Hà Nội: Ưu tiên nguồn lực xây dựng huyện nông thôn mới

12:24 | 16/10/2021 Print
(TBTCO) - Những tháng cuối năm 2021, Hà Nội sẽ tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, phấn đấu về đích đúng kế hoạch; phấn đấu thu nhập của nông dân đạt 60 triệu đồng/người/năm...

Chiều 15/10, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" (Chương trình số 04) tổ chức hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện chương trình đến hết quý III/2021; nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm.

Hà Nội: Ưu tiên nguồn lực xây dựng huyện nông thôn mới
Quang cảnh hội nghị

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, trong quý III/2021, dịch bệnh Covid-19 đã tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có kết quả thực hiện Chương trình số 04, nên tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chưa bảo đảm yêu cầu đề ra.

Đến nay, thành phố có 12/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 368/382 xã (chiếm 96,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó huyện Đan Phượng đã hoàn thành 100% xã nông thôn mới nâng cao.

6 huyện còn lại chưa đạt chuẩn nông thôn mới đang khẩn trương thực hiện các bước để trình các cấp công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 và 2022. Với 14 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đã có 4 xã của các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức đã được Đoàn thẩm định thành phố thẩm định, đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định của thành phố xem xét, công nhận; 7 xã của huyện Ba Vì đã hoàn thiện hồ sơ, Đoàn thẩm định thành phố đang tiến hành đánh giá vào các ngày 15 và 16/10/2021. Còn 3 xã (Đồng Tâm, An Tiến và An Phú) của huyện Mỹ Đức chưa đạt chuẩn nông thôn mới và các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021 đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận trước ngày 15/11/2021.

Trong quý III/2021, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt gần 15.500 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố là 8.453 tỷ đồng (chiếm 54,5%); ngân sách huyện là 6.020 tỷ đồng (chiếm 38,9%); ngân sách xã là 445 tỷ đồng (2,9%); vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là 574 tỷ đồng (chiếm 3,7%).

Về phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, Hà Nội sẽ tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, phấn đấu về đích đúng kế hoạch. Thực hiện mục tiêu kép: Vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; chuẩn bị cung ứng lương thực, thực phẩm cho thị trường cuối năm, đặc biệt là thị trường Tết; thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2021, thu nhập của nông dân đạt 60 triệu đồng/người/năm...

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng chỉ ra những khó khăn trong thực hiện Chương trình số 04 như: Kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới tại các huyện, xã đăng ký hoàn thành năm 2021 còn chậm; càng về sau, các xã, huyện xây dựng nông thôn mới càng khó khăn và càng cần nhiều kinh phí để đầu tư...

Đối với xây dựng nông thôn mới, bà Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị các huyện rà duyệt lại các tiêu chí, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để đạt mục tiêu đề ra; tập trung xây dựng 4 huyện về đích nông thôn mới năm 2021: Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa, Phú Xuyên.

Thống nhất chủ trương cần có cơ chế, gói hỗ trợ các huyện ngoại thành, kể cả những xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố giao Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu báo cáo với thành phố./.

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam