Cứu kinh tế sau những bài học xương máu

10:59 | 03/10/2021 Print
(TBTCVN) - Sau yêu cầu “phải rút ra những bài học xương máu trong chống dịch”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tục chủ trì hai hội nghị trực tuyến toàn quốc, đi thẳng vào hai vấn đề mang tính “sống còn” hiện nay của tăng trưởng kinh tế là sức khỏe doanh nghiệp và giải ngân vốn đầu tư công.

Nguồn: Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.

Nguồn: Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Đồ họa: Hồng Vân

Lòng người cách trở

Có nhiều bài học xương máu phải rút ra sau gần nửa năm ròng rã chỉ có chống dịch và chống dịch. Nhưng bài học đáng nhớ nhất có lẽ là không gì gây cản trở hơn là lòng người cách trở. Chưa bao giờ hai câu “đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi/mà khó vì lòng người cách núi ngăn sông”, lại đúng như trong thực tế thời gian qua.

Ngay cả khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ quan điểm: “Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải thay đổi. Đạt “zero COVID” sẽ là một điều rất khó khăn vì ngay tại những nước phát triển có tỷ lệ tiêm vắc-xin đạt 90% dân số, điều đó cũng không thể. Chúng ta đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, thì các địa phương ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam vẫn giữ tâm thế cố thủ.

Cần Thơ, Vĩnh Long và Sóc Trăng và nhiều tỉnh miền Nam đã nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng như với Cần Thơ thì người dân vẫn phải tuân theo quy định ra khỏi thành phố phải được sự đồng ý của chính quyền quận, huyện. Còn người dân An Giang muốn qua tỉnh giáp ranh Đồng Tháp để sản xuất kinh doanh, dù đã tiêm hai mũi vắc-xin, có giấy đi đường và giấy xét nghiệm âm tính nhưng một số huyện thuộc Đồng Tháp vẫn buộc phải xét nghiệm lại.

Mở cửa ổn định

Hiện, Chính phủ đang rất thận trọng trong việc nghiên cứu, ban hành các giải pháp thích ứng với việc chuyển hướng chính sách từ zero COVID sang sống chung an toàn với loại virus này để mở cửa trở lại nền kinh tế. Thủ tướng nhìn nhận, mặc dù trong gần 2 năm qua đã có thêm nhiều kinh nghiệm, hiểu rõ hơn về virus, về dịch bệnh, song đây là việc chưa có tiền lệ. Việc ban hành hướng dẫn mới phải thận trọng, lấy ý kiến nhiều bên, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần, để việc mở cửa trở lại là ổn định; cố gắng tránh tình trạng như nhiều nước là cứ mở cửa rồi lại đóng cửa ngay.

Ban Chỉ đạo quốc gia đã chỉ đạo Tiểu ban Y tế xây dựng hướng dẫn để phòng chống dịch. 6 nguyên tắc phải quán triệt để xây dựng hướng dẫn này theo chỉ đạo của Thủ tướng là: (1) Y tế là trụ cột, là trung tâm; (2) Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; (3) Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; (4) Ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; (5) Vắc-xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; (6) An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Tại miền Trung, người dân "vùng xanh" có giấy xét nghiệm âm tính được phép rời Đà Nẵng nhưng khi về Quảng Nam bị chặn lại với lý do… chờ hướng dẫn của chính quyền. Đường bộ là thế, còn đường sắt, hàng không gần như tê liệt do tỉnh, thành nào cũng “ngại” đón khách. Từ ngày 25/8, Tổng công ty Đường sắt dừng hoạt động đoàn tàu chở khách cuối cùng trên hệ thống đường sắt Việt Nam. Đến nay, đường sắt dự kiến kế hoạch khai thác tàu hỏa chở khách trở lại từ 1/10 tới... Lưu thông nếu cứ như vậy, làm sao có thể cứu được tăng trưởng kinh tế?

Không được “đẻ” thêm giấy phép con

Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thêm một lần nữa nhấn mạnh về việc cần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đi đôi với phục hồi kinh tế.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định, vừa qua trên địa bàn một số địa phương còn có hiện tượng ùn tắc lưu thông hàng hóa cục bộ do quy định chưa phù hợp của địa phương, dẫn đến tăng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp, gây bức xúc trong dư luận, người dân. Bộ này đã có công điện chấn chỉnh và liên tục theo dõi tình hình. Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị Chính phủ phải xử lý trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương nếu ban hành các quy định về lưu thông hàng hóa trái quy định chung.

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - ông Vũ Tiến Lộc, cho rằng sự chuyển hướng chiến lược theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở bước đầu vững chắc để Chính phủ quyết định khởi động quy trình nới lỏng giãn cách, khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh đã bị ngưng trệ kéo dài, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhưng mở cửa mà vẫn mỗi nơi một kiểu thì cũng không thể cứu được nền kinh tế.

Bởi vậy, theo ông Lộc, Chính phủ cần có hướng dẫn chung về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, trong đó quy định rõ nguyên tắc nền tảng mà Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh, đó là trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không được phép “đẻ” thêm các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh mới, không cho phép phát sinh bất cứ các quy trình phê duyệt, cấp phép nào.

Trông chờ khởi sắc

Liên quan đến hai vấn đề mang tính sống còn cho tăng trưởng kinh tế là sức khỏe doanh nghiệp và giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư và Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập ngay tổ công tác đặc biệt của bộ, cơ quan, địa phương về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Sức khỏe doanh nghiệp và giải ngân vốn đầu tư công là hai lĩnh vực nếu không nhanh chóng có khởi sắc trở lại thì cả nền kinh tế cũng không thể khởi sắc trở lại. Gần 100% doanh nghiệp tại 19 tỉnh, thành phía Nam trong tình trạng cực kỳ khó khăn. Trong tháng 9, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020. Còn tính chung cả 9 tháng, số doanh nghiệp được “khai sinh” chỉ là 85,5 nghìn, trong khi số doanh nghiệp phải “khai tử” là 90,3 nghìn. Đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng “khai tử” nhiều hơn “khai sinh”.

Với đầu tư công, bức tranh cũng xám màu. Dự kiến giải ngân đầu tư công cả 9 tháng mới đạt 47,38% kế hoạch. Có tới 76/114 ban, bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (47%); có cơ quan còn chưa giải ngân được đồng nào. Trong khi, theo Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công đặt mục tiêu tới hết quý III giải ngân được 60%, đến hết năm đạt 90 - 95%.

Sự chậm trễ đáng buồn này có nguyên nhân vì năm 2021 là năm rất đặc biệt bởi chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch như vậy và cũng chưa bao giờ nhiều tỉnh, thành phố, địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc như năm nay.

Nêu rõ từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng trong khi còn hơn 50% nguồn vốn đầu tư công phải giải ngân, theo Thủ tướng, đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất cao mới làm được. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu giải ngân phải đạt tỷ lệ cao nhất có thể, vừa phải kịp tiến độ, vừa phải nâng cao chất lượng, hiệu quả của đầu tư công, siết chặt kỷ luật kỷ cương, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, chống lãng phí.

Nguyên Mẫn

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam