FED giảm nới lỏng tiền tệ, nhưng tạm thời chưa ảnh hưởng Việt Nam

09:55 | 01/11/2021 Print
(TBTCO) - Một số dự báo việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã có động thái giảm dần quy mô gói nới lỏng định lượng, cũng như một số nước cũng có động thái bớt nới lỏng tiền tệ hơn. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, những ảnh hưởng chưa rõ ràng và chưa tạo sức ép đối với thị trường tiền tệ Việt Nam.

Lo ngại FED tăng lãi suất

Trong gần 2 năm qua, FED vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm vực dậy tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sau cú sốc mà Covid-19 gây ra. Mặt trái của chính sách tiền tệ lỏng lẻo là việc đồng tiền mất giá. Thực tế, đồng USD đã giảm giá mạnh trong giai đoạn so với một số đồng tiền khác.

FED giảm nới lỏng tiền tệ, nhưng tạm thời chưa ảnh hưởng Việt Nam

Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 8/2021 tại Mỹ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng hàng năm mạnh nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được lưu hồ sơ vào tháng 11/2010. Lạm phát Mỹ tháng 9 vừa qua đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 0,4% so với tháng 8 khi trước đó tháng 8 cũng đã tăng 0,3% với tháng 7. Có thể thấy, lạm phát Mỹ đã tăng mạnh so với năm ngoái và có dấu hiệu cho thấy đà tăng liên tiếp qua các tháng.

Số tiền giảm lãi suất của 16 ngân hàng đã đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng

Theo thống kê mới đây do các ngân hàng thương mại gửi về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 30/9/2021 của 16 ngân hàng là khoảng 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết. Đây là nội dung các ngân hàng thực hiện theo cam kết tại cuộc họp do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chủ trì hồi tháng 7/2021. Tại thời điểm đó, các ngân hàng đã đưa ra cam kết giảm khoảng 1% lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng với dịch Covid-19.

Lạm phát tăng cao và duy trì trong thời gian dài sẽ là lo ngại lớn cho FED khi đã và đang duy trì các gói bơm tiền kỷ lục từ quý I/2020 đến nay. Dấu hiệu lạm phát tăng liên tục có thể thúc đẩy FED sớm bước vào chu kỳ thắt chặt tiền tệ hơn, trước hết là động thái cắt giảm chương trình mua tài sản. Kỳ vọng này bắt đầu ngay sau những thông điệp giảm dần quy mô nới lỏng định lượng của FED đưa ra trong cuộc họp Ủy ban Thị trường mở (FOMC) tháng 9 vừa qua. Theo đó, FED sẽ giảm việc mua trái phiếu trị giá 120 tỷ USD/tháng vào giữa tháng 11 tới và kết thúc dự kiến vào giữa năm 2022.

Trong khi đó, không chỉ cắt giảm chương trình mua tài sản mà ngay cả khả năng tăng lãi suất từ FED cũng có thể xảy, tuy nhiên, điều này có thể sẽ phải sang nửa cuối năm 2022, tùy thuộc vào diễn biến của lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Một số yếu tố dẫn đến những dự đoán về sức ép tăng lãi suất đối với FED là động thái tăng của lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Đến giữa tháng 10/2021, lãi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn hai năm đã tăng 4 điểm, lên mức 0,39%, trở lại mặt bằng lãi suất cao ngang giai đoạn tháng 3/2020.

Chưa có dấu hiệu ảnh hưởng tới Việt Nam

Động thái thắt chặt tiền tệ trở lại của FED nếu diễn ra khiến giới đầu tư đặt mối quan tâm về sự ảnh hưởng của nó tới thị trường tài chính – tiền tệ tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, không chỉ có động thái từ FED mà một số quốc gia khác cũng có tín hiệu giảm chính sách nới lỏng, ví dụ như Ngân hàng Trung ương Na Uy trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên của phương Tây tăng lãi suất sau khoảng 1,5 năm duy trì mặt bằng lãi suất siêu thấp chỉ ở mức 0%.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có đánh giá về diễn biễn thị trường quốc tế thời gian qua khi cho biết một số quốc gia sau giai đoạn nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 thì đã có tín hiệu đang thắt chặt trở lại ở một vài nơi.

Về quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, nhiều năm qua Ngân hàng Nhà nước luôn quan tâm điều hành tín dụng theo từng năm, quá trình điều hành luôn căn cứ kinh tế vĩ mô để điều chỉnh tăng trưởng tín dụng.

Tình hình cụ thể kinh tế vĩ mô của Việt Nam 9 tháng lạm phát bình quân vẫn thấp hơn chỉ tiêu của Quốc hội đề ra. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong giai đoạn 2016 - 2021. Tính riêng tháng 9, CPI giảm 0,62% so với tháng trước.

Tháng 10/2021, chỉ số CPI tiếp tục giảm 0,2% so với tháng trước và chỉ tăng 1,67% so với tháng 12/2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%.

Nhìn chung xuyên suốt đại dịch cho đến thời điểm này, nền tảng vĩ mô vẫn ổn định: Tỷ giá rất ổn định và lạm phát ở mức thấp, dự trữ ngoại hối cao là những tiền đề và dư địa lớn cho chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng, nhìn xa hơn sang năm 2022, dự báo có nhiều thách thức cho kiểm soát lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có động thái từ nhiều quốc gia dần dần giảm nởi lỏng tiền tệ hơn, nhiều nước đã tăng lãi suất điều hành. “Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi các diễn biến cụ thể và sẽ cố gắng dùng các biện pháp điều hành phù hợp” - ông Hà nói.

Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ chung của Ngân hàng Nhà nước
đến cuối năm 2021

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là nhiệm vụ trước mắt để ổn định chính các ngân hàng thương mại, bên cạnh đó tiếp tục triển khai các chính sách giải pháp để tháo gỡ khó khăn do Covid-19, đồng thời hỗ trợ vốn cho phục hồi nền kinh tế.

Việc hỗ trợ nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp là hai nhiệm vụ song song, cùng quan trọng và phải đảm bảo hài hòa cả 2 mục tiêu. Trong đó, khuyến khích các ngân hàng tiếp tục giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất đầu ra.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam