COVID-19 giết chết nhiều người Mỹ tương đương đại dịch ‘cúm Tây Ban Nha’

09:47 | 21/09/2021 Print
Dịch COVID-19 đến nay đã cướp đi nhiều sinh mạng ở Mỹ tương đương đại dịch “cúm Tây Ban Nha” năm 1918-1919, với gần 675.000 người, theo thống kê của Đại học John Hopkins dựa trên dữ liệu từ CDC Mỹ.

Cáng bệnh nhân cúm tại trạm cấp cứu Chữ thập đỏ ở Washington

Cáng bệnh nhân cúm tại trạm cấp cứu Chữ thập đỏ ở Washington (Mỹ) trong đại dịch năm 1918.

Hãng tin AP cho biết, dân số Mỹ cách đây một thế kỷ chỉ bằng 1/3 so với ngày nay, điều đó đồng nghĩa đại dịch cúm đã tấn công chết chóc hơn nhiều. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng COVID-19, theo bất kỳ thước đo nào, cũng là một thảm kịch lớn, đặc biệt là khi đặt trong bối cảnh những tiến bộ khoa học đáng kinh ngạc trong một thế kỷ qua và việc không tận dụng được tối đa các loại vaccine có sẵn.

“Những tầng lớp lớn của xã hội Mỹ và tệ hơn, các nhà lãnh đạo của họ, đã vứt bỏ lợi thế này”, nhà sử học y khoa Howard Markel tại Đại học Michigan nói về cơ hội tiêm chủng cho tất cả mọi người vào thời điểm hiện tại.

Giống như bệnh cúm, COVID-19 có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn khỏi thế giới của chúng ta. Thay vào đó, các nhà khoa học hy vọng nó sẽ trở thành một loại bệnh theo mùa nhẹ khi khả năng miễn dịch của con người được tăng cường thông qua tiêm phòng và nhiễm virus lặp đi lặp lại. Quá trình này có thể mất thời gian.

Nhà sinh vật học Rustom Antia tại Đại học Emory cho biết: "Chúng tôi hy vọng nó sẽ giống như bị cảm lạnh, nhưng không có gì đảm bảo điều này". Ông Antia đã đề xuất một viễn cảnh lạc quan trong đó, việc COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu như cảm lạnh có thể xảy ra trong một vài năm.

Còn hiện tại, đại dịch vẫn đang tấn công nước Mỹ và nhiều nơi trên khắp thế giới. Trong khi làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta có thể đã lên tới đỉnh điểm, số ca tử vong ở Mỹ trung bình đang ở mức trên 1.900 người mỗi ngày – mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2021, đưa tổng số ca tử vong lên đến 675.000 người vào ngày 20/9 – theo số liệu của Đại học John Hopkins, và con số thực tế được cho là còn cao hơn.

Một mô hình của Đại học Washington dự đoán, mùa đông tới có thể dẫn đến một làn sóng lây nhiễm mới, khiến thêm 100.000 người nữa có thể thiệt mạng tính đến 1/1/2021, nâng tổng ca tử vong ở Mỹ lên 776.000 người.

Đại dịch cúm năm 1918-19 đã giết chết 50 triệu người trên toàn cầu vào thời điểm mà dân số thế giới chỉ bằng 1/4 hiện nay. Trong khi đó, số ca tử vong toàn cầu do COVID-19 hiện là trên 4,6 triệu.

Số người chết tại Mỹ do bệnh cúm Tây Ban Nha là một phỏng đoán sơ bộ, dựa trên hồ sơ không đầy đủ vào thời đó và sự hiểu biết khoa học còn kém về nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Còn con số 675.000 ca tử vong do COVID-19 dựa trên dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Việc COVID-19 chuyển biến thành bệnh đặc hữu có thể xảy ra nếu virus SARS-CoV-2 dần dần suy yếu và hệ miễn dịch của con người ngày càng học cách tốt hơn để tấn công nó. Tiêm phòng và sống sót sau nhiễm virus là những con đường chính để chúng ta cải thiện hệ miễn dịch. Ngoài ra, trẻ sơ sinh bú sữa mẹ cũng đạt được một số khả năng miễn dịch từ mẹ.

Theo kịch bản lạc quan đó, học sinh sẽ bị ốm nhẹ để rèn luyện hệ miễn dịch. Khi lớn lên, những đứa trẻ sẽ mang theo trí nhớ phản ứng miễn dịch, do đó khi chúng già và dễ bị tổn thương, COVID-19 sẽ không nguy hiểm hơn virus cảm lạnh.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với thanh thiếu niên được tiêm chủng ngày nay: Hệ miễn dịch của họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn thông qua các mũi vaccine và những lần nhiễm virus nhẹ.

Ông Antia dự đoán: “Tất cả chúng ta sẽ bị nhiễm bệnh. Điều quan trọng là liệu tình trạng lây nhiễm có nghiêm trọng hay không."

Một điều gì đó tương tự đã xảy ra với virus cúm H1N1, thủ phạm của đại dịch cúm năm 1918-19. Nó gặp phải quá nhiều người đã được miễn dịch và cuối cùng suy yếu trong quá trình đột biến. H1N1 vẫn còn tồn tại đến ngày nay, nhưng khả năng miễn dịch mà loài người có được thông qua những lần lây nhiễm và tiêm chủng đã thành công.

Tiêm phòng cúm hàng năm hiện nay bảo vệ chống lại H1N1 và một số chủng cúm khác. Virus cúm giết chết trung bình từ 12.000 đến 61.000 người Mỹ mỗi năm, nhưng đó là một bệnh theo mùa và có thể kiểm soát được.

Trước COVID-19, đại dịch cúm năm 1918-19 được coi là dịch bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử loài người. Mặc dù tổn thất do dịch COVID-19 vẫn chưa dừng lại, nhưng theo nhiều cách, dịch “cúm Tây Ban Nha” (một cái tên đặt sai chỉ vì bệnh lần đầu tiên được đưa tin rộng rãi ở Tây Ban Nha) vẫn tồi tệ hơn. Lây lan mạnh mẽ bởi những chuyển dịch trong Thế chiến thứ nhất, dịch cúm 1918-1919 đã giết chết nhiều người trưởng thành trẻ, khỏe mạnh với số lượng lớn. Không có vaccine nào có thể ngăn bước nó và cũng không có thuốc kháng sinh để điều trị những bệnh nhiễm trùng thứ cấp.

Còn ngày nay, COVID-19 đã xuất hiện bất ngờ và phần lớn thế giới vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Nhà sử học y khoa Howard Markel cho biết ông kinh ngạc trước mức độ tàn phá mà đại dịch đã gây ra cho thế giới và tốc độ tiêm chủng chậm trễ ở Mỹ là điều mới nhất khiến ông ngạc nhiên.

Tới nay, chỉ không đầy 64% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, với những bang thấp nhất chỉ khoảng 46% đến 49% như Idaho, Wyoming, Tây Virginia và Mississippi.

Trong khi đó, theo Our World in Dât, trên toàn cầu, khoảng 43% dân số đã được tiêm ít nhất một liều, trong đó một số quốc gia châu Phi chỉ mới bắt đầu tiêm mũi đầu tiên.

Tiến sĩ Jeremy Brown, Giám đốc nghiên cứu chăm sóc khẩn cấp tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ, cho rằng COVID-19 có thể ít gây chết người hơn ở Mỹ nếu nhiều người tiêm chủng nhanh hơn. “Chúng ta vẫn còn cơ hội để xoay chuyển tình thế. Chúng ta thường không biết mình may mắn như thế nào khi coi những điều này là điều hiển nhiên”, ông Brown nói.

Các loại vaccine hiện tại hoạt động rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong do các biến thể virus đã xuất hiện cho đến nay. Nhà sinh vật học Antia cho biết, điều quan trọng đối với các nhà khoa học là phải đảm bảo các biến thể virus không thay đổi đủ để tránh né được vaccine hoặc gây ra bệnh nặng ở trẻ em chưa tiêm chủng.

Một giám đốc điều hành của Pfizer cho biết nếu virus biến đổi đáng kể, một loại vaccine mới sử dụng công nghệ mRNA có thể được sản xuất trong 110 ngày. Pfizer hiện đang nghiên cứu xem liệu các mũi tiêm phòng hàng năm với vaccine hiện tại có duy trì được khả năng miễn dịch cao hay không.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam