Giá cà phê tăng nhưng người trồng không vui do khan hiếm lao động

14:40 | 11/11/2021 Print
(TBTCO) - Hiện giá cà phê nhân tại Tây Nguyên tăng so với mọi năm, đạt khoảng 40.000 đồng/kg. Đây cũng là năm giá cà phê tăng sau 10 năm chạm đáy, song nông dân vẫn thấp thỏm do ảnh hưởng của tình trạng khan hiếm lao động.

Giá cà phê dao động trong khoảng 40.000 - 40.900 đồng/kg

Theo các nhà phân tích thị trường, giá cà phê hôm nay 11/11 quay đầu giảm, trong khoảng 40.000 - 40.900 đồng/kg. Giá cà phê Robusta giảm 11 USD/tấn.

Cụ thể, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2022 giảm 11 USD/tấn ở mức 2.215 USD/tấn, giao tháng 3/2022 tăng 2 USD/tấn ở mức 2.165 USD/tấn. Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 giảm 0,85 cent/lb ở mức 205,9 cent/lb, giao tháng 3/2022 giảm 0,95 cent/lb ở mức 207,7 cent/lb.

Giá cà phê tăng nhưng người trồng không vui do khan hiếm lao động
Giá cà phê ngày 11/11 trong khoảng 40.000 - 40.900 đồng/kg. Ảnh: TL minh họa

Đối với giá cà phê trong nước, tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) hiện có mức giá trung bình 40.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk) cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.800 đồng/kg. Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) cà phê hôm nay trung bình ở mức 40.000 đồng/kg.

Giá cà phê tại tỉnh Đắk Nông giá cà phê ở mức 40.800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.700 đồng/kg ở Đắk R'lấp. Giá cà phê tại Gia Lai hôm nay ở mức 40.800 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.700 đồng/kg. Giá cà phê tại Kon Tum hôm nay được thu mua với mức 40.700 đồng/kg.

Thực tế cho thấy, niên vụ 2021, hàng trăm nghìn hécta cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên có thể sẽ thu hoạch không kịp thời vụ, nguy cơ ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng do tình trạng “khát” nhân công lao động vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Tình trạng khan hiếm lao động không chỉ khiến cho một lượng lớn cà phê đứng trước nguy cơ bị thất thoát, bị giảm chất lượng mà còn đẩy giá nhân công lên cao, khiến người trồng cà phê gặp nhiều áp lực. Mặc dù hiện nay giá cà phê nhân tại Tây Nguyên tăng so với mọi năm (đạt khoảng 40.000 đồng/kg) nhưng người trồng cà phê vẫn không vui do ảnh hưởng thiếu lao động.

Tích cực hỗ trợ thu hoạch, kết nối tiêu thụ cà phê

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh đang có 173.660ha cà phê, sản lượng ước đạt 518.603 tấn nhân, tương đương trên 2,3 tấn cà phê tươi. Để thu hoạch hết diện tích cà phê trên, Lâm Đồng cần gần 8 triệu công lao động từ nay đến cuối năm 2021. Lực lượng lao động thu hái cà phê tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 40%, số còn lại phụ thuộc vào lao động tự do đến từ tỉnh ngoài. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thuê lao động từ ngoài tỉnh vào Lâm Đồng rất khó thực hiện.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, trong đó cho phép cách ly, theo dõi y tế tại nhà đối với người đến từ vùng nguy cơ cao. Người đến từ các tỉnh, thành khác thuộc khu vực cấp 1, cấp 2 được vào địa phương và không phải thực hiện cách ly tập trung. Đối với người đến từ khu vực nguy cơ cao (cấp 3, cấp 4) được cách ly tại nhà nếu đảm bảo một số điều kiện. Việc này sẽ tạo điều kiện cho lao động tại những vùng xanh, bình thường mới và vùng nguy cơ trung bình có thể vào Lâm Đồng, đáp ứng nhu cầu nhân công lao động của người dân khi vụ thu hoạch chính vụ cà phê đã đến...

Cũng như nhiều địa phương khác ở Tây Nguyên, thời gian cao điểm thu hoạch cà phê của Đắk Lắk thường diễn ra từ đầu tháng 11 đến hết tháng 12. Đắk Lắk là “thủ phủ” cà phê của cả nước với diện tích 209.900ha. Toàn tỉnh có khoảng 185.000 hộ sản xuất cà phê, thu hút khoảng nửa triệu lao động trực tiếp và gián tiếp.

Nhằm giải quyết bài toán "khát" lao động, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị thu hoạch cà phê, ưu tiên huy động các lực lượng, phương tiện, chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, chế biến, bảo quản; tận dụng nhân công tại chỗ, tăng cường đổi công cho nhau giữa các gia đình. Công bố danh sách các đơn vị thu mua uy tín và các đơn vị vận chuyển để cung cấp cho người dân có địa chỉ giao dịch...

Theo dự báo và kế hoạch tổ chức thu hoạch sản phẩm cà phê vào cuối năm 2021 của Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum, tổng sản lượng cà phê dự kiến của năm khoảng 61.700 tấn, cao hơn so với năm 2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nhiều đơn vị sản xuất đang cảm thấy lo lắng cho đầu ra của sản phẩm. Để chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cà phê năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh lên phương án hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, nhất là cà phê.

Sở NN&PTNT Kon Tum cũng cho biết, hiện nay giá cà phê trên thế giới đang có chiều hướng tăng, vì vậy, chuẩn bị cho vụ thu hoạch tới, một mặt ngành nông nghiệp sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Kon Tum tham gia các diễn đàn kết nối, tiêu thụ sản phẩm để giới thiệu các sản phẩm của tỉnh, tìm kiếm các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu thu mua để giải quyết vấn đề cà phê nhân; một mặt sẽ giới thiệu thông qua các hệ thống cửa hàng bán lẻ để giải quyết vấn đề cà phê bột cho các hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh. Đồng thời, tỉnh Kon Tum tiếp tục duy trì mối liên kết với Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT để kết nối tiêu thụ nông sản, nhất là trong những tháng cuối năm và niên vụ cà phê sắp tới.

Dự báo, thời gian tới việc thiếu hụt sản lượng cà phê cục bộ của thế giới sẽ giảm khi vùng nguyên liệu tại Brazil đang ra hoa và Việt Nam mới bước vào vụ thu hoạch, dự kiến sản lượng tăng 10% (đạt khoảng 1,8 triệu tấn).

Theo ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Cty Simexco Đắk Lắk, với giá trên 40.000 đồng/kg, nông dân sẽ bán ra rất nhiều. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động về nguồn vốn, cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm; nông dân nên hái quả chín chọn lọc để vừa giảm áp lực khan hiếm nhân công vừa đảm bảo chất lượng.

Diệu Hoa

© Thời báo Tài chính Việt Nam