Kho bạc Nhà nước: Thí điểm thanh toán tự động - Lợi ích cho nhiều phía

07:15 | 15/10/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Từ tháng 7/2021 đến tháng 9/2021, Kho bạc Nhà nước thực hiện thí điểm thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Việc triển khai thí điểm đã mang lại nhiều lợi ích cho các đơn vị sử dụng ngân sách và Kho bạc Nhà nước.

Các bên đều hưởng lợi

Với mục tiêu hiện đại hóa kho bạc, tất cả các giao dịch qua Kho bạc Nhà nước (KBNN) đều là giao dịch điện tử, ngày 9/7/2021, KBNN ban hành công văn hướng dẫn triển khai thí điểm thanh toán tự động khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS). Đợt thí điểm này được thực hiện tại 9 KBNN quận, huyện thuộc KBNN Hà Nội và 11 KBNN cấp quận thuộc KBNN TP. Hồ Chí Minh.

Để chuẩn bị cho công tác phối hợp, KBNN đã ký thỏa thuận thanh toán tự động với Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Tổng công ty Dịch vụ viễn thông Việt Nam (VNPT).

Việc thanh toán tự động các khoản điện, nước, dịch vụ viễn thông đã mang lại nhiều lợi ích cho các bên.
Việc thanh toán tự động các khoản điện, nước, dịch vụ viễn thông đã mang lại nhiều lợi ích cho các bên.

Sau 2 tháng thí điểm, tại Hà Nội có 1.897 đơn vị SDNS ký văn bản ủy quyền cho kho bạc thanh toán các khoản phí điện, nước, cước dịch vụ viễn thông. KBNN Hà Nội đã thanh toán thành công cước dịch vụ viễn thông cho 1.069 đơn vị SDNS, với số tiền 710 triệu đồng và điện, nước cho 266 đơn vị SDNS, với số tiền trên 1,8 tỷ đồng.

Tại TP. Hồ Chí Minh có 594 đơn vị SDNS ký văn bản ủy quyền thanh toán cho KBNN và KBNN TP. Hồ Chí Minh đã thanh toán thành công cước dịch vụ viễn thông cho 203 đơn vị SDNS, với số tiền 214 triệu đồng; phí điện, nước cho 78 đơn vị SDNS, với số tiền thanh toán 926 triệu đồng.

Qua tổng hợp, đánh giá từ KBNN, việc thanh toán tự động các khoản điện, nước, dịch vụ viễn thông đã mang lại nhiều lợi ích cho các bên. Cụ thể, đơn vị SDNS giảm thiểu được chi phí và cải cách thủ tục hành chính do không phải gửi yêu cầu thanh toán hàng tháng. Công chức KBNN giảm thiểu được thời gian xử lý, khối lượng công việc qua đó tập trung vào kiểm soát các khoản chi có độ rủi ro cao, giúp nâng cao hiệu quả quản lý của KBNN. Ngân sách nhà nước giảm được phí thanh toán phải chi trả cho các ngân hàng. Các nhà cung cấp dịch vụ tiết kiệm được chi phí và thời gian tổ chức thu tiền.

Còn nhiều khó khăn cần khắc phục

Ông Nguyễn Mạnh Đức - Trưởng phòng Kế toán Nhà nước, KBNN Hà Nội cho biết, là đơn vị được chọn thí điểm nên KBNN Hà Nội đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, theo ông Đức, do thời gian triển khai thí điểm đúng vào thời điểm TP. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội đợt 4 theo Chỉ thị 16/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ nên việc triển khai ký văn bản theo thỏa thuận, văn bản ủy quyền giữa các bên: KBNN, Vietinbank, VNPT và đơn vị SDNS gặp nhiều khó khăn nhất định (phải gửi văn bản thỏa thuận, ủy quyền qua đường chuyển phát nhanh) mất nhiều thời gian chờ đợi nên ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai của đơn vị.

Các đơn vị thí điểm thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông tại 2 thành phố lớn

Hà Nội có 9 đơn vị Kho bạc Nhà nước: Ba Đình, Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mê Linh.

TP. Hồ Chí Minh có 11 đơn vị Kho bạc Nhà nước cấp quận: quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 8, quận 10, quận 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp và Tân Bình.

Hơn nữa, trong quá trình triển khai thí điểm, một số đơn vị KBNN quận, huyện đã có ý kiến phản hồi: Hiện nay, các đơn vị thực hiện giao dịch với các KBNN trên địa bàn Hà Nội chủ yếu giao dịch qua Dịch vụ công trực tuyến của kho bạc đảm bảo an toàn và thuận tiện; đơn vị giao dịch chủ động in, quản lý hóa đơn điện tử, chứng từ chuyển tiền và thanh quyết toán với đơn vị cung cấp dịch vụ. Vì vậy, các đơn vị này chưa “mặn mà” với việc ủy quyền cho KBNN nơi giao dịch thanh toán trích nợ.

Ngoài ra, tại văn bản ủy quyền của đơn vị SDNS với KBNN có quy định: Việc ủy quyền cho KBNN để thanh toán tự động dịch vụ điện, nước, viễn thông chỉ áp dụng đối với trường hợp đơn vị SDNS có 1 tài khoản tại KBNN tương ứng với 1 mã khách hàng. Trong khi phần lớn số đơn vị SDNS thực hiện thanh toán các khoản điện, nước, dịch vụ viễn thông qua 2 tài khoản trở lên và nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Do đó, hàng tháng đơn vị còn phải xác định phân bổ chi phí dịch vụ tương ứng với tài khoản, nguồn kinh phí liên quan tới việc phát sinh dịch vụ, qua đó, đơn vị chủ động lập chứng từ thanh toán từ tài khoản, nguồn kinh phí phù hợp nên một số đơn vị cũng không thực hiện ủy quyền thanh toán cho KBNN thực hiện.

Nhiều đơn vị SDNS thực hiện thanh toán dịch vụ chung cùng tòa nhà, các đơn vị trong tòa nhà không thanh toán trực tiếp đến nhà cung cấp, mà thanh toán qua đơn vị quản lý tòa nhà, hoặc thanh toán gói cước VNPT theo năm để được hưởng chế độ ưu đãi của nhà cung cấp cũng là một khó khăn cho quá trình triển khai thanh toán tự động các khoản chi này…

Theo đó, để thực hiện diện rộng việc thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông trên cả nước, các đơn vị KBNN tham gia thí điểm đang đề xuất, kiến nghị KBNN xây dựng kết nối và triển khai dịch vụ theo quy trình thanh toán điện tử, tinh giản theo hướng: KBNN tiếp nhận bảng kê thanh toán (danh sách theo định dạng) trên chương trình thanh toán, giao diện trực tiếp vào Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) nhận diện qua đoạn mã tài khoản tự nhiên của từng đơn vị (mã QHNS) và thực hiện báo nợ qua Dịch vụ công trực tuyến đến đơn vị SDNS.

Ông Nguyễn Mạnh Đức cho biết, hiện KBNN đang nghiên cứu, đưa ra giải pháp để khắc phục những vướng mắc này để việc triển khai diện rộng sẽ được thực hiện vào cuối năm nay như kế hoạch KBNN đã đặt ra.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam