Nâng “chất” thị trường chứng khoán phát triển theo chiều sâu

07:15 | 22/11/2021 Print
(TBTCO) - Thị trường chứng khoán những năm tới hướng đến việc củng cố và nâng cao năng lực của các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, đưa vào các dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực của các hiệp hội nghề nghiệp…

Hướng đến nâng hạng thị trường trước năm 2025

Phát biểu tại buổi tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp - Kênh đầu tư sinh lời và tích sản” được tổ chức ngày 18/11, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hiện nay Bộ Tài chính đang cùng với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045. “Quan điểm phát triển thị trường đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế… đảm bảo liên kết thị trường tài chính với thị trường tiền tệ, mở rộng và nâng cao chất lượng thị trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ và đặc biệt là cách mạng công nghệ thông tin. Quản lý giám sát thị trường trên cơ sở quản trị rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia, đảm bảo minh bạch, an toàn và bền vững. Nhà nước quản lý thị trường bằng pháp luật, bằng khuôn khổ pháp lý” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu quan điểm.

Nâng “chất” thị trường chứng khoán phát triển theo chiều sâu
Ảnh minh họa

Thứ trưởng Nguyên Đức Chi nhấn mạnh, thị trường sẽ cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành giám sát các vi phạm, đảm bảo các trường hợp vi phạm được phát hiện kịp thời, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các thành viên thị trường. Một mục tiêu lớn đề ra cho TTCK là hướng đến nâng hạng thị trường trước năm 2025 theo tiêu chuẩn của FTSE Russell và MSCI. TTCK Việt Nam cũng sẽ chủ động hội nhập thị trường thế giới, trở thành 1 trong 4 thị trường lớn khu vực ASEAN.

TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế, đang ghi nhận sự phấn khích của thị trường trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng lưu ý đến những yếu tố rủi ro. Sẽ có một gói kích thích kinh tế với quy mô thích hợp gắn với cơ cấu kinh tế trong thời gian tới được công bố cụ thể, song gói kích thích kinh tế này cũng đòi hỏi chính sách tài khóa và tiền tệ đi kèm. Sẽ có cả những rủi ro nếu không có sự tính toán, điều hành phù hợp. Cùng với đó, bản thân nội tại TTCK cũng có rủi ro cần tính đến trong giai đoạn sự hưng phấn của thị trường lên cao với giao dịch tăng mạnh. Sự tăng trưởng nhanh của hệ thống các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư mới gia nhập cũng tiềm ẩn những rủi ro.

Đề cập đến giải pháp phát triển thị trường bền vững, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, chính sách tài khóa hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sau đại dịch như miễn, giảm, giãn thuế phí, bao gồm phí của TTCK và doanh nghiệp tham gia trên TTCK sẽ tiếp tục được thực hiện năm 2022. Ngoài ra, nhiều giải pháp khác cũng cần được tập trung như tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường sự quản lý giám sát, giảm thiểu rủi ro; tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường.

Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý

Cũng tại tọa đàm, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, để hoàn thiện các chiến lược phát triển TTCK, UBCKNN đã xây dựng, soạn thảo trình Bộ Tài chính hoàn thiện khung pháp lý, tạo nền tảng cho thị trường. Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán mới áp dụng từ 2021, đây là nền tảng pháp lý quan trọng để phát triển TTCK.

Theo đó, hiện UBCKNN đang hoàn thiện các văn bản hướng dẫn luật để nhà đầu tư nắm rõ, đồng thời xem xét hoàn thiện thêm những khuôn khổ pháp lý phù hợp hơn với hoạt động giao dịch mới của thị trường.

Mục tiêu thị trường cổ phiếu đạt 85% GDP vào năm 2025

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, mục tiêu đề ra là thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, san sẻ và hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng. Quy mô thị trường cổ phiếu vào năm 2025 tối thiểu 85% GDP (đã điều chỉnh) và 110% GDP năm 2030. Số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số năm 2025 và 8% dân số vào năm 2030. Cơ cấu nhà đầu tư bao gồm tổ chức, chuyên nghiệp, cá nhân và nhà đầu tư trong nước, ngoài nước phát triển theo chiều sâu.

Bên cạnh đó, theo ông Phạm Hồng Sơn, UBCKNN sẽ tăng cường nâng cao năng lực quản lý giám sát, đây là điều kiện quan trọng để TTCK phát triển công khai, minh bạch. Đi đôi với đó là kiện toàn bộ máy chức năng, nhiệm vụ thanh tra giám sát, trong đó có hoàn thiện khung pháp lý. Hiện đã có nghị định sửa đổi ban hành năm 2021 về nâng cao quy chế sửa đổi, xử lý các vi phạm; xây dựng các tiêu chí giám sát rõ ràng, phân thành 3 tuyến để tăng cường giám sát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro các công ty chứng khoán và các tổ chức tham gia thị trường.

Ngoài ra, đa dạng hoá các sản phẩm mới, cơ cấu phù hợp trong sự phát triển chung của thị trường, nghiên cứu xem xét các doanh nghiệp tiềm năng, sáng tạo tham gia vào thị trường, để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ TTCK, giúp doanh nghiệp mới nổi, DN khởi nghiệp đi nhanh hơn; đa dạng hóa các kỳ hạn trái phiếu chính phủ, trong thời gian tới phát hành trái phiếu xanh nhằm huy động vốn phát triển kinh tế xanh bền vững, thu hút nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu; hoàn thành khung pháp lý sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp. Nhóm giải pháp về nâng cao tính minh bạch, chất lượng hàng hóa, huy động vốn và giám sát việc huy động vốn cũng được chú trọng…

Ông Nguyễn Duy Thịnh - Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đánh giá, hướng đi của việc phát triển TTCK Việt Nam cho tới hiện tại đang thể hiện rất đúng đắn và hợp lý. Qua đó, góp phần huy động vốn cho các doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức như phát hành cổ phiếu lần đầu, phát hành bổ sung hay sau này là kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Những kênh dẫn vốn này đã giải tỏa áp lực cho hệ thống ngân hàng khi định chế tài chính ngân hàng chủ yếu chỉ cung cấp các khoản vay ngắn và trung hạn. Còn việc huy động vốn dài hạn mới là nhu cầu chính đáp ứng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nói riêng về sàn giao dịch UPCoM, ông Thịnh đánh giá lịch sử 12 năm giao dịch đã cho thấy đây là thị trường tiềm năng và có tốc độ phát triển nhanh, với sứ mệnh ban đầu chỉ là thu hẹp phần thị trường chưa tổ chức và mở rộng thị trường có tổ chức, nhằm bảo vệ và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường cổ phiếu chưa niêm yết. Tuy nhiên đến hiện tại, sàn UPCoM đã vươn lên và trở thành thị trường rất hấp dẫn, từng bước là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và có sức hấp dẫn nhất định với nhà đầu tư.

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam