Nghiên cứu khoa học ngày càng gắn bó mật thiết với quá trình hoàn thiện chính sách tài chính quốc gia

07:45 | 03/11/2021 Print
(TBTCO) - Ngày 7/11/1961 đã trở thành mốc son lịch sử của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (tiền thân là Viện Nghiên cứu Khoa học tài chính), đánh dấu sự ra đời của một cơ quan nghiên cứu lý luận về chính sách tài chính thuộc Bộ Tài chính. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Viện đã nhiều lần được đổi tên để phù hợp với bối cảnh lịch sử và nhiệm vụ được Bộ Tài chính giao. Với vai trò và chức năng chủ đạo là nghiên cứu, xây dựng chiến lược và chính sách tài chính; nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng trong lĩnh vực tài chính; phân tích, dự báo kinh tế tài chính; tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, Viện đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của ngành Tài chính.

Tô thắm nét son truyền thống

Giai đoạn đầu thành lập Viện (1961 - 1975) cũng là thời điểm cuộc chiến tranh cứu nước của nhân dân Việt Nam một lần nữa diễn ra trên cả hai miền Nam, Bắc. Thời kỳ này, Viện đã dịch, biên soạn các tài liệu của Liên Xô có liên quan đến cải tiến chế độ thu tài chính, quản lý tài chính, giải pháp tăng nhanh tích lũy trong nền kinh tế..., qua đó góp phần giúp Bộ Tài chính ban hành kịp thời các văn bản điều chỉnh chính sách quan trọng như: Cải tiến chế độ thu ngân sách nhà nước (NSNN); tăng cường quản lý chi tiêu, thực hành tiết kiệm, ban hành chế độ bảo hiểm xã hội, điều lệ lập và chấp hành NSNN và các chính sách đối với bộ đội thường trực, quân nhân dự bị, thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn chủ trì Hội nghị về dự thảo chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030, tháng 3/2021.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn chủ trì Hội nghị về dự thảo chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030, tháng 3/2021.

Sau ngày miền Nam được giải phóng, cả nước bước vào giai đoạn tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, dồn sức xây dựng và kiến thiết đất nước, phát triển kinh tế (1976 - 1985). Trước bối cảnh này, ngành Tài chính đã chủ động đề xuất với Chính phủ áp dụng nhiều đổi mới, sáng tạo trong giai đoạn xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp… Đồng thời, ngành Tài chính đã làm tốt vai trò “khơi thông mạch máu” nền kinh tế quốc dân, tạo nguồn lực tài chính thúc đẩy các thành phần kinh tế trong nước phát triển mạnh mẽ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đóng góp vào thành công chung của Ngành, Viện đã cung cấp nhiều báo cáo khoa học về đổi mới chính sách và cơ chế quản lý tài chính trong điều kiện chuyển sang kinh tế thị trường. Những nội dung này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, bước đầu đặt nền móng cho việc xây dựng nền tài chính quốc gia.

Những dấu ấn trong giai đoạn đổi mới và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế

Bước vào giai đoạn đổi mới, Viện đã nhanh chóng tiếp cận những lý thuyết mới về tài chính - tiền tệ trong nền kinh tế thị trường. Viện không chỉ tham gia ý kiến bổ sung, sửa đổi chính sách theo yêu cầu của Bộ Tài chính mà còn chủ động nghiên cứu, đề xuất giải pháp đổi mới cơ chế, chính sách quản lý tài chính mới, phù hợp; không chỉ góp phần quan trọng đưa nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi tình trạng khủng hoảng mà còn giúp huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Tháng 12/1986, Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định phải đổi mới kinh tế; nhận thức cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung không còn phù hợp. Tuy nhiên, đổi mới như thế nào thì cũng chưa định hình rõ, do đó, nhiệm vụ mày mò, tìm hiểu, nghiên cứu để tìm ra mô hình, cách thức đổi mới được đặt lên vai các nhà khoa học. Viện đã luôn thể hiện tốt vai trò là cơ quan nghiên cứu, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới tài chính theo hình thức vừa học vừa nghiên cứu, vừa phổ biến thông qua nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Đóng góp quan trọng của Viện trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới chính là nghiên cứu, phổ biến, định hình mô hình tài chính trong nền kinh tế thị trường ở nước ta.

Nghiên cứu khoa học ngày càng gắn bó mật thiết với quá trình hoàn thiện chính sách tài chính quốc gia

Cũng trong giai đoạn này, Viện là cơ quan chủ trì, huy động lực lượng của các đơn vị để xây dựng chiến lược, chính sách tài chính quốc gia. Trên cơ sở Chiến lược Tài chính, các đơn vị chủ động xây dựng giải pháp, đề án để triển khai thực hiện. Ngoài ra, những đóng góp của Viện trong việc xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật của ngành Tài chính cũng rất có ý nghĩa. Các văn bản, chính sách, đề án của Bộ Tài chính đều có sự chủ động, tích cực tham gia của Viện cùng với các đơn vị trong Bộ; đặc biệt là các báo cáo có chất lượng và giá trị tham khảo về đánh giá tác động của chính sách hoặc các kinh nghiệm quốc tế.

Ngay từ đầu những năm 1990, Viện đã tiến hành nghiên cứu về Luật NSNN, đánh dấu công trình nghiên cứu đi trước đón đầu, có tính thực tiễn cao. Từ những kết quả nghiên cứu ban đầu rất quan trọng này, sau nhiều lần hoàn thiện, Luật NSNN đầu tiên của nước ta đã được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 20/3/1996. Luật NSNN năm 1996 đã đáp ứng yêu cầu của mô hình kinh tế thị trường là điều hành nền kinh tế theo pháp luật, góp phần xóa bỏ cơ chế xin - cho, một trong những nguyên nhân dẫn tới bội chi và lạm phát cao. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến những đóng góp của Viện trong việc nghiên cứu và xây dựng đề án về thị trường tài chính. Giai đoạn đầu, Viện được giao xây dựng Đề án phát triển thị trường vốn và thành lập thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Sau đó, những kết quả nghiên cứu của Viện được chuyển giao cho các cơ quan khác tiếp tục xây dựng và hoàn thiện.

Giai đoạn 1991 - 2000, nhiệm vụ bức thiết đặt ra đối với ngành Tài chính là cần đổi mới mạnh mẽ chính sách, chế độ tài chính, đảm bảo phù hợp với nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nắm bắt được những yêu cầu đó, với vai trò là đơn vị quản lý khoa học toàn Ngành, trực tiếp làm công tác nghiên cứu, Viện cùng với Hội đồng Khoa học ngành Tài chính đã đề xuất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cụ thể, thiết thực nhằm xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn để giải quyết những vẫn đề nổi cộm trong từng lĩnh vực tài chính. Có thể nói, rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học do Viện tổ chức triển khai hoặc trực tiếp triển khai đã đáp ứng được những yêu cầu đặt ra của Lãnh đạo Bộ, được các cục, vụ trong Bộ tham khảo trong quá trình xây dựng các đề án, mô hình quản lý, hoạch định chính sách tài chính của Ngành.

Nghiên cứu khoa học ngày càng gắn bó mật thiết với quá trình hoàn thiện chính sách tài chính quốc gia

Từ năm 2001 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến sâu sắc, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không ít. Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường đã được định hình, bước đầu phát huy hiệu quả. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước không còn là chủ trương mà đã được phổ biến triển khai rộng rãi thông qua những dự án, chương trình cụ thể. Đồng thời, hội nhập, mở cửa cũng không còn là xu thế mà đã được hiện thực trong các ngành kinh tế quốc dân. Trước bối cảnh đó, ngành Tài chính gánh trên vai những nhiệm vụ hết sức nặng nề, không chỉ đơn thuần làm sao lo đủ nguồn tài chính, mà quan trọng hơn cả là phải tăng cường nguồn lực tài chính cho đất nước. Do đó, ngành Tài chính phải có tầm nhìn chiến lược, với một kế hoạch cụ thể, sát thực, hệ thống chính sách vừa giải đáp được những đòi hỏi của thực tiễn vừa hướng thực tiễn hoạt động kinh tế - xã hội đạt tới mục tiêu phát triển đất nước một cách bền vững.

Nắm bắt được thực tiễn đặt ra, Viện đã rất nhanh nhạy, kịp thời chuyển hướng nghiên cứu sang bám sát những yêu cầu thời sự, cấp bách của ngành trong quản lý tài chính; đề xuất với Hội đồng Khoa học ngành Tài chính triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Viện nhằm cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện, đổi mới chính sách chế độ của Ngành và đất nước. Bên cạnh đó, Viện đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ Tài chính xây dựng Chiến lược Tài chính đến năm 2020 và Kế hoạch tài chính trong từng giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, 2016 - 2020; soạn thảo nhiều nội dung tài chính quan trọng phục vụ các nghị quyết Đại hội Đảng…

Tập trung nguồn lực nghiên cứu, đề xuất giải pháp hướng tới xây dựng nền tài chính quốc gia hiện đại

Trong thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế trong nước và quốc tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; đại dịch Covid-19 có thể kéo dài ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế toàn cầu; cạnh tranh thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính tiền tệ gia tăng; khoa học và công nghệ phát triển nhanh cùng với sự chuyển động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và tranh chấp địa chính trị... Bối cảnh mới đặt ra những yêu cầu phải chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ hiệu quả công tác xây dựng và điều hành chính sách của ngành Tài chính, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, tài chính luôn đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy, mở đường để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Lãnh đạo Bộ Tài chính xác định, việc nghiên cứu xây dựng và thực hiện Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030 là nhiệm vụ quan trọng của Ngành, bám sát tinh thần của Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhiệm vụ đặt ra đối với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính trong thời gian tới là phải tập trung mọi nguồn lực để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hướng tới mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, hiện đại, nhằm tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính; giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và môi trường; đảm bảo an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Do đó, nhiệm vụ đặt ra đối với Viện trong thời gian tới là phải tập trung mọi nguồn lực để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hướng tới mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, hiện đại nhằm tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính; giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và môi trường; đảm bảo an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Năm 2021, Viện được Lãnh đạo Bộ tin tưởng giao nhiệm vụ tổng kết Chiến lược Tài chính giai đoạn 2011 - 2020 và chủ trì xây dựng Đề án Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030. Do đó, Viện cần tiếp tục phát huy những kinh nghiệm và thành công trong việc xây dựng các Chiến lược Tài chính của những giai đoạn trước; kết hợp trí tuệ tập thể của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Bộ, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này. Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030 sẽ là tiền đề để cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách giai đoạn 10 năm tới.

Tài chính Việt Nam đã có những thành công và đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giúp kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng và toàn diện vào khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nền tài chính quốc gia Việt Nam cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới, do đó Lãnh đạo Bộ Tài chính rất kỳ vọng hoạt động nghiên cứu khoa học phải tiếp tục đổi mới cả nội dung, phương pháp để có những đóng góp tích cực hơn vào sự lành mạnh, bền vững của nền tài chính quốc gia.

Thứ nhất, đối với công tác xây dựng Chiến lược Tài chính, Viện cần tập trung mọi nguồn lực để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, hiện đại nhằm tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Thứ hai, với vai trò là đơn vị quản lý khoa học và công nghệ toàn Ngành, thường trực Hội đồng Khoa học công nghệ ngành Tài chính, Viện cần tiếp tục chủ động tham mưu cho Hội đồng Khoa học trình Lãnh đạo Bộ về định hướng nghiên cứu, đảm bảo cả về tư duy lý luận và thực tiễn khoa học tài chính trong từng thời kỳ.

Thứ ba, trong hoạt động nghiên cứu khoa học, Viện cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu lý luận gắn với thực tiễn để phục vụ công tác hoạch định, ban hành chính sách cũng như điều hành, quản lý tài chính của Bộ; đưa chính sách tài chính gắn với hơi thở cuộc sống và xu hướng phát triển của nhân loại.

Thứ tư, Viện cần có chính sách và biện pháp thích hợp để trọng dụng nhân tài, tập hợp và huy động đông đảo lực lượng nghiên cứu khoa học cả trong và ngoài nước phục vụ cho công cuộc đổi mới nền tài chính quốc gia. Đặc biệt chú trọng đào tạo và bồi dưỡng phát triển đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu khoa học tài chính giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, bản lĩnh, kỹ năng… để có thể tham gia vào các đề án trọng điểm của Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, ngành khác; tạo sự chủ động, chuyên nghiệp trong nghiên cứu phục vụ công tác hoạch định chính sách.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Viện cần phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo trong phản biện chính sách, tham mưu chiến lược, xây dựng chính sách cho Lãnh đạo Bộ Tài chính.

Tôi hi vọng rằng, đội ngũ nghiên cứu khoa học của Viện sẽ thường xuyên trau dồi, cập nhật những kiến thức khoa học kinh tế, tài chính hiện đại; hợp tác chặt chẽ với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và những người làm công tác thực tiễn… trong hoạt động nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm nghiên cứu vừa có chiều sâu về hệ thống lý luận vừa bám sát thực tiễn, qua đó có những đóng góp lớn hơn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Tài chính, đáp ứng cao nhất mong mỏi của Lãnh đạo Bộ Tài chính và yêu cầu của công cuộc phát triển kinh tế theo định hướng thị trường, hội nhập của đất nước.

Nhân dịp kỷ niệm 60 ngày thành lập Viện (7/11/1961 - 7/11/2021), tôi chúc mừng Ban Lãnh đạo Viện, cùng toàn thể viên chức của Viện. Chúc tập thể Viện tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành Tài chính và kinh tế đất nước trong thời gian tới.

Chúc các đồng chí và gia đình sức khỏe, hạnh phúc, thành công.

Phát huy đẳng cấp, nâng tầm vị thế của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính trong sự nghiệp đổi mới ngành Tài chính

Trong suốt chiều dài lịch sử 76 năm xây dựng và phát triển ngành Tài chính Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (tiền thân là Viện Nghiên cứu Khoa học tài chính). Với vai trò nòng cốt và tiên phong trong hoạt động nghiên cứu khoa học, Viện đã góp phần hình thành nền tảng lý luận tài chính và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn qua các thời kỳ, tham gia xây dựng chế độ chính sách tài chính, đặc biệt là vai trò của Viện trong tổng kết, đánh giá và xây dựng Chiến lược Tài chính hướng đến mục tiêu phát triển nền tài chính quốc gia toàn diện, hiệu quả trong thời gian qua.

Trong tương lai, hy vọng Viện sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác trong nghiên cứu, chủ động gắn kết chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu, nhà khoa học với các nhà quản lý, những người làm công tác thực tiễn, gắn kết giữa lý luận và thực tiễn… tạo nền tảng cơ bản để phát triển và nâng cao vai trò, vị thế khoa học của Viện, viết tiếp những trang sử vẻ vang, phát huy truyền thống, gìn giữ nét son, giữ vững vị thế của Viện mãi là “cánh chim đầu đàn” về nghiên cứu khoa học trong ngành Tài chính, tiếp tục khẳng định vị thế của một cơ quan nghiên cứu lý luận hàng đầu của quốc gia về chiến lược và chính sách tài chính. - GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp - Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam