Thanh toán không dùng tiền mặt:

Trên đã thông, vẫn chờ dưới thoáng

08:59 | 15/11/2021 Print
(TBTCO) - Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tạo nền tảng cơ bản cho hoạt động này tiếp tục tăng tốc. Tuy nhiên, các ngân hàng và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vẫn đang chờ các văn bản hướng dẫn để có hành lang pháp lý rõ ràng, thực hiện an toàn, hiệu quả.

Thị trường đang dần sôi động

Thị trường cung ứng các dịch vụ liên quan đến các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay không chỉ là sân chơi riêng của các ngân hàng, mà còn thu hút khá đông đảo sự tham gia của các tổ chức tài chính trung gian và các công ty dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech).

Trên đã thông, vẫn chờ dưới thoáng

Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng, hiện này cả nước có trên 100 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tiếp đến là trong tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng… Đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 43 tổ chức không phải là ngân hàng.

Hiện nay, có khoảng trên 80.000 điểm QR code thanh toán, 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet, 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, 30 ngân hàng thương mại và 6 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp triển khai.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 5 năm qua, tổng số lượng thanh toán qua kênh internet tăng 262,5%, giá trị thanh toán tăng 353%; thanh toán di động tăng 1.000% về số lượng và 3.000% về giá trị. Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 3,32% về số lượng và tăng 41,37% về giá trị so với 8 tháng đầu năm 2020. Thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng 54,13% về số lượng và 30,70% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,98% và 93,69%, qua kênh QR code tăng tương ứng 66,81% và 133,12%.

Xu hướng thuận tiện trong thanh toán cũng dự báo sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử phát triển. Một ví dụ mới đây là việc Ví điện tử SmartPay và Sàn thương mại điện tử Sendo đã công bố quan hệ hợp tác chiến lược nhằm tận dụng tối đa lợi thế nền tảng và công nghệ của hai bên.

Theo đại diện một số công ty trung gian thanh toán và Fintech, dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán trung gian đang trong giai đoạn phát triển, người dân đã bước đầu chấp nhận và sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến an toàn, đảm bảo. Nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người dân có sự chuyển hướng từ ngoại tuyến (offline) sang không gian trực tuyến (online), cùng với sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử và bối cảnh giãn cách xã hội ứng phó dịch Covid-19.

Vẫn chờ khơi thông pháp lý

Với bối cảnh thị trường thanh toán đang ngày càng thu hút như trên, việc Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 cũng thổi thêm một luồng sinh khí cho hoạt động này có thể tiếp tục tăng tốc. Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao; đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp dịch vụ thanh toán, việc thực thi cụ thể cần tiếp tục có sự hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, tổ chức này sẽ đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, bảo vệ tổ chức trung gian thanh toán và công ty Fintech. Đặc biệt, hiệp hội sẽ kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến trung gian thanh toán. Đó là nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox), khung thể chế thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P Lending), nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Một số văn bản pháp lý cũng cần hoàn thiện gồm thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nghị định về định danh và xác thực điện tử, Luật Giao dịch điện tử…

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp thuộc Văn phòng Chính phủ, cũng chia sẻ những nguyện vọng của các doanh nghiệp khi cho biết, là cơ quan xây dựng, thẩm tra chính sách trình lên Chính phủ, ông cũng rất băn khoăn làm sao cho chính sách phù hợp với thực tế, đảm bảo công tác quản lý nhà nước. Theo ông Cường, Hiệp hội Ngân hàng nên thể hiện có vai trò hệ thống hóa các đề xuất kiến nghị để các cơ quan quản lý nhà nước có thêm thông tin chính thức để kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo xử lý các vấn đề xã hội quan tâm.

Một số vướng mắc về pháp lý liên quan dịch vụ thanh toán

Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo và lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox). Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay là cơ chế thí điểm Sandbox còn mới, phức tạp chưa từng có tiền lệ trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, quy định pháp luật hiện hành (quản lý rủi ro, phòng chống rửa tiền…) đang được thiết kế phù hợp cho hệ thống ngân hàng và có yêu cầu áp dụng tại các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với mức độ tương đương ngân hàng. Tuy nhiên, đối tượng, phạm vi hoạt động và cách thức tổ chức của ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán có nhiều điểm khác biệt so với ngân hàng nên việc thực thi cũng gặp một số khó khăn vướng mắc.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam