Hà Nội: Kích hoạt "Ngày thanh toán không dùng tiền mặt"

09:26 | 06/11/2021 Print
(TBTCO) - Ngày 5/11, Sở Công thương Hà Nội chủ trì tổ chức lễ kích hoạt "Ngày thanh toán không dùng tiền mặt", với nội dung chính là mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt để đạt được "mục tiêu kép".
Hà Nội: Kích hoạt 'Ngày thanh toán không dùng tiền mặt'
Hà Nội: Kích hoạt "Ngày thanh toán không dùng tiền mặt". Ảnh: Lê Nam

Theo Sở Công thương Hà Nội, năm 2021 trước những khó khăn do dịch Covid-19, việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp phòng, chống Covid-19 vừa thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh hậu Covid-19.

Vì vậy, sự kiện ''Ngày không dùng tiền mặt năm 2021" với chủ đề: “Một chạm thông minh - Kích cầu mua sắm” nhằm tuyên truyền về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thương mại điện tử, nhất là đối tượng khách hàng mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các kênh thương mại điện tử trên địa bàn TP. Hà Nội.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt đã góp phần hạn chế được lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, rút ngắn thời gian trong quá trình mua bán hàng hóa. Đồng thời, hoạt động này đem lại nhiều lợi ích thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại; góp phần bình ổn giá cả, chống thất thu thuế, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch.

Với việc phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ hàng hóa như các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố cùng các cơ quan truyền thông, Sở Công thương muốn thông qua các chuỗi hoạt động của sự kiện để tuyên truyền về thanh toán qua POS, thanh toán điện tử, dịch vụ trung gian thanh toán dưới nhiều hình thức, góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong thanh toán, giúp công chúng hiểu được lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt góp phần làm giảm lượng tiền mặt trong lưu thông, tiết giảm được chi phí in ấn và vận chuyển, tăng nguồn vốn đầu tư từ các khoản tiền nhàn rỗi trong xã hội, giúp đồng vốn được luân chuyển nhanh hơn...

Bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam cho biết, theo Sách trắng thương mại điện tử 2020, tỷ lệ dân số tham gia mua bán trực tuyến là 53%, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp với khách hàng) chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tuy nhiên, hình thức thanh toán COD (trả tiền mặt khi nhận hàng) là phổ biến nhất với tỷ trọng 78%.

Tại Lazada, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt của Lazada đã tăng trưởng hơn 30% mỗi tháng kể từ tháng 4/2021, tỷ lệ thanh toán tiền mặt giảm đáng kể từ mức 91% (trước tháng 4/2020) về 84% (tháng 10/2021).

Nam Khánh

© Thời báo Tài chính Việt Nam