Cải cách hành chính ngành Tài chính - đột phá để phát triển

Bài 1: Cải cách hành chính - động lực phát triển của ngành Tài chính

10:34 | 03/11/2021 Print
(TBTCO) - Coi cải cách hành chính là “đòn bẩy”, là giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển nên thời gian qua, ngành Tài chính luôn coi trọng và quyết liệt thực hiện. Trong đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đã mang lại những kết quả nổi bật, không chỉ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, mà cho chính cơ quan quản lý. Thời gian tới, công tác cải cách lĩnh vực tài chính tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất hơn.

Là một bộ đa ngành, đa lĩnh vực với phạm vi quản lý rộng trên cả nước, có nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính luôn coi công tác cải cách hành chính là động lực để phát triển. Xác định đây không phải là công việc trong một sớm một chiều mà phải phấn đấu qua từng tháng, từng năm. Thành quả mang lại là Bộ Tài chính luôn giữ vững “phong độ”, là một trong nhóm các bộ dẫn đầu về công tác cải cách hành chính.

Bài 1: Cải cách hành chính - động lực phát triển của ngành Tài chính

Coi vướng mắc của doanh nghiệp là của mình

Đổi mới không phải từ cái nhà to mà chính từ con người và thể chế. Trong cải cách hành chính (CCHC), cùng với cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách thể chế và nguồn nhân lực là 2 lĩnh vực quan trọng bất cứ ngành nào, đơn vị nào cũng phải thực hiện đồng bộ. Đối với Bộ Tài chính, thời gian qua đã nỗ lực thực hiện đồng bộ, toàn diện trên 6 nội dung cải cách, gồm: thể chế; TTHC; tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính. Việc thúc đẩy CCHC trên tất cả các lĩnh vực đã góp phần vào việc ngành Tài chính đạt các mục tiêu nhiệm kỳ đề ra. Hàng nghìn TTHC được rà soát, cắt giảm; hàng trăm điều kiện kinh doanh được cắt giảm, minh chứng cho những nỗ lực của ngành Tài chính trong suốt thời gian dài.

Cải cách các thủ tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) được cơ quan thuế, hải quan coi những vướng mắc của DN cũng chính là vướng mắc của mình. Xuất phát từ quan điểm “vì người dân, vì DN”, hàng hoạt những vướng mắc đã được gỡ bỏ. Những cải cách về thủ tục đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Chỉ tính riêng đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã có những phản ứng linh hoạt, kịp thời và thực hiện các thủ tục thuế, hải quan “chưa từng có trong tiền lệ”. Để hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho các DN, cá nhân trong thực hiện thủ tục hải quan, Tổng cục Hải quan đã áp dụng hình thức miễn kiểm tra thực tế đối với các lô hàng vắc - xin ngừa Covid-19; chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế tạo điều kiện thuận lợi, thông quan trong ngày lô hàng vắc-xin nhập khẩu phục vụ phòng chống dịch; chấp nhận Phiếu kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc có chữ ký điện tử của nhà sản xuất khi thực hiện thủ tục hải quan… Một số đơn vị hải quan còn thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ như: cho DN được chậm nộp bản chính trong hồ sơ hải quan (nộp trước bản scan); tạm dừng thanh, kiểm tra tại doanh nghiệp; tăng cường giải đáp, hướng dẫn trực tuyến; hỗ trợ tư vấn thủ tục nhập khẩu trang thiết bị phòng, chống dịch.

Đối với ngành Thuế cũng vậy, Tổng cục Thuế đưa 479 kênh hỗ trợ trực tuyến (hệ thống eTax) vào hoạt động. Hình thức hỗ trợ trực tuyến cũng được thực hiện đa dạng, với đội ngũ công chức thuế tận tâm trong hỗ trợ cập nhật và có phản hồi sớm nhất đến người nộp thuế.

Thành quả sau những nỗ lực

Công tác cải cách TTHC đã thêm những con số đáng tự hào, đó là: 100% TTHC của Bộ Tài chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 533 (59,55%). Trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ Tài chính tiếp tục vận hành bộ phận một cửa ổn định, hiệu quả. Đến thời điểm 25/10, Bộ Tài chính đã tiếp nhận 883 hồ sơ, đã trả 552 hồ sơ và đang giải quyết trong hạn 331 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn.

Bộ đã hỗ trợ tiếp nhận và giải quyết TTHC bằng phương thức điện tử, dịch vụ công trong thời gian dịch bệnh. Tổng số điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính còn hiệu lực hiện nay là 295 điều kiện thuộc 20 ngành, nghề kinh doanh theo quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư. Triển khai tổ chức bộ máy nội bộ theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, Bộ Tài chính đã cắt giảm hơn 4 nghìn đầu mối đơn vị hành chính...

Sau những nỗ lực đó, ngành Tài chính đã được cộng đồng ghi nhận. Chỉ số CCHC (Par Index) năm 2020 của Bộ Tài chính xếp thứ 2/17 bộ, cơ quan ngang bộ với 94,84/100 điểm. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Bộ Tài chính nằm trong top 3 các bộ, ngành có Chỉ số CCHC cao nhất. Về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá và công bố vào cuối tháng 4/2021, Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng, là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Tài chính dẫn đầu bảng xếp hạng này.

Chỉ số Par Index 7 năm liên tiếp Bộ Tài chính giữ vị trí trong top 3, trong đó, chỉ có 1 năm duy nhất Bộ Tài chính xếp thứ ba, còn lại các năm đều đứng ở vị trí thứ hai. Nói như vậy để thấy, muốn giữ vị trí trong top cao này là không dễ, nếu không quyết liệt, sẽ lập tức “rớt hạng”.

Ở góc độ là cơ quan đại diện cho DN, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam nhận định, Bộ Tài chính luôn là bộ tiên phong trong công tác cải cách TTHC, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, giúp giảm mạnh thời gian nộp thuế và thông quan hàng hóa. Đặc biệt, mức độ cải cách TTHC của ngành Tài chính luôn được duy trì liên tục, ổn định trong nhiều năm, theo phương châm lấy sự hài lòng của người dân và DN làm trung tâm, là thước đo của công tác CCHC.

Trên thực tế, các chính sách và TTHC về thuế và hải quan vẫn đòi hỏi phải liên tục hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tế, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN lại rất sôi động, đa dạng. Cộng đồng DN kỳ vọng công tác CCHC của ngành Tài chính sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa. Những kỳ vọng đó cũng là nhiệm vụ đặt ra cho ngành Tài chính trước mắt cũng như lâu dài.

Chủ động, quyết liệt triển khai Chính phủ điện tử

Những cải cách bộ máy, thủ tục của ngành Tài chính đã gây ấn tượng đối với người dân và DN. Cùng với việc cải cách hành chính; rà soát, cắt giảm các TTHC, ngành Tài chính luôn coi trọng công tác sắp xếp lại và đầu tư cho con người. Có nguồn nhân lực đủ trình độ đáp ứng trong tình hình mới, để công tác CCHC đạt hiệu quả cao nhất, luôn được người đứng đầu ngành Tài chính coi trọng.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khảo sát của VCCI cho thấy, các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đánh giá khá tích cực trong công tác cải cách TTHC hải quan, như thông tin về chính sách và TTHC xuất nhập khẩu dễ tiếp cận hơn. Một số cải cách lớn của cơ quan hải quan, thuế cũng được DN ghi nhận như giảm bớt sự chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra…

Về cơ bản, các TTHC lĩnh vực tài chính ngày càng được hoàn thiện theo hướng thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch, tăng tính liên thông, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và DN trong quá trình tiếp cận và thực hiện TTHC. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Về hiện đại hóa hành chính, Bộ Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình quản lý và điều hành ngân sách và tài chính.

Đặc biệt là lĩnh vực thuế đã được World Bank ghi nhận tại Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2020 (Doing Business 2020). Số giờ nộp thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH) đã giảm 114 giờ/năm từ 498 giờ/năm xuống còn 384 giờ/năm. Chỉ số nộp thuế và BHXH của Việt Nam được World Bank đánh giá có sự cải thiện bậc xếp hạng cao nhất trong 10 chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam (tăng 22 bậc từ 131 lên 109) với 69 điểm.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam