Thanh tra Tài chính:

Ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp gian lận nghĩa vụ ngân sách nhà nước

09:58 | 01/11/2021 Print
(TBTCO) - Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm đến nay, nhưng công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài chính đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả theo yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Bộ Tài chính. Trong thời gian tới, Thanh tra Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để chống các hành vi gian lận, cũng như hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thông tin phục vụ thanh tra, kiểm tra ngành Tài chính.
Ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp gian lận nghĩa vụ ngân sách nhà nước

PV: Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 có diễn biến khá phức tạp. Nhiều tỉnh, thành phố đã phải thực hiện giãn cách xã hội. Xin ông cho biết, điều này có ảnh hưởng như thế nào đến công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Tài chính?

Ông Trần Huy Trường: Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Tài chính. Tuy nhiên, vượt qua các khó khăn, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đều khẩn trương, chủ động tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt. Nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ Tài chính.

Ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp gian lận nghĩa vụ ngân sách nhà nước
Ông Trần Huy Trường

Trong 10 tháng qua, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ đã thực hiện 51.167 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 677.749 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 9.750 vụ; kiến nghị xử lý tài chính trên 43.630 tỷ đồng (trong đó, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trên 8.727 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác trên 32.668 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính gần 2.235 tỷ đồng). Số tiền đã thu nộp NSNN trên 6.869 tỷ đồng.

Đặc biệt, Thanh tra Bộ Tài chính đã lưu hành 18 kết luận thanh tra, kết quả kiểm tra, kiến nghị xử lý tài chính gần 5.742 tỷ đồng. Các đơn vị được thanh tra đã thực hiện nộp NSNN trên 522 tỷ đồng.

Công tác thanh tra, kiểm tra đã giúp chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách tại các đơn vị; đồng thời kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.

PV: Từ kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng, đủ nghĩa vụ kê khai, thu nộp thuế, phí, lệ phí cho NSNN. Vậy Thanh tra ngành Tài chính đã có những biện pháp gì để ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi này, thưa ông?

Ông Trần Huy Trường: Để ngăn chặn ngay từ đầu tình trạng các doanh nghiệp không tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ với NSNN, Thanh tra ngành Tài chính đã tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các doanh nghiệp. Đồng thời, Thanh tra ngành Tài chính phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành để nắm bắt kịp thời những thông tin, biến động của doanh nghiệp.

Chấp hành nghiêm các quy định
về thanh tra, kiểm tra

Báo cáo từ Thanh tra Bộ Tài chính cho thấy, các đoàn thanh tra đã chấp hành đúng quy định về trình tự, thủ tục; đảm bảo thời gian và kế hoạch được duyệt. Thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra đều chấp hành nghiêm kỷ luật và quy chế. Nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất đã hoàn thành đúng tiến độ, kết quả đáp ứng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Ngoài ra, các đơn vị được giao chức năng thanh tra đã triển khai thực hiện đầy đủ quy chế giám sát hoạt động đoàn thanh tra. Tổ giám sát đoàn thanh tra hoạt động đúng quy định, có hiệu quả, giúp cho việc chấp hành các quy định, quy trình, quy chế đoàn thanh tra được nâng cao, kỷ cương, kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ được tăng cường; không sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra.

Ngoài ra, Thanh tra ngành Tài chính đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kê khai nộp thuế, quản lý rủi ro về thuế để kịp thời phát hiện, đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm hoặc đột xuất đối với các doanh nghiệp có những rủi ro cao, bất thường; xử lý nghiêm minh, y thời các hành vi vi phạm về thuế, tài chính, thu nộp NSNN.

Đặc biệt, Thanh tra ngành Tài chính chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh, giỏi chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo lực lượng thanh tra là lực lượng đi đầu trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các sai phạm trong ngành Tài chính.

PV: Dịch Covid-19 hiện tại đã cơ bản được khống chế và cả nước đang bước vào khôi phục kinh tế theo trạng thái bình thường mới. Để hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong năm 2021, xin ông cho biết phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm của Thanh tra Tài chính là gì?

Ông Trần Huy Trường: Từ nay đến cuối năm, Thanh tra Tài chính tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 đã được phê duyệt; đồng thời đảm bảo lực lượng dự phòng đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất. Các cuộc thanh tra đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Thanh tra. Đơn vị chủ động nắm bắt tình hình, thường xuyên báo cáo và đề xuất các phương án xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thanh tra; tập trung ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc đảm bảo theo quy định; rà soát, xem xét điều chỉnh kế hoạch thanh tra kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị và diễn biến của dịch bệnh; nghiên cứu, xây dựng và ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 đáp ứng yêu cầu quản lý và chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Đơn vị cũng tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để, đồng thời có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục.

Đặc biệt, Thanh tra Tài chính tiếp tục chú trọng thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế, hải quan và trong toàn ngành; tăng cường đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro, nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng, qua đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chống các hành vi gian lận; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thông tin phục vụ thanh tra, kiểm tra ngành Tài chính...

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngành Thuế và Hải quan đã kiến nghị thu hàng chục tỷ đồng
qua thanh tra, kiểm tra

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay, Tổng cục Thuế đã thực hiện 49.083 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 676.567 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra trên 35.127 tỷ đồng. Số tiền đã nộp NSNN (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) gần 5.408 tỷ đồng.

Tổng cục Hải quan đã thực hiện 48 cuộc, gồm 43 cuộc trong kế hoạch thanh tra và 5 cuộc đột xuất (trong đó có 15 cuộc thuộc kế hoạch thanh tra kỳ trước chuyển sang và 33 cuộc thanh tra triển khai trong kỳ). Qua thanh tra, đơn vị phát hiện và kiến nghị truy thu trên 51 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 18 tỷ đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) trên 70,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, toàn hệ thống hải quan đã thực hiện 1.619 cuộc kiểm tra sau thông quan, trong đó có 437 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 1.182 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan. Qua kiểm tra, số tiền ấn định thuế là trên 429 tỷ đồng và xử phạt vi phạm hành chính trên 185 tỷ đồng; đã thu vào NSNN (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) trên 567 tỷ đồng.

Trong công tác điều tra chống buôn lậu, lực lượng kiểm soát hải quan toàn hệ thống đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý 9.750 vụ vi phạm pháp luật hải quan với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 1.767 tỷ đồng; số tiền thu nộp NSNN trên 142 tỷ đồng.

Vân Hà (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam