Lạng Sơn:

Tích cực thu thập thông tin để ngăn chặn buôn lậu

07:35 | 13/11/2021 Print
(TBTCO) - Những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cả nước nói chung và qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói riêng diễn biến phức tạp, khó lường. Cục Hải quan Lạng Sơn đang chỉ đạo các đơn vị hải quan cửa khẩu tăng cường thu thập thông tin về doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đã bị xử lý về hành vi này.

Nổi lên nhiều gian lận kê khai

Theo thống kê, tính đến đầu tháng 11/2021, các đơn vị của Cục Hải quan Lạng Sơn đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.479 vụ vi phạm. Trong đó có 1.344 vụ vi phạm hành chính về thủ tục hải quan; 124 vụ vi phạm về kiểm soát hải quan; 8 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ. Các đơn vị đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được 1.369 vụ với số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước 5,6 tỷ đồng.

Trong số những vi phạm đã bị phát hiện thời gian vừa qua tại các cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn, nổi lên tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc không phải khai thông tin trước về hàng hóa nhập khẩu để cố tình gian lận, buôn lậu, vận chuyển một số mặt hàng có giá trị vào nội địa. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn thực hiện các hành vi như nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; nhập khẩu hàng không đúng với khai hải quan về chủng loại, số lượng, trị giá, hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu; tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan (hàng quá cảnh, kinh doanh tạm nhập tái xuất).

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).

Điển hình như vụ việc Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị đã kiểm tra thực tế 48 mục hàng nhập khẩu của Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Hoa Nam. Qua đó phát hiện 2 mục hàng gồm 1.272 đôi dép giả mạo nhãn hiệu BOSS, trị giá trên 50 triệu đồng. Doanh nghiệp này sau đó đã bị phạt 108 triệu đồng vì hành vi nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Cũng tại cửa khẩu Hữu Nghị, cơ quan hải quan kiểm tra thực tế 9 mục hàng nhập khẩu của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ tổng hợp Vi Thiện Nhân, phát hiện 1 mục hàng gồm 1.044 chiếc nồi cơm điện, điều khiển bằng cơ, nhãn hiệu IHTOSFILBA, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu TOSHIBA, trị giá tang vật trên 70 triệu đồng.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn thực hiện các hành vi như nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; nhập khẩu hàng không đúng với khai hải quan về chủng loại, số lượng, trị giá và hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu… Tiêu biểu như ở cửa khẩu Chi Ma có vụ việc cơ quan hải quan kiểm tra 2 tờ khai của 4 container theo loại hình vận chuyển độc lập về ICD Phúc Lộc Ninh Bình của Công ty TNHH Logistics Hải Lâm, có địa chỉ tại TP. Bắc Ninh. Kết quả phát hiện 1 tờ khai khai báo 14 mục hàng, nhưng thực tế không có 14 mục hàng này; 17 mục hàng không có trong khai báo; tờ khai còn lại khai báo 13 mục hàng nhưng thực tế không có 13 mục hàng này, nhưng lại có 13 mục hàng không có trong khai báo.

Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mặt hàng nhạy cảm

Cục Hải quan Lạng Sơn tích cực, chủ động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, nhất là đối với những mặt hàng nhạy cảm, nhằm kịp thời phát hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời tăng cường giám sát hải quan tại các địa điểm kiểm tra, nơi tập kết hàng hóa; giám sát các kho chứa hàng hóa, đẩy mạnh giám sát cơ động nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận trong kê khai hàng hóa xuất nhập khẩu...

Những sai phạm nói trên dần trở nên phổ biến xuất phát từ việc lợi dụng chính sách thông thoáng trong thông quan điện tử, lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, hàng hóa theo hình thức vận chuyển độc lập để gian lận, trốn thuế.

Để trốn tránh trách nhiệm nếu bị phát hiện, các đối tượng buôn lậu còn thành lập nhiều công ty, ghi địa chỉ sai, doanh nghiệp không có bảng hiệu, thường xuyên thay đổi trụ sở... Sau khi bị phát hiện gian lận, doanh nghiệp từ chối nhận hàng, không hợp tác với cơ quan hải quan.

Kiểm soát chặt hàng hóa xuất nhập khẩu

Cục Hải quan Lạng Sơn đã nhận định, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong thời gian tới vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Theo ông Nguyễn Hữu Vượng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, các mặt hàng trọng điểm chủ yếu là hàng tiêu dùng, hàng có thuế suất cao, hàng quản lý chuyên ngành, kiểm tra về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, động vật thủy sản và sản phẩm động vật thủy sản, thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch... Đặc biệt, cơ quan hải quan cho rằng các đối tượng sẽ lợi dụng đặc thù của dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh vận chuyển hàng hóa nhập lậu vào sâu trong nội địa sẽ gây nhiều khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng.

Lường trước được điều này, Hải quan Lạng Sơn đang chỉ đạo các đơn vị hải quan cửa khẩu tăng cường thu thập thông tin về doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đã bị xử lý về hành vi này. Cùng với đó đơn vị tích cực, chủ động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, nhất là đối với những mặt hàng nhạy cảm, nhằm kịp thời phát hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Cục Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị hải quan cửa khẩu, các phòng chuyên môn trực thuộc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ chú trọng việc buộc doanh nghiệp, người được ủy quyền… phải thông báo cho cơ quan hải quan thông tin về hàng hóa nhập khẩu, trước khi làm thủ tục đưa hàng hóa qua các cửa khẩu; đồng thời tăng cường giám sát hải quan tại các địa điểm kiểm tra, nơi tập kết hàng hóa; giám sát các kho chứa hàng hóa, đẩy mạnh giám sát cơ động nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận trong kê khai hàng hóa xuất nhập khẩu...

Bên cạnh đó, để ngăn chặn các hành vi gian lận của các doanh nghiệp qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Tổng cục Hải quan đã tăng cường đầu tư máy móc hiện đại, lắp đặt tại cửa khẩu, giao Cục Hải quan Lạng Sơn quản lý, vận hành để thực hiện việc soi chiếu container.

Ngoài ra, Hải quan Lạng Sơn đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn thu thập thông tin, tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực đường mòn lối mở biên giới; tuyên truyền, giáo dục cho người dân các quy định của pháp luật trong công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn tăng 60,6%

Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong 10 tháng năm 2021 có những tín hiệu tích cực. Tính đến ngày 19/10, toàn đơn vị đã tiếp nhận và làm thủ tục cho 82.324 bộ tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu, kim ngạch đạt 3.146 triệu USD, tăng 60,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm: hoa quả, ván gỗ bóc, đồ gỗ mỹ nghệ, thủy sản (cá, tôm) tăng so với cùng kỳ. Về nhập khẩu, để tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hình thức vận chuyển từ đường biển sang đường bộ nhập khẩu một số mặt hàng như điện thoại, hàng tiêu dùng, tạp hóa…

Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại nhu cầu nhập khẩu các loại phương tiện vận tải, máy móc phục vụ các dự án lớn như sân bay, đường cao tốc vẫn tiếp tục gia tăng. Mặt khác, theo lộ trình thực hiện áp dụng về khí thải, từ ngày 1/1/2022 xe ô tô nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5, do vậy nhiều doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu mặt hàng theo tiêu chuẩn hiện hành mức 4 đến hết năm 2021.

Những tín hiệu tích cực đó có phần do các đơn vị của Cục Hải quan Lạng Sơn đã tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, Hải quan Lạng Sơn cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu; theo dõi diễn biến, tình hình thu, chủ động đề ra các giải pháp để chỉ đạo, điều hành các đơn vị thực hiện có hiệu quả các giải pháp thu; đẩy mạnh và tăng cường chống thất thu thuế qua mã, giá, công tác kiểm tra sau thông quan, công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, công tác quản lý rủi ro trong đó tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, xuất xứ, sở hữu trí tuệ...

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam