Thương mại Việt - Nga: Kim ngạch nông sản chiếm khoảng 18 - 20%

16:46 | 23/11/2021 Print
(TBTCO) - Việt Nam hiện đang giữ vị trí số 1 về kim ngạch thương mại với Liên bang Nga trong số các quốc gia của khu vực Đông Nam Á. Kim ngạch thương mại Việt - Nga hai chiều nói chung giai đoạn 2018-2020 vào khoảng 4,5 tỷ USD/năm, trong đó nông sản chiếm khoảng 18-20%, tương đương 900 triệu USD/năm.

Chiều ngày 23/11/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đồng chủ trì tổ chức “Diễn đàn trực tuyến thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản, thủy sản Việt Nam - Liên bang Nga”.

Đây là một hoạt động có nghĩa trong thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và chào mừng chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Liên bang Nga thời gian tới. Đồng thời, sự kiện này nhằm kết nối các doanh nghiệp hai nước đến gần với nhau, thúc đẩy giao thương và gia tăng kim ngạch nông sản, hướng tới mục tiêu phấn đấu tổng kim ngạch 10 tỷ USD.

Thương mại Việt - Nga: Kim ngạch nông sản chiếm khoảng 18 - 20%
Hạt điều là một trong số những mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu sang thị trường Nga. Ảnh: TL

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nói chung vẫn đạt 544 tỷ USD, trong đó nông sản là 41,2 tỷ USD; 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt khoảng 38,76 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đây có thể nói là kỳ tích và thành công ngoài mong đợi, đạt mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”. Điều này đã đưa Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và 16 trên thế giới theo giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản.

Việt Nam hiện nay đang giữ vị trí số 1 về kim ngạch thương mại với Liên bang Nga trong số các quốc gia của khu vực Đông Nam Á. Kim ngạch thương mại Việt - Nga hai chiều nói chung giai đoạn 2018-2020 vào khoảng 4,5 tỷ USD/năm, trong đó nông sản chiếm khoảng 18 - 20%, tương đương 900 triệu USD/năm.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: "Con số này so với tiềm năng kinh tế và quan hệ chính trị lâu đời giữa hai nước có thể nói là vẫn khá khiêm tốn, cần phải cải thiện mạnh trong thời gian tới. Với quy mô dân số 250 triệu dân (Nga 150 triệu người), quy mô thị trường Việt – Nga rõ ràng là không hề nhỏ, có thể xác định là tâm điểm kết nối của vùng Đông Nam Á và Cộng đồng các quốc gia độc lập - SNG (các nước thuộc Liên xô cũ)".

Đối với thương mại nông sản, theo thống kê phía Việt Nam, giá trị 2 chiều trước năm 2018 chỉ vào khoảng trên dưới 500 triệu USD/năm. Tuy nhiên, từ 2018 đến nay đã tăng trưởng mạnh, đều đạt trên dưới 900 triệu USD/năm và khá cân bằng giữa hai nước. 10 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Liên bang Nga đạt khoảng 469 triệu USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu Việt Nam sang Nga là chủ yếu với các mặt hàng thủy sản, cà phê, điều, trái cây, chè, gỗ, gạo và nhập khẩu từ Nga chủ yếu gồm thủy sản, lúa mỳ, phân bón, gỗ, gần đây là các sản phẩm thịt, sữa.

"Có thể nói, cơ cấu các sản phẩm nông sản hai nước cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với nhau và bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, kim ngạch trên vẫn còn thấp so với kỳ vọng và mục tiêu phấn đấu giữa hai nước. Hai bên cần chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa để tận dụng được lợi thế so sánh và các sản phẩm thế mạnh, đặc biệt biến “thách thức thành cơ hội” trong bối cảnh Covid-19 này" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Ngoài ra, các doanh nghiệp 2 bên cần lưu ý và tận dụng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (AEAU) có hiệu lực từ ngày 5/10/2016 với Nga là thành viên chủ yếu. Theo Hiệp định AEAU, rất nhiều mặt hàng thuế nông sản 2 bên được hưởng mức ưu đãi thấp, có mặt hàng đã giảm về 0% thuế sau khi hiệp định có hiệu lực.

Theo Bộ NN&PTNT, diễn đàn trực tuyến lần này được tổ chức sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, các cơ quan đại diện thương mại trao đổi về tình hình hợp tác song phương; giới thiệu quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thực phẩm nhập khẩu; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở chế biến thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Liên bang Nga. Đồng thời, diễn đàn cũng hướng dẫn cho doanh nghiệp hai bên nắm bắt, thực hiện, tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản giữa hai nước; các tổ chức thương mại, hiệp hội ngành hàng trao đổi thông tin về khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm trong xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản và kiến nghị các giải pháp đẩy mạnh hợp tác thương mại giữa hai bên.../.

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam