Tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh, lên kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

10:47 | 22/09/2021 Print
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, TP. Hà Nội tiếp tục thực hiện mục tiêu “phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm an sinh xã hội”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Kỳ họp thứ hai HĐND TP.Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 sáng 22/9. Ảnh: Phúc Nguyên

Sáng 22/9, kỳ họp thứ hai HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, để đảm bảo an toàn phòng dịch. Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 1,5 ngày để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của Thủ đô.

Điều hành ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo cân đối ngân sách

Tại kỳ họp, thay mặt UBND TP. Hà Nội, trình bày báo cáo kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố tiếp tục thực hiện mục tiêu “phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm an sinh xã hội”.

Theo đó, 8 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố đã đặt nhiệm vụ chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên số 1; thực hiện tốt, khẩn trương các chỉ thị của Chính phủ với tinh thần "Chống dịch như chống giặc", với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe, sinh mạng của người dân; duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, thị trường cung cầu hàng hóa, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh; đảm bảo an sinh xã hội.

Nhiều chủ trương, biện pháp, cơ chế chính sách đặc thù đã được ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời. Đến ngày 16/9/2021, ngân sách các cấp của thành phố đã hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 khoảng 850 tỷ đồng.

Về phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô trong thời gian qua vẫn tiếp tục có mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn quý II tăng 6,61% và cao hơn quý I là 5,17%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 8 tháng ước đạt 164.483 tỷ đồng, đạt 69,8 % so với dự toán trung ương giao và đạt 65,4% so với chỉ tiêu được HĐND TP. Hà Nội giao, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 8 tháng thực hiện 39.147 tỷ đồng, đạt 36% so với dự toán và bằng 90,5% so với cùng kỳ.

Kỳ họp sẽ xem xét, thảo luận và thông qua 15 báo cáo, 2 nghị quyết thường kỳ và 16 nghị quyết chuyên đề. Trong đó, có những nghị quyết rất quan trọng như: Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm; Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; xem xét thông qua đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm tạo cơ sở cho UBND TP. Hà Nội khẩn trương triển khai kế hoạch thực hiện hiệu quả trong thời gian tới; chính sách về hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021 - 2022 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19...

"Thành phố đã thực hiện điều hành ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo cân đối ngân sách; chỉ đạo kịp thời các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc TP. Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện rà soát, cắt giảm và tiết kiệm theo Nghị quyết số 581 của Chính phủ là 1.167,7 tỷ đồng để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, thành phố tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm chi thường xuyên năm 2021, thu hồi các khoản chi ngân sách thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch..." - ông Hải nêu rõ.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Minh Hải, những tháng cuối năm, căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước và tình hình sản xuất, kinh doanh 8 tháng đầu năm, thành phố hiện đang giao các ngành tập trung phân tích và tham mưu kế hoạch phục hồi và xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế căn cứ theo lộ trình chuyển trạng thái trong tình hình mới.

Hà Nội
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Phúc Nguyên

Phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, đến nay, thành phố đã thực hiện hoàn thành 3 nhiệm vụ quan trọng, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; duy trì được chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh, với một số kết quả khả quan.

Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu cần phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri thành phố để tập trung, thảo luận kỹ lưỡng, làm rõ hơn, sâu sắc và toàn diện hơn nữa tình hình, những kết quả tích cực đã đạt được và những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và các nhiệm vụ khác trong 8 tháng của năm 2021; từ đó chỉ ra các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của các tồn tại hạn chế đó, nhất là các nguyên nhân chủ quan và các bài học kinh nghiệm thực tiễn cần thiết cho thời gian tới.

Trên cơ sở đó, thành phố phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tài chính ngân sách năm 2021.

Cùng với nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 của thành phố và Kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021 - 2025 của thành phố, ông Đinh Tiến Dũng đặc biệt lưu ý Nghị quyết về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội; chủ trương triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

“Đây là những nội dung lớn, là cơ sở, tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị cũng như đời sống nhân dân trên địa bàn Thủ đô” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh, việc sớm đầu tư tuyến đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội 17 của Đảng bộ thành phố.

Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu các cấp ngành cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cho nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19. Đồng thời, các cơ quan, ban, ngành thành phố tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, khắc phục sự chồng chéo, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển...

Phúc Nguyên

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam