Gia Cư-CTV

Gia Cư-CTV

© Thời báo Tài chính Việt Nam