Cơ hội bùng nổ dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

10:34 | 03/11/2021 Print
(TBTCO) - Việc Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025 mở ra cơ hội lớn cho cả ngân hàng và khách hàng sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra với cơ quan quản lý cũng nặng nề hơn trong việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống thanh toán.

Mục tiêu đã rõ ràng

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thực chất đã phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian qua. 8 tháng năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 3,32% về số lượng và tăng 41,37% về giá trị so với 8 tháng đầu năm 2020. Thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng 54,13% về số lượng và 30,70% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,98% và 93,69%, qua kênh QR code tăng tương ứng 66,81% và 133,12% .

Cơ hội bùng nổ dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

Mặc dù vậy, tiềm năng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn rất rộng lớn và kỳ vọng sẽ tăng tốc khi Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký Quyết định 1813/QĐ-TTg thông qua Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Đề án thanh toán không dùng tiền mặt đặt ra một số mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.

Ngoài ra, Đề án cũng nhắm tới việc tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

Nhận diện cơ hội và rủi ro

Việc Đề án thanh toán không dùng tiền mặt ra đời thời điểm này được đánh giá là khá kịp thời, đáp ứng được xu hướng của thị trường trong giai đoạn mới. Theo báo cáo đánh giá mới đây của PwC, thanh toán không tiền mặt đang ngày càng trở nên phổ biến và ngành thanh toán đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy tài chính toàn diện của quốc gia. Là một trong những quốc gia có nền kinh tế mới nổi trong khu vực, Việt Nam có nhiều tiềm năng cho thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ.

Bà Đinh Hồng Hạnh, lãnh đạo khối Dịch vụ tư vấn tài chính, Công ty tư vấn PwC Việt Nam cho biết, thanh toán điện tử đã trở nên phổ biến từ trước Covid-19 và chính đại dịch đã tạo ra cú huých thúc đẩy thanh toán điện tử bùng nổ, nhanh hơn 3-5 năm về tốc độ áp dụng. “Đây chính là cơ hội mới cho toàn bộ hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số, bao gồm các ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính (fintech). Tuy nhiên, nhiều rủi ro tiềm ẩn vẫn còn cho các doanh nghiệp chưa chuẩn bị sẵn sàng để thích ứng với thời đại”, bà Hạnh đánh giá.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; triển khai chuyển đổi số ngành ngân hàng; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin ngành ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính...

Về vấn đề an toàn hệ thống, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tình trạng tội phạm công nghệ đã xuất hiện thời gian qua với nhiều hình thức như mạo danh khách hàng, chiếm dụng tài khoản, lấy cắp OTP… Để khắc phục việc này, các ngân hàng cũng đã liên tục khuyến cáo khách hàng về cách sử dụng hệ thống thanh toán an toàn, hiệu quả.

Ngoài ra về giải pháp kỹ thuật, Ngân hàng Nhà nước cũng đang triển khai giải pháp eKYC (Know Your Customer). Đây là một quy trình nhằm xác minh danh tính của khách hàng khi tham gia vào các dịch vụ của ngân hàng như mở tài khoản, rút tiền, gửi tiền… eKYC là một quy trình bao gồm xác minh chứng minh nhân dân/căn cước công dân, xác minh khuôn mặt, xác minh sinh trắc học… Đây là những dữ liệu cá nhân quan trọng, đáng tin cậy giúp ngân hàng nhanh chóng xác minh khách hàng.

Ông Dũng cho biết, giải pháp kỹ thuật eKYC sẽ ngăn chặn được việc một cá nhân có thể giả mạo nhiều khách hàng khác nhau để phạm tội. Bên cạnh đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ sớm kết nối với Bộ Công an để liên thông hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, nhằm phục tốt hơn công tác giám sát an ninh an toàn hệ thống thanh toán.

Mục tiêu tổng quát đặt ra trong Đề án thanh toán không dùng tiền mặt

Tạo sự chuyển biến tích cực, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thành thói quen của dân cư đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước. Minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam