Đại biểu Quốc hội đề nghị thận trọng trong giãn, giảm thuế

15:56 | 21/10/2021 Print
Sáng 21/10, tại phiên họp tổ của Quốc hội, cho ý kiến về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, tính toán giảm, giãn thuế cũng cần thận trọng, cân nhắc ở một mức độ nhất định.

Bối cảnh nào cũng phải giữ ổn định vĩ mô

Đại biểu (ĐB) Trần Văn Lâm cho rằng, mặc dù thu ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn đảm bảo nhưng quan ngại nhất đó là ngân sách trung ương đang dần mất vai trò chủ đạo.

“12 giải pháp bao trùm của Chính phủ cần tiếp tục kiên định quan điểm, dù trong bối cảnh nào vẫn phải giữ ổn định vĩ mô, đây là cái bất biến. Còn chính sách tài khóa, tiền tệ, để thúc đẩy tăng trưởng và an sinh xã hội có thể linh hoạt” - ĐB Trần Văn Lâm nói.

Vị ĐB là Ủy viên Thường trực của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần làm rõ dư địa của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, kích thích phát triển kinh tế, nhưng không được lãng phí nguồn lực.

Các đại biểu Quốc hội trong phiên họp tổ sáng 21/10.
Các đại biểu Quốc hội trong phiên họp tổ sáng 21/10.

Khác với những ý kiến trước đây khi bàn về miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, ĐB Trần Văn Lâm cho rằng, gói miễn giãn, giảm thuế nên tính toán ở mức độ nhất định. “Miễn ở đâu, như thế nào thì phải cân nhắc. Những doanh nghiệp có lãi, hay việc đóng thuế thu nhập cá nhân mà miễn thì gợn quá, thuế giá trị gia tăng miễn để kích cầu là cần thiết nhưng phải cân nhắc” - ĐB Lâm nói.

Theo ông “giãn lợi hơn là miễn”, tùy từng trường hợp chúng ta cân nhắc, muốn hỗ trợ doanh nghiệp thì giãn, kích cầu tiêu dùng hỗ trợ người dân thì nên miễn. Còn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, có đến đâu thu đến đấy, không nên giảm.

Về nguyên tắc trong chi tiêu thường xuyên, theo ĐB Trần Văn Lâm, tuyệt đối không có chuyện đi vay để chi thường xuyên. Không thể lấy tiền đi vay để chi thường xuyên. Nhắc đến chi cho cải cách tiền lương, việc không điều chỉnh cải cách tiền lương theo lộ trình trong năm nay, nghĩa là chúng ta đã 2 lần lỗi hẹn. ĐB đề nghị, nếu trong điều kiện có thể, khi có nguồn thì sớm điều chỉnh cải cách lương theo lộ trình.

Cân đối chính sách tài khóa và tiền tệ

Một số ý kiến khác của các ĐB Quốc hội đề nghị cần bảo đảm sự cân đối giữa chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm tạo dư địa để phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế, hỗ trợ mạnh mẽ cho an sinh xã hội...

Có ý kiến cho rằng, do ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, tình hình kinh tế - xã hội trong nước đã gánh chịu nhiều tác động nặng nề, tăng trưởng kinh tế 9 tháng giảm mạnh còn 1,42%, cả năm ước chỉ khoảng 3%, 4/12 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng, nổi bật như: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân 9 tháng tăng 1,82%… Dịch bệnh đến nay cơ bản được kiểm soát. Thành quả này có được là nhờ sự lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đồng hành, chủ động, linh hoạt của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự ủng hộ tin tưởng của nhân dân, sự hỗ trợ của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) đã đề nghị Chính phủ đánh giá thêm về việc tăng giá xăng dầu. 9 tháng vừa tháng qua, xăng dầu đã tăng hơn 26%, với lý do giá xăng dầu thị trường thế giới tăng.

Bên cạnh đó, ĐB đề nghị Chính phủ cần lưu ý về chi phí logistics tăng cao do nguyên nhân khách quan như chi phí vận tải biển, chi phí thuê container... ĐB cho rằng, đây là điểm nghẽn lớn cần phải xử lý để bảo đảm lưu thông hàng hóa trong thời gian tới.

Những vấn đề tồn tại khác như giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, cũng cần được nhìn nhận và khắc phục.

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về tình hình thực hiện dự toán NSNN đã nêu, với tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 tới phát triển thì mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh GDP quý III giảm mạnh. Vì vậy, ủy ban này cho rằng, việc quyết tâm, chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng là rất cần thiết.

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, thời gian tới, cần nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối xây dựng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao, bảo đảm mục tiêu phục hồi nền kinh tế, an sinh xã hội.

Đồng thời, Chính phủ cần nghiên cứu, sử dụng đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; nghiên cứu, lựa chọn đối tượng phù hợp, cần thiết để bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất; có chính sách thu phù hợp, tính đến việc miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí; cân nhắc giảm mức nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo và đào tạo lại lao động…/.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam