Hàng ETF ngăn cản cơ hội VN-Index tăng tốt hơn

16:18 | 17/09/2021 Print
Cho đến cuối đợt khớp lệnh liên tục chiều nay, VN-Index đa tăng tròn 10 điểm, lên mốc sát 1.356 điểm. Đây là một kết quả rất hứa hẹn, vì chỉ số đã thoát lên trên đỉnh cao nhất tuần trước, có cơ hội tiến tới đỉnh ở thời điểm tháng 8.

CK

Tuy nhiên hôm nay là phiên cả hai quỹ ETF bán ra tái cơ cấu danh mục. Sức ép thường tăng vọt ở đợt ATC và quả thực ảnh hưởng này đã cướp đi cơ hội cho chỉ số tăng tốt hơn.

Khối ngoại bán ròng trên 1.700 tỷ đồng sàn HoSE

Trước khi bước vào đợt ATC, thị trường có tiến triển khá tích cực. Cổ phiếu tăng giá nhiều, nhất là nhóm Vn30 đều có biến động tốt. VN30-Index cuối đợt khớp lệnh liên tục cũng tăng 10 điểm, tương đương 0,79%. Đây là mức tăng cao nhất phiên, cho thấy cổ phiếu có đà đi lên.

VN-Index cũng vậy, đến trước khi chịu tác động của đợt ATC cũng đạt điểm số cao nhất phiên. Chỉ số đã lên đến 1.356 điểm, tức là vượt ra khỏi biên độ cao nhất của tuần trước (1.353,66 điểm). Nói cách khác, VN-Index đã chớm vượt ngưỡng kháng cự ngắn hạn để có cơ hội rộng mở tiến tới đỉnh cao ở thời điểm tháng 8.

Tuy nhiên lực bán của hai quỹ ETF trong đợt ATC là không thể xem thường. Hàng loạt cổ phiếu xuất hiện khối lượng rất lớn và phải quay đầu giảm giá. Nếu không giảm so với tham chiếu thì các trụ cũng bị tác động để co hẹp mức tăng. VN-Index do vậy để mất khá nhiều điểm cuối phiên, đóng cửa tại 1.352,64 điểm.

Giảm tệ nhất là một số mã trụ: MSN giảm 2,54%, VIC giảm 1,14%, VCB giảm 0,92%, VRE giảm 2,67%, GAS giảm 0,76%, BVH giảm 1,65%... Các cổ phiếu này đều xuất hiện biến động giảm mạnh chủ yếu ở đợt ATC do có lực bán đột ngột. Ngay cả các cổ phiếu còn tăng so với tham chiếu cũng xuất hiện tác động lớn làm giảm mức tăng như VCB, TCB, CTG...

Thống kê cuối ngày nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận mức bán ròng lên tới 1.709 tỷ đồng trên sàn HoSE. Phần lớn lượng vốn rút đi là của hai quỹ ETF, nhưng cũng có các giao dịch khác. Chẳng hạn chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán ròng 261,4 tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu cũng không nằm trong danh mục đầu tư của hai quỹ ETF ngoại nhưng vẫn bị bán ra nhiều.

Mức bán ròng lớn hôm nay đẩy giá trị bán ròng với cổ phiếu sàn HoSE tuần này lên gần 4 ngàn tỷ đồng và xác lập tuần thứ 6 bán ròng liên tiếp. Quỹ ETF thực ra chỉ là một phần của yếu tố bán ròng. Khối ngoại vẫn đã rút vốn liên miên nhiều tháng nay.

Dòng tiền nội tăng lên

Các phiên ETF ngoại giao dịch thường có mức thanh khoản rất cao. Hôm nay cũng không ngoại lệ. Tổng giá trị giao dịch gồm cả thỏa thuận trên HoSE và HNX vọt lên xấp xỉ 30 ngàn tỷ đồng, trong đó mức khớp lệnh cũng lên tới gần 27,7 ngàn tỷ đồng.

Điểm tích cực là khối ngoại bán ròng hơn 1,7 ngàn tỷ đồng cũng đồng nghĩa với nhà đầu tư trong nước rót vào tương đương. Dòng vốn trong nước mạnh lên cho thấy có sự đón đỡ khối lượng bán của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư chấp nhận bỏ thêm tiền vào thị trường luôn là tín hiệu tích cực.

Mức khớp lệnh trung bình tuần này trên hai sàn nhờ phiên cuối tuần, đã tăng lên 22.793 tỷ đồng/phiên, vẫn giảm khoảng 5% so với trung bình tuần trước. Vì vậy nếu nhìn tổng thể dài hạn hơn từng ngày, thì xu hướng chính vẫn đang là giảm thanh khoản.

Cơ hội lớn nhất để thị trường có thể tiến tới đỉnh cao tháng 8/2021 là dòng tiền phải tăng lên. Hôm nay HPG là mã giao dịch nhiều nhất với 1.268,5 tỷ đồng. Tuy nhiên dòng tiền vẫn chưa tăng rõ ở các cổ phiếu ngân hàng. Nếu so với khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên gần nhất thì hiện mới có TPB cho thấy có sự gia tăng. Ngay cả các cổ phiếu ngân hàng siêu thanh khoản như VPB, CTG, TCB cũng vẫn đang ở mặt bằng rất thấp so với bình quân.

Dòng tiền vẫn đang ưu tiên đổ vào các cổ phiếu vừa nhỏ. Hôm nay các quỹ ETF chủ yếu giao dịch blue-chips nhưng nhóm Midcap và Smallcap vẫn có sự gia tăng thanh khoản. Thậm chí Midcap còn giao dịch không kém gì VN30. Mặt khác, cơ hội tăng giá hiện vẫn chỉ tồn tại trong nhóm midcap và smallcap là chính. Rất nhiều cổ phiếu trong hai nhóm này duy trì trạng thái tăng mạnh kịch trần, đó là sức hấp dẫn lớn nhất.

Chứng khoán 17-9

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

23.696 tỷ đồng (+41%)

813,2 triệu (+43%)

3.972 tỷ đồng (+27%)

170 triệu (+8%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam