Giám định tư pháp lĩnh vực tài chính góp phần nâng cao hiệu quả quản lý

23:10 | 30/09/2021 Print
(TBTCVN) - Công tác giám định tư pháp nói chung và công tác giám định trong lĩnh vực tài chính nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giám định tư pháp.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Đạt kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực

Sau hơn 8 năm thực hiện Luật Giám định tư pháp (năm 2012) và mới đây là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác giám định tư pháp nói chung và công tác giám định trong lĩnh vực tài chính nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Tính đến ngày 15/9/2021, tại Bộ Tài chính đã hình thành đội ngũ giám định viên, với 1.993 giám định viên tư pháp và 88 người giám định theo vụ việc. Các giám định viên của Bộ Tài chính đã cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; đưa ra những kết luận giám định khách quan, đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được nghiêm minh, đúng pháp luật, tránh được oan sai. Bên cạnh đó, công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính còn giúp cho bị cáo, người bị hại, các bên đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính.

Xác định vai trò quan trọng của công tác giám định tư pháp, để kịp thời triển khai Luật Giám định tư pháp, Bộ Tài chính luôn quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, chương trình, kế hoạch. Các kế hoạch của Bộ Tài chính đã cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao để phân công các đơn vị, gắn với kết quả đầu ra và thời gian thực hiện.

Công tác giám định tư pháp đã đạt kết quả nổi bật trên một số lĩnh vực như: về ban hành cơ chế chính sách; bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định tư pháp theo thẩm quyền và lập, công bố danh sách giám định viên tư pháp; cử giám định viên thực hiện giám định theo yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định.

Việc chủ động tích cực, phối hợp với các bộ, ngành cũng như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính theo thẩm quyền trong lĩnh vực giám định tư pháp đã tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giám định tư pháp. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp và người giám định theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính được thực hiện theo đúng quy định. Đội ngũ giám định viên là cán bộ có chuyên môn sâu, có nhiều kinh nghiệm và thuộc tất cả các lĩnh vực tài chính như kế toán, thuế, chứng khoán, tài chính doanh nghiệp, giám sát bảo hiểm... đã tham gia tích cực, có kết quả trong hoạt động giám định khi được yêu cầu.

Vẫn còn nhiều bất cập

Trong quá trình tổ chức, thực hiện hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Một số vụ việc giám định liên quan đến doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý nhưng không trưng cầu giám định viên của các bộ quản lý ngành dẫn đến khó khăn cho giám định viên tài chính. Một số sai phạm liên quan đến việc quản lý giám sát về kỹ thuật, quy trình. Một số vụ trưng cầu giám định liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng, không thuộc nghiệp vụ chuyên môn của Bộ Tài chính nhưng cơ quan trưng cầu giám định vẫn đề nghị Bộ Tài chính cử cán bộ tham gia.

Không phân cấp rõ gây quá tải trong xử lý

Luật Giám định tư pháp không có quy định về phân cấp trong công tác trưng cầu giám định dẫn đến tình trạng không rõ ràng trong thực hiện và phải trao đổi, đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định viên cho phù hợp nhiều lần. Việc này đã ảnh hưởng đến thời gian giải quyết vụ việc đồng thời gây quá tải cho các cơ quan trung ương, trong đó có lĩnh vực tài chính.

Những khó khăn, vướng mắc xuất hiện còn từ việc thiếu cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành về giám định tư pháp nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện và phối hợp giữa các bộ, ngành quản lý giám định tư pháp với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan liên quan đối với công tác giám định tư pháp, đặc biệt trong việc cung cấp, xử lý thông tin trong giám định tư pháp đối với các vụ việc phức tạp.

Các nội dung khó khăn, vướng mắc nêu trên đã được nghiên cứu và đưa ra các giải pháp nêu tại đề tài “Tăng cường giám định tư pháp trong lĩnh vực Tài chính”, trong đó đã tập trung vào các nhóm giải pháp như:

Một là, hoàn thiện pháp luật về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, đề xuất nội hướng dẫn về quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Theo đó, trong các văn bản cần có quy định chặt chẽ, rõ ràng về trình tự, thủ tục, thời hạn trưng cầu và thực hiện giám định; ban hành quy chuẩn giám định phù hợp với từng lĩnh vực; xác định rõ cơ chế đánh giá kết luận giám định…

Hai là, củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực Tài chính. Theo đó, bên cạnh việc thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực thì yêu cầu về điều kiện của giám định viên về tài chính cũng cần được đặt ra; cần quan tâm bảo đảm về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ cũng như các điều kiện cần thiết khác để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Ba là, xây dựng, đẩy mạnh cơ chế xã hội hóa trong công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Chính sách cần có cơ chế tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong công tác giám định tư pháp về tài chính nhằm huy động, tạo điều kiện để các tổ chức giám định tư pháp, tổ chức chuyên môn, các chuyên gia ở các lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội vào việc cung cấp các kết luận giám định để giúp cho việc giải quyết vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.

Bốn là, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác giám định tư pháp lĩnh vực tài chính. Văn bản cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong triển khau thực hiện; nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động giám định tư pháp và giữa cơ quan trưng cầu giám định tư pháp với các tổ chức giám định tư pháp.

Năm là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng chuyên mục giám định tư pháp về tài chính trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, gồm các nội dung như: hỏi đáp pháp luật về giám định; tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp giám định; cơ sở dữ liệu, bao gồm hai tiểu mục: Văn bản quy phạm pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn triển khai công tác giám định; Danh sách giám định viên tài chính và người giám định theo vụ việc.

Bố trí đủ kinh phí cho công tác giám định

Trong thời gian qua, việc bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước luôn được Bộ Tài chính quan tâm phối hợp với các cơ quan tố tụng (Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao) để bố trí đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Trong quá trình thực hiện, các vướng mắc phát sinh đã được quan tâm tháo gỡ, bổ sung kinh phí kịp thời để các cơ quan thực hiện nhiệm vụ; do đó không có tình trạng cơ quan tố tụng có văn bản đề nghị bổ sung kinh phí nhưng chưa được đáp ứng.

Về kinh phí chi bồi dưỡng giám định tư pháp, thực hiện Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp và Thông tư số 137/2014/TT-BTC, hàng năm Bộ Tài chính đều hướng dẫn lập dự toán và cấp phát kinh phí đủ theo đề nghị, không thực hiện cắt giảm đối với nguồn kinh phí này và tăng dần hàng năm. Việc chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc bố trí, đảm bảo kinh phí kịp thời đầy đủ cho công tác giám định tư pháp đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo cho hoạt động cũng như nâng cao chất lượng công tác giám định tư pháp.

Vi Nhung

Vi Nhung

© Thời báo Tài chính Việt Nam