Cục Hàng không giữ nguyên đề xuất áp giá sàn vé may bay, các hãng ‘phản ứng’ trái chiều

18:35 | 26/09/2021 Print
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản số 4060/CHK-TC báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc hoàn thiện Hồ sơ Dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ ngày 1/11/2021 đến ngày 30/10/2022.

Đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, các hãng và Nhà nước?

Tại văn bản báo cáo lần này, Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) đã bổ sung thuyết minh về phương pháp xác định mức giá tối thiểu. Cũng như tại văn bản số 3737 ngày 31/8 trước đó, lần này, Cục HKVN cho rằng, chính sách quy định mức giá tối thiểu đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước. Giải pháp mang tính chất tình huống, chỉ áp dụng trong thời gian ngắn tuy nhiên cũng tồn tại các bất cập, hạn chế.

Theo văn bản số 4060, Cục HKVN cho biết, Cục đã thực hiện xác định mức giá tối thiểu theo phương pháp so sánh. Theo đó, so sánh tỷ lệ mức giá tối thiểu/mức giá tối đa với các quốc gia đã hoặc đang thực hiện, Cục cho rằng, tỷ lệ mức giá tối thiểu/tối đa theo đề xuất của Cục chỉ bằng khoảng 45,5% - 60,6% so với các quốc gia. Tuy nhiên, “việc so sánh này chỉ mang tính chất tương đối do không có dữ liệu về phương pháp xây dựng khung giá của các quốc gia” – Văn bản của đơn vị này nêu rõ.

So sánh mức giá tối thiểu đề xuất với chi phí bình quân/ghế cung ứng chặng HAN-SGN năm 2019 (giai đoạn không chịu ảnh hưởng của Covid-19 và là đường bay thông dụng nhất) của các hãng hàng không, Cục HKVN cho rằng, giá dịch vụ vận chuyển hành khách được các hãng hàng không thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt. Các hãng hàng không đưa ra nhiều dải giá tương ứng với các điều kiện, thời điểm mua khác nhau,... đảm bảo trong khung giá quy định. Do vậy, với mức chi phí bình quân của các hãng hàng không là 1.511.249 đồng, bằng khoảng 47% so với mức giá tối đa quy định hiện hành, thì mức tối thiểu theo Cục đề xuất bằng khoảng 43% chi phí bình quân là phù hợp.

So sánh phương án đề xuất của Cục HKVN với phương án đề xuất của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (VNA), thì Cục đề xuất tỷ lệ mức giá bình quân/chi phí bình quân của các hãng hàng không là 127% thấp hơn mức 153% theo phương án đề xuất của VNA.

Đơn vị này cũng cho rằng, với mức giá tối thiểu Cục HKVN đề xuất, sau khi cộng thêm thuế VAT và các khoản thu hộ, chi phí tối thiểu hành khách phải chi trả cho 1 vé 1 chiều chặng HAN-SGN là 824.000 đồng, xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ.

Mặt khác, cũng theo Cục HKVN, đặc thù về xây dựng giá vé của các loại hình vận chuyển là khác nhau. Khác với đường bộ và đường sắt, đối với loại hình vận chuyển bằng đường hàng không, giá dịch vụ vận chuyển hành khách được các hãng hàng không thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt. Do vậy, việc xây dựng khung giá dịch vụ hàng không cần cân đối mức tối thiểu, tối đa để các hãng hàng không tiếp tục triển khai chính sách giá vé linh hoạt và mức giá bình quân/ghế cao hơn chi phí bình quân/ghế.

“Như vậy, mức giá tối thiểu theo đề xuất của VNA là chưa phù hợp với chính sách giá vé linh hoạt, chưa đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng” – Văn bản của Cục HKVN nhấn mạnh.

“Với tỷ lệ mức giá bình quân/chi phí bình quân của các hãng hàng không là 127%, thì phương án đề xuất của Cục HKVN là sát hơn với thực tế mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không so với phương án đề xuất của VNA (153%). Đồng thời, khung giá tại dự thảo Thông tư đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước” – Cục HKVN cho hay.

Các hãng hàng không đánh giá trái chiều

Cũng tại văn bản số 4060 này, Cục HKVN cho biết, Cục đã nhận được báo cáo của các hãng hàng không; đồng thời, Cục cũng thông tin về các đánh giá tác động trái chiều của các hãng hàng không.

Theo đó, đối với nhóm đánh giá tác động tích cực, 3 hãng hàng không gồm VNA, Pacific Airlines (PA) và Tre Việt (BAV) cho rằng chính sách quy định giá tối thiểu đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa mang lại tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của hãng.

Đối với nhóm đánh giá tác động tiêu cực, 2 hãng hàng không gồm Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (VTA) và VietJet cho rằng, chính sách quy định giá tối thiểu đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa tồn tại nhiều bất cập, hạn chế và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của hãng.

Cụ thể, đánh giá của VTA cho rằng, việc áp dụng chính sách giá tối thiểu sẽ có những tác động tiêu cực khiến hành khách lựa chọn hãng có dịch vụ cao hơn, như vậy các hãng giá rẻ sẽ bị thiệt thòi, đặc biệt là với hãng hàng không mới. Đồng thời cũng theo VTA, việc này còn gây khó khăn cho hành khách khi đại đa số phải chi trả cho các dịch vụ không cần thiết hoặc không có nhu cầu như hành lý, thức ăn, nước uống, ... Mặt khác, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau Covid-19, việc áp dụng giá sàn cho thị trường nội địa sẽ làm giảm mạnh nhu cầu đi lại, giao thương của người dân do thu nhập bị thâm hụt nặng nề trong thời gian giãn cách.

Đánh giá của VietJet cũng cho rằng, chính sách quy định mức giá tối thiểu sẽ tạo ra nhiều bất cập và tác động tiêu cực, chẳng hạn như: “Đi ngược lại với các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định quốc tế, tác động đến hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế; Tác động tiêu cực mạnh mẽ đến các tầng lớp người dân trong xã hội, nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội; Tác động tiêu cực, làm mất đi lợi thế cạnh tranh và động lực phát triển của ngành hàng không; …”./.

Thái Duy

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam