Bộ Tài chính sẽ nỗ lực cao nhất để áp dụng thành công hóa đơn điện tử

10:29 | 21/11/2021 Print
Phát biểu tại Hội nghị công bố triển khai hệ thống hóa đơn điện tử sáng 21/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, với sự quyết tâm, nỗ lực cao của ngành Thuế và sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, việc triển khai hóa đơn điện tử sẽ thành công và đem lại hiệu quả to lớn cho xã hội, tạo tiền đề tốt để ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao.

Chủ động xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về hóa đơn điện tử

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong những năm qua, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ mà đặc biệt là sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng, Chính phủ đã luôn hết sức quan tâm, coi trọng việc phát triển, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đặc biệt là quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, kỷ nguyên số hóa với nhiều cơ hội rộng mở và những thách thức đan xen. Trong bối cảnh đất nước đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19, việc đẩy mạnh và áp dụng hiệu quả công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế; từ đó bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm và toàn diện.

Bộ Tài chính sẽ nỗ lực cao nhất để áp dụng thành công hóa đơn điện tử
Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, để đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống, ngay từ đầu năm 2018, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ về triển khai ứng dụng công nghệ cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã tập trung xây dựng, ban hành các văn bản để cụ thể hóa và tổ chức triển khai đồng bộ các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, giải pháp xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. “Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đóng góp chung vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia, trong những năm qua, Bộ Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng đã luôn chú trọng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý; tập trung triển khai giải pháp chuyển đổi số, từng bước hình thành nền Tài chính số Việt Nam vững mạnh, hiện đại” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Bên cạnh đó, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các giao dịch điện tử, giao dịch số trên môi trường mạng, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Nghị định quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan điện tử …

Chủ động áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, để đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã xây dựng các nền tảng phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số. Bộ Tài chính đã và đang tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển 4 nền tảng đóng vai trò “trụ cột” trong xây dựng phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số gồm: Nền tảng cơ sở dữ liệu tài chính; nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu ngành Tài chính; nền tảng điện toán đám mây và hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính; nền tảng định danh và xác thực điện tử.

Ngành Tài chính đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp và người dân. Có thể kể đến một số ứng dụng công nghệ thông tin tiêu biểu như: Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính; hệ thống thanh toán điện tử liên kho bạc, thanh toán liên ngân hàng, thanh toán song phương với các ngân hàng thương mại; hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia; hệ thống kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử.

Bộ Tài chính sẽ nỗ lực cao nhất để áp dụng thành công hóa đơn điện tử
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và các vị khách mời, lãnh đạo Tổng cục Thuế nhấn nút triển khai hệ thống hóa đơn điện tử. Ảnh: Đức Minh.

“Những nỗ lực, kết quả trong xây dựng Bộ Tài chính điện tử hướng tới Bộ Tài chính số trong suốt những năm vừa qua đã được đánh giá, ghi nhận bằng kết quả là 8 năm liên tiếp từ 2013 đến nay Bộ Tài chính đứng đầu Bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam (Vietnam ICT Index) của khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Những kết quả, thành tích đó của ngành Tài chính trong những năm vừa qua có sự đóng góp rất lớn và hết sức quan trọng của ngành Thuế” - Bộ trưởng nói.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, công tác hiện đại hóa hệ thống thuế và triển khai áp dụng hoá đơn điện tử là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong năm 2021 bởi những lợi ích to lớn của nó mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cộng đồng xã hội.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng đó, thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, đặc biệt là Tổng cục Thuế đã hết sức nỗ lực, quyết tâm vào cuộc, triển khai khẩn trương, quyết liệt các nhiệm vụ, nội dung công việc nhằm sớm đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống.

“Tôi đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các đồng chí để ngày hôm nay chúng ta đã hoàn tất các khâu công việc chuẩn bị cho thời khắc vô cùng quan trọng này của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng. Đây chính là một bước ngoặt, bước tiến vô cùng quan trọng, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của cơ quan Thuế, của ngành Tài chính nói riêng và công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, với sự quyết tâm, nỗ lực cao của ngành Thuế và sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, việc triển khai hóa đơn điện tử sẽ thành công và đem lại hiệu quả to lớn cho xã hội, tạo tiền đề tốt để ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao.

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam