Đồng Nai: Nhiều động thái phục hồi kinh tế hậu Covid-19

16:52 | 12/10/2021 Print
Những ngày đầu tháng 10, nhận thấy tình hình dịch Covid -19 trên địa bàn ổn định trở lại và có yếu tố bền vững, tỉnh Đồng Nai đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất.

Covid-19 gây ra thiệt hại rất lớn

Trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, Đồng Nai, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh là 3 tỉnh, thành chịu ảnh hưởng lớn nhất. Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành có thu ngân sách, xuất khẩu, công nghiệp, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất cả nước, vì thế, kinh tế của Đồng Nai suy giảm sẽ gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế chung.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Đồng Nai, trong 9 tháng của năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ tăng 2,91% so với cùng kỳ năm trước (bình quân cả nước tăng 4,45%). Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ của nhiều năm qua.

Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Trong 9 tháng của năm 2021, kinh tế của tỉnh tăng trưởng chậm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ chỉ đạt gần 137,5 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 1,1% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 471 tỷ đồng, giảm gần 31%; giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 50%; gần 900 doanh nghiệp (DN) phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh và giải thể. Thu hút đầu tư trong nước được hơn 13,6 ngàn tỷ đồng, bằng 53% so với cùng năm 2020.

Chỉ tính riêng tại các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai, trong tổng số trên 1,9 ngàn dự án của DN vốn đầu tư trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 đã khiến cho hơn 520 doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải tạm dừng sản xuất.

Đồng Nai: Nhiều động thái phục hồi kinh tế
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường chủ trì họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19. Ảnh: CTV

Dịch Covid -19 cũng đã làm cho khoảng trên 35 nhìn lao động từ Đồng Nai về quê. Trong đó, các tỉnh miền Tây khoảng 20 ngàn người, Tây Nguyên 10 ngàn người các tỉnh ở xa khoảng 5 ngàn người.

Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế tỉnh Đồng Nai tăng trưởng khá tốt, nhưng bắt đầu từ quý III dịch bệnh bùng phát, lây lan ra diện rộng đã khiến cho kinh tế bị ngưng trệ. Qua khảo sát trực tuyến hơn 350 DN có vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì có 51% DN phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, gần 46% DN cho biết đang hoạt động sản xuất, kinh doanh dưới mức bình thường và chỉ có 4% DN hoạt động bình thường.

Ông Hồ Văn Hà - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Đồng Nai cho biết, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế của tỉnh, dù các DN vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng những giải pháp khác nhau nhưng vẫn bị thiệt hại nghiêm trọng. Năm 2021, dự tính GRDP tỉnh Đồng Nai tăng khoảng 4,61%. Như vậy, GRDP của tỉnh khó hoàn thành kế hoạch năm là sẽ tăng 8 - 8,5%.

Giải pháp tối ưu cho phục hồi kinh tế

Ông Hồ Văn Hà cho biết, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay là phục hồi sản xuất. UBND tỉnh Đồng Nai đã thành lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế và thành lập Ban chỉ đạo phục hồi kinh tế giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh.

“Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng DN, tìm cách tháo gỡ những vướng mắc, tiếp thu những giải pháp, sáng kiến phù hợp để vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh Covid-19, ổn định sản xuất của DN, từng bước mở cửa lại nền kinh tế”- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định.

Ban chỉ đạo tỉnh có 3 tổ công tác gồm: Tổ công tác an sinh xã hội, tổ công tác thúc đẩy đầu tư công và tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đến nay, các dự án của tỉnh Đồng Nai đã thi công trở lại, tuy nhiên các công trình xây dựng mới chỉ có 45% lao động trở lại làm việc, trong khi đó giá cả các loại vật tư tăng cao.

Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cũng cho biết, đã thành lập 4 đoàn kiểm tra để xem xét, hỗ trợ 48 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký mới, bổ sung thêm lao động để khôi phục lại sản xuất.

Từ ngày 30/9 đến nay, đã có hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đăng ký bổ sung lao động để nâng công suất các nhà máy, đồng thời có cũng có nhiều doanh nghiệp trở lại sản xuất sau 2-3 tháng tạm dừng hoạt động.

Đại diện Công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam cho biết, công ty vừa được Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai chấp thuận bổ sung thêm 4.335 lao động ở vùng xanh vào làm việc. Theo đó, đến nay đã có gần 10 ngàn lao động trở lại công ty làm việc sau thời gian tạm ngừng việc để phòng dịch.

Trong hai ngày 9 và 10/10, có 320 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được chấp thuận cho hoạt động trở lại, bổ sung lao động và cho lao động đi, về hằng ngày để đảm bảo sản xuất kinh doanh.

Số lao động được bổ sung và đăng ký hoạt động trở lại lên đến hàng chục ngàn người. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì cùng lúc nhiều phương án như: 3 tại chỗ; 1 cung đường, 2 địa điểm; cho lao động đi, về hằng ngày.

Ngày 11/10, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai đã tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến tại văn phòng Trung tâm. Sàn việc làm trực tuyến được tổ chức miễn phí nhằm kịp thời hỗ trợ việc làm nhanh chóng cho lao động thất nghiệp, đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Tham gia sàn có 29 doanh nghiệp đăng ký với nhu cầu tuyển dụng 4.410 lao động. Các lĩnh vực tuyển dụng sản xuất kinh doanh như: may mặc, giày da, sản phẩm gỗ, gốm sứ, bảo hiểm… Theo đó, có khoảng 300 lượt lao động có nhu cầu tìm việc làm và tìm hiểu thông tin về việc làm đã tham gia sàn.

Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh kết nối việc làm trực tuyến giữa doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: CTV.
Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai kết nối việc làm trực tuyến giữa doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: CTV.

Đại diện Trung tâm cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tổ chức hoạt động sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến trong tình hình mới. Bên cạnh đó, tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm cho đối tượng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm và 5 văn phòng đại diện các huyện, thành phố Biên Hòa, Long Khánh, tạo mọi điều kiện để các đối tượng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động.

Cũng theo ông Hồ Văn Hà, Sở KH-ĐT Đồng Nai đang khảo sát lần hai những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, những nhu cầu thực tế mà doanh nghiệp cần hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải đã cơ bản được tháo gỡ. Các kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp như Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã được tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời.

“Nhờ sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt, nên dự báo tín hiệu phục hồi kinh tế thời gian tới là khả quan, dù không thể nhanh như kỳ vọng”- ông Hà nhấn mạnh./.

“Sau nhiều tháng phải tạm dừng do yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, các hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở đã được hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai chủ động nối lại để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn chính sách”.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam