Phái sinh: Các hợp đồng giằng co rồi đóng cửa phân hóa nhẹ

07:52 | 23/09/2021 Print
Các hợp đồng tương lai đóng cửa phân hóa do thị trường diễn biến giằng co; trong khi đó, chỉ số cơ sở vẫn tăng 7 điểm, khiến chênh lệch âm được nới rộng. Sau phiên tăng tốt, thanh khoản lại giảm khá mạnh trở lại.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai có phiên phân hóa nhẹ do thị trường có diễn biến giằng co. Trong khi đó, chỉ số cơ sở vẫn giữ được đà tăng, dù không quá cao. Theo đó, các hợp đồng tương lai tăng từ -1,0 điểm đến +6,6 điểm; còn chỉ số VN30 tăng +7,0 điểm.

PS

Hợp đồng tháng 10 VN30F2110 trải qua một phiên giằng co rung lắc trước khi đóng cửa tại ngưỡng 1.440,8 điểm, tức là chỉ tăng +0,8 điểm so với tham chiếu. Mức tăng khiêm tốn so với chỉ số cơ sở kéo theo khoảng cách chênh lệch âm gia tăng, đạt -12,4 điểm.

phái sinh

Trong khi đó, thanh khoản thị trường phái sinh lại thu hẹp khá mạnh sau phiên tăng tốt kế trước. Nguyên nhân có thể là do thị trường cơ sở bắt đầu sôi động trở lại với nhiều cơ hội đầu tư, đặc biệt tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Theo đó, khối lượng giao dịch các hợp đồng giảm về mức 158.493 hợp đồng, riêng hợp đồng tháng 10 là 158.312 hợp đồng.

Các chuyên gia của SSI Research cho rằng, với việc VN30F2110 vẫn đang giằng co đi ngang, cơ hội giao dịch trong ngày của cả bên Long và bên Short đều có thể xuất hiện, tuy nhiên biên độ sinh lời có thể sẽ không quá hấp dẫn đồng thời yêu cầu phải sử dụng hiệu quả các mức dừng lỗ động để tránh rủi ro đảo chiều ngay trong phiên.

Chỉ số VN30 vẫn đang vận động trong mẫu hình Tam giác cân với thanh khoản bắt đầu thu hẹp. Chỉ số cần các phiên xác nhận xu hướng với khối lượng lớn để nhà giao dịch có thể xác định nên tăng tỷ trọng theo vị thế Long hay Short. Trên đồ thị 5 phút của hợp đồng F2110, kháng cự gần là 1.444 – 1.448 điểm trong khi hỗ trợ gần là 1.436 – 1.425 điểm.

VN30

Trên thị trường cơ sở, mặc dù tăng thêm 0,48% trong phiên, tuy nhiên, VN30-Index vẫn đang nằm trong xu hướng đi ngang trên đồ thị kỹ thuật. Chỉ số kết thúc phiên tại ngưỡng 1.453,2 điểm, đi cùng với nền thanh khoản thu hẹp. Khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 130,6 triệu đơn vị, giảm mạnh với 26,5%, thấp nhất trong năm 2021, phản ánh sự thận trọng nhất định của một bộ phận dòng tiền. Chỉ số vẫn trong một xu hướng đi ngang và khả năng sẽ tiếp tục dao động giữa vùng hỗ trợ 1.431-1.400 điểm và vùng kháng cự 1.450-1.486 điểm trong các phiên tới./.

Thái Duy

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam