Đại biểu Quốc hội chất vấn nhiều vấn đề “nóng” về giáo dục nghề nghiệp

08:59 | 15/11/2021 Print
(TBTCO) - Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại hội trường Quốc hội chiều 10/11 và sáng 11/11, nhiều đại biểu đã chất vấn các nhóm vấn đề liên quan khôi phục thị trường lao động, công tác hỗ trợ lao động doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề liên quan tới giáo dục nghề nghiệp.

Tăng cường gắn kết doanh nghiệp cơ sở đào tạo

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về vấn đề gắn kết cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, thị trường lao động, dạy nghề theo đặt hàng và những yếu kém trong dự báo cung - cầu lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho rằng, vấn đề các đại biểu quan tâm cũng là vấn đề trăn trở hiện nay của ông. Thời gian vừa qua, Bộ LĐTBXH mong muốn xây dựng thị trường lao động theo hướng đồng bộ, lành mạnh, hiện đại và hội nhập. Tuy nhiên, trên thực tế thị trường lao động chưa đạt được mức độ cho phép.

Đại biểu Quốc hội chất vấn nhiều vấn đề “nóng” về giáo dục nghề nghiệp

Đổi mới hoạt động giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng tầm kỹ năng lao động.

Theo Bộ trưởng, thị trường lao động có 2 vấn đề lớn: Một là, đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu của thị trường. Hai là, chất lượng của lực lượng lao động hiện nay còn thấp, dẫn đến năng suất thấp, số được đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp so với mặt bằng chung của các quốc gia phát triển là thấp.

Bộ trưởng thừa nhận hiện nay công tác dự báo cung - cầu còn nhiều hạn chế. Vừa qua, Bộ LĐTBXH cũng đã làm việc với TP. Hồ Chí Minh, yêu cầu địa phương dự báo cung - cầu ngắn hạn. Kết quả cho thấy, lao động ở những ngành nghề xã hội có nhu cầu đang thiếu.

Đổi mới căn bản và toàn diện
giáo dục nghề nghiệp

“Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng: Thứ nhất sắp xếp lại hệ thống GDNN; thứ hai là đổi mới theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng; thứ ba là gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà trường với doanh nghiệp; thứ tư là thay đổi nhận thức phụ huynh, xã hội về GDNN; cuối cùng là xây dựng một chương trình nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Chia sẻ về sự liên kết của doanh nghiệp với cơ sở đào tạo, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết mối quan hệ này vẫn còn lỏng lẻo. Mối quan hệ này ở Việt Nam mới bắt đầu khởi động, trong khi đó các quốc gia phát triển đã gắn kết hàng trăm năm. Bộ trưởng đơn cử, các mô hình đào tạo nghề kép của Đức mỗi doanh nghiệp là một trường nghề. Tất cả những công cụ, những máy móc hiện đại nhất của doanh nghiệp đó đều được đặt trong trường học để cho học sinh vừa học vừa thử nghiệm.

Bộ trưởng cũng cho biết, qua tham khảo ở các nước phát triển, doanh nghiệp coi việc đào tạo, đào tạo nghề cho người lao động là bắt buộc. Nếu không đào tạo mà sử dụng thì phải trả số tiền mà nhà nước bỏ ra để đào tạo số lao động đó.

“Xem lại ở ta thì thấy gần đây, nhiều tập đoàn lớn, nhiều doanh nghiệp lớn bắt đầu quan tâm vấn đề này, mở trường đào tạo nhưng phần đa là trông chờ vào kết quả đào tạo từ các trường đại học, các trường nghề. Vì thế, đến khi sử dụng lao động lại không đúng tay nghề, không đúng chuyên môn thì phải đào tạo lại, nên sự gắn kết này cũng không hiệu quả” - ông Đào Ngọc Dung cho biết.

Quy hoạch cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương

Không chỉ quan tâm tới vấn đề liên kết, nhiều đại biểu còn quan tâm tới việc xây dựng, sáp nhập cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) yếu kém.

Trong phiên chất vấn chiều 10/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Nam, đoàn Phú Thọ chia sẻ rằng, ông đồng tình với trả lời của Bộ trưởng về đổi mới hệ thống GDNN. Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn bởi hiện nay vẫn còn có một số cơ sở chưa phát huy hiệu quả, làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo lao động, lãng phí cơ sở vật chất. Trước thực trạng này, ông Nam đặt câu hỏi cần phải có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay trên cả nước có khoảng 1.900 cơ sở đào tạo nghề nghiệp, trong đó khoảng 400 cơ sở công lập hệ cao đẳng, khoảng 400 cơ sở trung cấp, còn lại hầu như là cơ sở tư thục. Hiện Bộ LĐTBXH đang tiến hành rà soát, sắp xếp lại cơ sở GDNN. Theo đó, những cơ sở GDNN nào hoạt động không hiệu quả liên tiếp trong 3 năm thì sẽ bị sáp nhập.

Ngoài ra, những cơ sở giáo dục cùng trên địa bàn, có cùng ngành nghề, lĩnh vực trùng nhau khoảng 60% thì sắp xếp, sáp nhập lại. 1 tỉnh có nhiều trường có thể rút gọn lại còn 1 - 2 trường cao đẳng, trừ những nơi như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, những trọng điểm kinh tế có thể nhiều trường nghề hơn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, tổng kết của Bộ LĐTBXH cho thấy, qua hơn 2 năm triển khai, đến nay đã tổ chức sắp xếp và tinh gọn được khoảng trên 300 cơ sở GDNN. Tuy nhiên, do hiện nay cơ sở GDNN do nhiều đơn vị quản lý nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Chỉ đạo các trường nghề chất lượng cao ký kết hợp tác với các doanh nghiệp

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã chỉ đạo các trường nghề chất lượng cao ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Trong đó, 45 trường chất lượng cao bắt buộc phải tiến hành ký kết với doanh nghiệp. Nội dung hợp tác, ký kết ở đây gồm 4 vấn đề chính: xây dựng chương trình; quá trình giảng dạy; thực tập; nhận học sinh vào doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam