Sửa Luật Điện ảnh:

Tìm nguồn lực phát triển điện ảnh Việt Nam

08:49 | 29/10/2021 Print
Thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) chiều 28/10, một trong những vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là chính sách để huy động nguồn lực phát triển điện ảnh không chỉ là ngành văn hóa nghệ thuật mà còn là một ngành kinh tế.

Tạo cơ chế thuận lợi để phát triển điện ảnh

Tại dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), có 3 chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh là: đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động của điện ảnh; hỗ trợ các hoạt động điện ảnh và ưu đãi thuế, tín dụng, đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh.

Để phát triển điện ảnh, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bao trùm cả phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, cần quan tâm chính sách xã hội hóa trong hoạt động điện ảnh để các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư tích cực các hoạt động điện ảnh. Theo đó, cần có quy định cụ thể về chính sách khuyến khích, cơ chế để tổ chức, cá nhân tham gia, trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia để chính sách dễ đi vào cuộc sống.

Quốc hội thảo luận
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) phát biểu từ điểm cầu Nhà Quốc hội đề nghị phải tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư và những nội dung cần vai trò dẫn dắt của Nhà nước đối với lĩnh vực điện ảnh như thực hiện nhiệm vụ chính trị, định hướng giá trị, định hướng công nghệ, kiểm định chất lượng nhưng đảm bảo tạo cơ chế thuận lợi để phát triên công nghiệp điện ảnh, phù hợp với quy luật thị trường.

Nhiều đại biểu cũng băn khoăn về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Luật Điện ảnh 2006 đã có quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Tuy nhiên thực tế đến nay, Quỹ này gặp nhiều vướng mắc và chưa được triển khai. Cơ chế hiện hành chưa quy định về mô hình, cũng như nguồn thu ổn định lâu dài để Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tồn tại, phát triển và hoạt động hiệu quả.

Đại biểu Trần Văn Thức (Thanh Hóa) đề nghị cân nhắc bỏ quy định này vì 10 năm qua không thực hiện được. Nội dung chi của Quỹ lại trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Nếu thành lập Quỹ thì Chính phủ vẫn phải cung cấp vốn điều lệ trong khi chưa có khả năng huy động Quỹ.

Đồng tình với đại biểu Trần Văn Thức, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) đề nghị không đưa vào dự án Luật nội dung này. Hiện nay, rất nhiều luật cũng quy định thành lập các quỹ phát triển nhưng do điều kiện về ngân sách không đảm bảo nên không thành lập được. Theo đại biểu, nội dung này khó khả thi trong thực tiễn mặc dù mục đích, ý nghĩa rất tốt.

Làm phim bằng ngân sách cần xác định trọng tâm ưu tiên

Liên quan đến sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, tờ trình đề xuất 2 phương án. Phương án 1 là thực hiện theo giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng và Chính phủ đề xuất phương án này. Phương án 2 là giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu, theo hướng giữ nguyên quy định Luật hiện hành. Phần lớn ý kiến đại biểu ủng hộ phương án 2.

phát triển điện ảnh
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh phát biểu

Theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh phát biểu từ điểm cầu Quảng Nam, sản xuất phim phải chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu và phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng cho mọi nhà sản xuất, mọi đối tượng. Do đó, đại biểu ủng hộ phương án 2. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần xem xét nếu thủ tục đấu thầu hiện nay chưa phù hợp với các quy trình, công đoạn sản xuất phim thì phải điều chỉnh để đơn giản hơn về thủ tục hành chính, phù hợp với thực tế. Đối với những sản phẩm phim mang tính đặc thù cao như dòng phim phục vụ mang mục đích chính trị, quốc phòng, an ninh thì phải thực hiện theo hình thức Nhà nước đặt hàng chứ không nên tổ chức đấu thầu rộng rãi.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị không nên sử dụng phương thức đấu thầu trong trường hợp này vì dù đã được quy định trong Luật Điện ảnh 2006 nhưng qua 14 năm triển khai thì vẫn chưa thực hiện được và gặp nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, đề tài sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước quy định Nhà nước đầu tư sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch, nhiệm vụ chính trị của Nhà nước về đề tài lịch sử, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, chiến tranh cách mạng, thiếu nhi, miền núi, biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số và các vấn đề của cuộc sống đương đại. Với phạm vi đề tài quá rộng thì sẽ không xác định được đề tài trọng tâm và thứ tự ưu tiên. Vì vậy, đại biểu đề nghị phải xác định tinh gọn, đúng trọng tâm, trọng điểm những đề tài được Nhà nước ưu tiên đầu tư kinh phí từ ngân sách.

Phát biểu tiếp thu, giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết trong quá trình chuẩn bị, cơ quan soạn thảo dự án Luật đã nghiên cứu, xem xét 20 nước có nền điện ảnh phát triển để lựa chọn những vấn đề phù hợp, tham khảo tiếp thu có chọn lọc để đưa vào trong dự án Luật. Tuy nhiên, đây là một vấn đề khó, chưa thể đáp ứng ngay được như kỳ vọng nên rất mong các đại biểu chia sẻ.

Với quá trình hội nhập với quốc tế sâu rộng hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết 80% thị phần của rạp chiếu phim là do nước ngoài quản lý và hoạt động, vì nhiều phim do các hãng chiếu phim, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, Việt Nam chỉ giữ được 20% thị phần này.

Trong khi đó, ngành điện ảnh đang thiếu nguồn lực, bao gồm cả thiếu chính sách tài chính, con người, phim trường… Mặc dù Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị định, trong đó có hợp tác công tư để thu hút đầu tư dành cho ngành điện ảnh, nhưng chúng ta chưa có được nguồn lực để đầu tư. Áp lực này đòi hỏi Việt Nam phải vừa hoàn thiện các chính sách, vừa tìm kiếm các nguồn lực.

Về ý kiến nên tổ chức đấu thầu sản xuất phim theo ngân sách của Nhà nước đặt hàng và gắn với Quỹ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã xem xét và cân nhắc, song do ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, trong khi đấu thầu thì hầu như không có đơn vị nào tham gia. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn Quốc hội xem xét để có giải pháp hiệu quả hơn về vấn đề này.

Về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển đều áp dụng xây dựng Quỹ này. Việt Nam cũng cần phải có Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh thì mới có điều kiện để hỗ trợ các đối tượng hưởng Quỹ./.

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam