Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 8/2021?

09:27 | 03/08/2021 Print
Đối với lãi suất ngân hàng khi gửi tiết kiệm trực tuyến, ở kỳ hạn từ 6-36 tháng, SCB là ngân hàng chiếm thứ hạng lãi suất cao nhất hiện nay.
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 8/2021?
Lãi suất ngân hàng được điều chỉnh tăng, giảm đan xen trong thời gian qua. (Nguồn: Lao động)

Lãi suất ngân hàng nào cao nhất?

Trong suốt tháng 7/2021 đến nay, mặt bằng lãi suất tiết kiệm chưa có nhiều biến động. Một số ngân hàng tiến hành điều chỉnh lãi suất huy động nhưng chỉ ở mức tăng, giảm nhẹ.

Việc điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tăng, giảm đan xen ở các ngân hàng là diễn biến bình thường, tùy vào nhu cầu huy động vốn của mỗi ngân hàng ở từng giai đoạn.

Lãi suất tiết kiệm khi gửi trực tiếp tại quầy:

Gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 1-3 tháng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Dầu khí Toàn cầu (GPBank) có mức lãi suất cao nhất là 4%. Ngoài ra, các ngân hàng còn lại có mức lãi suất giao động không chênh lệch nhiều từ 3-3,5%.

Gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) giữ mức lãi suất lần lượt là 6.25% và 6.35%, cao nhất so với các ngân hàng còn lại.

Gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với mức lãi suất 6.8%

Gửi tiết kiệm các kỳ hạn dài hơn như 13, 18, 24, 36 tháng, Ngân hàng TMCP Kiên Long có mức lãi suất cao nhất. Mức lãi suất 6.9% kỳ hạn 13 tháng, cùng mức lãi suất 7.1% cho các kỳ hạn 18, 24, 36 tháng.

Lãi suất tiết kiệm khi gửi trực tuyến:

Kỳ hạn 1 tháng, khi gửi tiết kiệm trực tuyến có khá nhiều ngân hàng có mức lãi suất hấp dẫn lên đến 5.5% bao gồm: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Bắc Á, Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), SCB, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).

Kỳ hạn 3 tháng, hầu hết các ngân hàng đều dao động mức lãi suất từ 5-5.5%

Kỳ hạn từ 6-36 tháng, SCB là ngân hàng chiếm thứ hạng lãi suất cao nhất. Kỳ hạn 6 tháng: 8.21%, 9 tháng: 8.36%, 12 tháng: 8.66%, 18-24-36 tháng: 8.76%.

Nhìn chung, mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cao hơn các ngân hàng có vốn nhà nước từ 1% đến 2%.

Mới đây, có đề xuất đưa lãi suất tiết kiệm về 0% nhưng biểu lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng không những giảm mà còn có xu hướng tăng.

Xu hướng tăng lãi suất huy động đã có từ cuối quý II/2021 và vẫn tiếp tục trong thời gian tới. Công ty Chứng khoán SSI nhận định, lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng ngay từ đầu quý III/2021 với mức tăng khoảng 0,5 điểm % trong khi lãi suất cho vay vẫn sẽ ổn định trong nửa cuối năm nay.

Thống nhất giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp

Các ngân hàng đã thống nhất sẽ giảm lãi suất khoản vay hiện hữu cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng bởi Covid-19 từ nay đến hết năm.

Theo chỉ đạo của Phó thống đốc Đào Minh Tú, 16 ngân hàng bao gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), MSB, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ACB, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) đã đồng thuận việc sẽ giảm lãi cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá: "Việc giảm lãi suất là rất khó nhưng lúc này rất cần sự chia sẻ, cảm thông của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp".

Tuy nhiên, các ngân hàng cũng chia sẻ sẽ không giảm lãi suất "cào bằng".

Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank cho rằng, thay vì hỗ trợ một cách "cào bằng", ngân hàng nên tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn.

Ông Thắng nhấn mạnh: "Với các doanh nghiệp bất động sản đang lãi lớn, doanh nghiệp xuất khẩu hay cá nhân vay tiền mua ô tô..., ngân hàng không nên hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, cần có cái nhìn cởi mở hơn với việc xem xét cho vay mới những khách hàng cơ cấu nợ hay chuyển nhóm nợ"

Còn theo Phó Tổng Giám đốc MB Phạm Thị Trung Hà, MB sẽ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc doanh thu giảm (lĩnh vực lưu trú, dịch vụ...) với mức giảm lãi suất tối thiểu 1%. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ hỗ trợ lãi suất với các doanh nghiệp sản xuất và khách hàng cá nhân (đối tượng trả góp từ lương).

Một số ngân hàng cho biết, việc giảm lãi suất cho vay sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận của họ trong năm nay.

Đại diện LienvietPostBank thông tin, với tổng dư nợ của ngân hàng khoảng 191.000 tỷ đồng, nếu ngân hàng này giảm lãi suất khoảng bình quân 1% một năm, lợi nhuận sẽ giảm khoảng 600 tỷ đồng.

Còn với tổng dư nợ khoảng 350.000 tỷ của Sacombank, Phó Tổng Giám đốc Sacombank Phan Đình Tuệ cho rằng, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm trên nghìn tỷ (tương đương 40% kế hoạch lợi nhuận) nếu giảm lãi suất 1% trong vòng 5-6 tháng. Việc này cần sự chấp nhận của cổ đông, ông Tuệ cho biết.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Sacombank sẽ giảm lãi suất với các đối tượng thực sự khó khăn. Còn với những khách hàng có dư nợ hàng nghìn tỷ đồng và kinh doanh có lãi, ngân hàng không thấy họ cần đến việc hỗ trợ.

© Thời báo Tài chính Việt Nam