Phân bổ quyền rút vốn đặc biệt

16:16 | 23/09/2021 Print
Quỹ Tiền tệ quốc tế đã phê chuẩn phân bổ quyền rút vốn đặc biệt lớn nhất lịch sử trị giá 456,5 tỷ SDRs nhằm bổ sung thanh khoản cho nền kinh tế thế giới, hỗ trợ các quốc gia ứng phó với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Bổ sung dự trữ, tăng thanh khoản cho các quốc gia

Quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Rights – SDRs) là một tài sản dự trữ quốc tế có lãi suất được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tạo ra vào năm 1969 để bổ sung cho các tài sản dự trữ khác của các nước thành viên. SDRs được dùng như một đơn vị hạch toán của IMF và một số tổ chức quốc tế khác. SDRs không phải là một loại tiền tệ hay quyền đòi nợ với IMF, nhưng nó có thể đổi lấy những đồng tiền tự do sử dụng của các nước thành viên IMF trên thị trường tự nguyện mua bán, hoặc IMF có thể chỉ định các nước thành viên mua SDRs của các nước thành viên khác.

Việc định giá SDRs dựa trên một rổ tiền tệ quốc tế bao gồm 05 loại: đồng Đô la Mỹ, Yên Nhật, Euro, Bảng Anh và Nhân dân tệ của Trung Quốc. SDRs được các thành viên IMF hoàn trả/sử dụng một cách tự do. Giá trị của SDRs được IMF thay đổi hàng ngày, dựa trên tỷ giá cố định của các đơn vị tiền tệ trong giỏ SDRs và tỷ giá hối đoái thị trường hàng ngày giữa các đơn vị tiền tệ trong giỏ SDRs.

IMF
Ảnh: minh họa

Theo quy định, chỉ có các thành viên của IMF mới có quyền nắm giữ SDRs, ngoài ra có 15 tổ chức có thể nắm giữ SDRs, bao gồm: 4 ngân hàng Trung ương (NHTW châu Âu, Ngân hàng của các Quốc gia Trung Phi, NHTW của các Quốc gia Tây Phi và NHTW Đông Ca-ri-bê); 3 tổ chức tiền tệ liên Chính phủ (Ngân hàng Thanh toán quốc tế, Quỹ Dự trữ Mỹ La-tinh và Quỹ Tiền tệ Ả Rập); 8 tổ chức phát triển (Ngân hàng Phát triển Châu Phi, Quỹ Phát triển châu Phi, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế và Hiệp hội Phát triển quốc tế, Ngân hàng Phát triển Hồi giáo, Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu và Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế).

Mục tiêu chung của phân bổ SDRs là bổ sung các tài sản dự trữ hiện có của các quốc gia nhằm giúp đáp ứng nhu cầu thanh toán cho các mục đích khác nhau, nhất là các kế hoạch dài hạn. Điều này tăng cường vùng đệm và củng cố khả năng phục hồi kinh tế quốc tế trước những tác động tiêu cực từ các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính, rủi ro thiên tai, dịch bệnh... Bằng cách giúp ổn định các quốc gia dễ bị tổn thương, phân bổ SDRs có thể giúp giảm thiểu rủi ro về kinh tế và xã hội, tác động lan tỏa và tăng cường sự ổn định của hệ thống tài chính - tiền tệ quốc tế.

Phân bổ SDRs là một cách bổ sung dự trữ ngoại hối của các nước thành viên IMF, cho phép các thành viên giảm bớt sự phụ thuộc vào nợ trong nước hoặc nước ngoài. Một nước thành viên IMF được phân bổ bao nhiêu SDR thì tùy thuộc vào tỷ lệ góp vốn (quota) của nước đó trong IMF. Quota này được tính theo công thức gồm các biến số như GDP, độ mở thương mại và “sự biến động”.

Việc phân bổ SDRs phải phù hợp với mục tiêu đáp ứng nhu cầu trong dài hạn của các nước để bổ sung tài sản dự trữ hiện có. Và phải nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các thành viên của IMF (một sự phân bổ chung cần được Ban Thống đốc phê chuẩn với 85% tổng số phiếu bầu của các nước thành viên). Sau khi đồng ý, việc phân bổ sẽ được phân phối cho các nước thành viên theo tỷ lệ hạn ngạch của nước đó tại IMF.

Hiện nay, theo tính toán của IMF thì hạn ngạch của Việt Nam là 0,24% - thấp nhất trong khu vực ASEAN; trong khi đó hạn ngạch của các thành viên khác cao hơn rất nhiều, cụ thể: cao nhất là Indonesia 0,98%; Singapore là 0,82%; Thái Lan là 0,67%; Philippines là 0,43%…

Các đợt phân bổ quyền rút vốn đặc biệt

Phân bổ SDRs được rà soát định kỳ 5 năm/lần, tuy vậy việc phân bổ SDRs chỉ được quyết định theo tình hình cụ thể. Tính đến tháng 8 năm 2021, IMF đã phân bổ tổng cộng 660,7 tỷ SDRs (tương đương khoảng 943 tỷ USD), bao gồm bốn lần phân bổ chung và một lần phân bổ đặc biệt.

Cụ thể: Đợt 1 từ năm 1970-1972 trị giá 9,3 tỷ SDRs; Đợt 2 từ 1979-1981 trị giá 12,1 tỷ SDRs;

Đợt 3 vào năm 2009 là 161,2 tỷ SDRs. Tại năm 2009, ngoài phân bổ chung, IMF cũng thực hiện thêm một phân bổ đặc biệt một lần trị giá 21,5 tỷ SDRs để dành cho các thành viên gia nhập IMF sau năm 1981 chưa bao giờ nhận được phân bổ.

Đợt 4 vào ngày 02/8/2021 trị giá 456,5 tỷ SDRs (tương đương khoảng 650 tỷ USD), có hiệu lực kể từ ngày 23/8/2021. Đây là mức phân bổ lớn nhất cho đến nay nhằm giải quyết nhu cầu dự trữ dài hạn trên toàn cầu và giúp các quốc gia đối phó với tác động của đại dịch Covid-19.

Dự kiến, 193 tỷ SDRs (khoảng 275 tỷ USD) trong mức phân bổ mới sẽ được dành cho các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, trong đó các nước có thu nhập thấp sẽ nhận được khoảng 21 tỷ USD. Theo tỷ lệ hạn ngạch quy định từ IMF, Việt Nam nhận được khoảng 1,09 tỷ SDRs, tương đương 1,56 tỷ USD. Đây sẽ là khoản dự trữ ngoại hối khá lớn mà Việt Nam có thể huy động trong điều kiện khẩn cấp./.

Hải Hà

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam