Đề xuất chính sách quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh:

Nhà nước không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp

09:21 | 22/11/2021 Print
(TBTCO) - Một trong những nội dung chính sách quan trọng được đề xuất sửa đổi tại Dự án Luật sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp là thống nhất khái niệm về vốn nhà nước, quy định rõ vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp.

Thống nhất khái niệm vốn nhà nước

Bộ Tài chính mới đây đã có tờ trình đăng ký xây dựng dự án Luật sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69). Trong đó, một trong 5 nhóm chính sách lớn được đề xuất cần sửa đổi, bổ sung là về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (DN).

Theo cơ quan soạn thảo, hiện việc xác định nội hàm quản lý đối với vốn nhà nước đã đầu tư vào DN chưa được xuyên suốt, còn đồng nhất vốn, tài sản của DN có vốn nhà nước đầu tư là vốn tài sản nhà nước dẫn tới còn cách hiểu, hoạt động can thiệp trực tiếp vào quản trị sản xuất kinh doanh của DN mà chưa thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện vốn để thực hiện các quyền của chủ sở hữu Nhà nước với vai trò là nhà đầu tư vốn (góp vốn) vào DN.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: HỒNG VÂN
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Khái niệm vốn nhà nước tại DN còn bất cập ngay trong nội hàm (vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước bản chất là nghĩa vụ nợ của DN với nhà nước, vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh là nghĩa vụ nợ của DN với nhà nước khi phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh của Chính phủ về nghĩa vụ nợ của DN với tổ chức tín dụng mà chưa thể xác định là vốn nhà nước đầu tư tại DN) và đang còn có nhiều cách hiểu khác nhau, chưa có sự thống nhất, thiếu rõ ràng theo quy định tại nhiều luật khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc xác định thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng trong triển khai thực hiện dự án đầu tư; trong thực hiện bổ sung vốn cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thời gian qua.

Để khắc phục, Bộ Tài chính đề xuất xem xét thống nhất khái niệm vốn nhà nước và hoàn chỉnh bổ sung khái niệm vốn của DN, vốn đầu tư của chủ sở hữu (nhà nước) tại DN.

Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là tài sản, vốn của doanh nghiệp

Trên cơ sở các quy định trên, theo đề xuất của Bộ Tài chính, vốn nhà nước bao gồm vốn ngân sách nhà nước (NSNN); công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh; vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của nhà nước; vốn đầu tư phát triển của DNNN; giá trị quyền sử dụng đất” (theo quy định tại khoản 44 Điều 4 Luật Đấu thầu).

Bổ sung nhóm doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ

Một nhóm chính sách khác được đề xuất sửa đổi, bổ sung là về phạm vi, đối tượng áp dụng. Phạm vi điều chỉnh của Luật 69 chưa bao gồm nội dung cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong khi đó hình thức chủ yếu là cơ chế cổ phần hóa mới được điều chỉnh bằng nghị định của Chính phủ, các quy định này đã được thực hiện trong thời gian dài mang tính ổn định cần được luật hóa.

Về đối tượng áp dụng, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm nhóm các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết để phù hợp quy định tại Điều 88 Luật doanh nghiệp năm 2020 và bổ sung thêm các doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để phù hợp với thực tế đặc điểm của các doanh nghiệp có vốn nhà nước này.

Vốn của DN bao gồm vốn đầu tư của chủ sở hữu và vốn do DN huy động. Vốn đầu tư của chủ sở hữu nhà nước tại DN là vốn cấp trực tiếp và bổ sung trong quá trình hoạt động từ NSNN; giá trị tài sản đầu tư bằng nguồn vốn NSNN mà DN tiếp nhận từ nơi khác chuyển đến theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; vốn bổ sung từ nguồn lợi nhuận/cổ tức chia cho phần vốn nhà nước góp tại các DN theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc quy định rõ vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào DN để thực hiện nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu nhà nước được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân DN theo quy định của Bộ Luật Dân sự bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự chủ trong hoạt động của pháp nhân là DN. Khi chủ sở hữu DN đã đầu tư vốn để hình thành tài sản cũng như hình thành vốn điều lệ của DN thì phần vốn/tài sản đó phải là của DN, thuộc sở hữu DN, chủ sở hữu phải thực hiện chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho DN. Nhà nước thực hiện quản lý DN theo pháp nhân DN mà mình đầu tư vốn, không quản lý DN theo từng tài sản mà chủ sở hữu góp vốn điều lệ (đã chuyển quyền sở hữu cho DN) đảm bảo yêu cầu minh bạch, xác định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và của người quản lý điều hành hoạt động và quản trị tại DN.

Nhà nước xác định là một nhà đầu tư vốn, không can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động và quản trị sản xuất kinh doanh của DN mà thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại DN, người đại diện vốn để thực hiện các quyền của nhà đầu tư vốn (góp vốn) vào DN. Cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu theo quy định của Luật DN đối với DN có vốn nhà nước đầu tư.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam