Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện:

Cột mốc quan trọng của ngành quỹ Việt Nam

10:49 | 26/11/2021 Print
(TBTCO) - Sự hình thành các quỹ hưu trí tự nguyện là giải pháp chiến lược dài hạn đối với hệ thống an sinh xã hội. Đối với thị trường Việt Nam, chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện giúp Việt Nam có thêm kênh đầu tư dài hạn, phát triển thị trường vốn. Việc ra mắt sản phẩm quỹ hưu trí tự nguyện được xem là cột mốc quan trọng trong phát triển của ngành quỹ tại Việt Nam.

Trụ cột mới cho hệ thống an sinh xã hội

Năm 2013 - 2021 là giai đoạn có những hoạt động tích cực nhất của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) trước sức ép cần thay đổi, kết quả nhìn thấy là sự cải thiện về kết quả đầu tư quỹ BHXH và sự ra đời của ứng dụng VSSID, hay số lượng người tham gia BHXH tự nguyện tăng rất mạnh trong giai đoạn 2018 - 2021. Bên cạnh đó, giai đoạn 2013 - 2021 cũng là giai đoạn có sự thay đổi mạnh mẽ trong cấu trúc của hệ thống an sinh hưu trí, với sự hình thành các tổ chức khác ngoài BHXH Việt Nam hoạt động phục vụ mục đích cung cấp các phương tiện để người lao động tích lũy cho tuổi già.

Cột mốc quan trọng của ngành quỹ Việt Nam
Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện hỗ trợ và chia sẻ gánh nặng đối với quỹ bảo hiểm xã hội hướng tới đảm bảo an sinh cho tuổi già an vui.

Tuy nhiên, các sức ép lên hệ thống BHXH vẫn duy trì khi đến cuối năm 2020 mới chỉ có 32% số người trong lực lượng lao động tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc, điều mà đáng ra tất cả 49 triệu người trong lực lượng lao động cần phải làm. Nếu không có sự thay đổi để thúc đẩy sự tham gia chuẩn bị của người lao động cho an sinh hưu trí, khả năng đến tuổi nghỉ hưu sẽ có 2 phần 3 số người lao động không có được lương hưu và những người này sẽ phải chật vật với cuộc sống hưu trí khi không có nguồn thu nhập thường xuyên đảm bảo được cuộc sống cơ bản, cũng như hiện tại chỉ có 3,2 triệu người đang được nhận lương hưu và trợ cấp từ BHXH trong tổng số 11,4 triệu người đã đủ tuổi nghỉ hưu theo luật định.

Cột mốc quan trọng của ngành quỹ Việt Nam

Một xu hướng chung đã hình thành trên toàn cầu trong 20 năm gần đây là sự gia tăng trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với việc nghỉ hưu của bản thân. Các thay đổi về hệ thống luật pháp liên quan tới an sinh xã hội đều hướng tới việc khuyến khích các cá nhân tự tích lũy cho tuổi già và việc tham gia các hệ thống bảo hiểm xã hội do Nhà nước quản lý là bước khởi đầu tối thiểu. Các thay đổi liên quan tới Luật BHXH 2013 cũng đã thể hiện rất rõ xu hướng này.

Cột mốc quan trọng của ngành quỹ Việt Nam

Tuy nhiên, Việt Nam còn đang đối mặt với các xu hướng khác làm gia tăng áp lực cho việc đảm bảo an sinh hưu trí, điển hình là xu hướng già hóa dân số và sức ép từ việc con cái phải chăm lo cho cha mẹ khi nghỉ hưu. Vì thế, Việt Nam với xu hướng hình thành các gia đình nhỏ gia tăng, xu hướng mỗi người phải chuẩn bị cho an toàn tài chính khi nghỉ hưu là tất yếu và phù hợp với xu thế vận động chung của xã hội.

Để hoàn thiện hệ thống an sinh và giảm áp lực cho BHXH Việt Nam, Luật BHXH 2013 đã cho phép hình thành hệ thống an sinh đa trụ cột. Đây là bước phát triển tiệm cận với thực tế đang diễn ra tại đại đa số các nước trên thế giới, với việc cho phép hình thành một trụ cột mới phục vụ cho mục đích gia tăng an sinh hưu trí của người lao động. Mô hình an sinh hưu trí Việt Nam hiện tại đang bao gồm hai trụ cột, trong đó trụ cột thứ nhất là hệ thống BHXH do Nhà nước quản lý và trụ cột thứ hai là hệ thống các chương trình quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện (HTBSTN) do các công ty quản lý quỹ đầu tư tổ chức và quản lý.

Sự khác biệt chủ yếu của hai trụ cột được thể hiện thông qua đặc điểm bắt buộc - tự nguyện và quyền lợi mang lại từ việc tham gia. Quyền lợi nhận được từ quỹ HTBSTN sẽ hình thành từ toàn bộ số đóng góp của người tham gia và hướng tới mục tiêu gia tăng chất lượng sống của người tham gia khi nghỉ hưu; ngược lại các đóng góp vào quỹ BHXH sẽ được san sẻ giữa những người tham gia để có thể phục vụ được số lượng người tối đa với mức lương hưu đủ duy trì cuộc sống ở mức cơ bản. Sự tồn tại của quỹ HTBSTN sẽ hỗ trợ và chia sẻ gánh nặng đối với quỹ BHXH trong tiến trình hướng tới đảm bảo an sinh cho tuổi già an vui. Việc giới thiệu trụ cột thứ 2 cho phép người lao động chủ động hơn khi có thêm các phương tiện để tích lũy có kỷ luật về tài chính cho tuổi già.

Chính vì vậy, sự hình thành hệ thống an sinh hưu trí đa trụ cột là một mốc phát triển trong lịch sử an sinh xã hội Việt Nam.

Thêm kênh đầu tư dài hạn, phát triển thị trường vốn

Hiện nay, Chính phủ cũng đã có các hỗ trợ cho sự phát triển của quỹ HTBSTN thông qua các ưu đãi thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp đối với số tiền của người lao động và người sử dụng lao động đóng góp vào quỹ. Trong dài hạn, tài sản của các quỹ HTBSTN là nguồn đầu tư lớn trên thị trường chứng khoán, góp phần làm gia tăng sự ổn định của thị trường chứng khoán. Sự phát triển của hệ thống quỹ HTBSTN sẽ song hành với gia tăng nhu cầu đầu tư, khi thu nhập trên đầu người vượt trên ngưỡng 5.000 USD/năm, xu hướng đô thị hóa với 50% dân số Việt Nam sống tại các đô thị vào năm 2030 và sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sau 13 năm nghiên cứu, chương trình HTBSTN đầu tiên tại Việt Nam của Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) mang tên Hưu trí An vui đã đi vào hoạt động vào đầu quý II/2021. Chương trình gồm 3 quỹ đầu tư Thịnh An, Phúc An và Vĩnh An được thiết kế đơn giản và phù hợp với mục tiêu tiết kiệm tạo nguồn thu nhập cho tuổi già. Khoản đóng góp của người tham gia được đầu tư và quản lý tuân thủ các quy định của luật pháp và dưới sự giám sát của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Được ra đời sau 5 năm chuẩn bị kể từ ngày có khung pháp lý (2016), kỳ vọng chương trình này mở đường cho các quỹ HTBSTN đi đúng định hướng, hình thành mô hình an sinh xã hội đa tầng. Tiền đầu tư từ các quỹ HTBSTN giúp Việt Nam có thêm kênh đầu tư dài hạn, phát triển thị trường vốn và nguồn vốn này sẽ quay trở lại đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Hưu trí bổ sung tự nguyện gia tăng an sinh xã hội

Hưu trí bổ sung tự nguyện là chương trình được thiết kế và vận hành trên cơ sở tự nguyện nhằm khuyến khích người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động đầu tư, tích luỹ để hưởng và gia tăng thu nhập khi hết độ tuổi lao động. Quỹ này được phát triển rộng rãi ở các nước trên thế giới, tăng cường an sinh xã hội. Đây là sản phẩm tài chính có tính chất đầu tư dài hạn, an toàn cho người lao động khi tham gia. Mô hình được quản lý, giám sát thông qua khung pháp lý công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng tham gia.

Trần Lê Minh (Giám đốc – Dragon Capital Chi nhánh Hà Nội)

© Thời báo Tài chính Việt Nam