Ùn ứ hàng hóa ở Lạng Sơn chưa thể giải quyết dứt điểm

21:06 | 14/12/2021 Print
Ngày 14/12, Bộ Công thương cho biết, tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa nhất là nông sản, trái cây tại các cửa khẩu phía Bắc, nhất là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa thể giải quyết dứt điểm được trong trước mắt. Vì vậy, doanh nghiệp cần có biện pháp điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu phù hợp, hạn chế rủi ro, tổn thất thiệt hại về kinh tế.

Hàng hóa đưa lên cửa khẩu vượt quá năng lực thông quan

Theo khảo sát của Bộ Công thương, hiện nay lượng phương tiện đưa lên cửa khẩu ngày càng nhiều hơn so với năng lực thông quan nên lượng xe còn tồn tại khu vực bến bãi, cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang tăng cao. Tổng lượng xe tồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến sáng ngày 13/12/2021 là 4.304 xe (trong đó: cửa khẩu Hữu Nghị: 1.083 xe, cửa khẩu Chi Ma 747 xe, cửa khẩu Tân Thanh: 2.474 xe).

Trong khi đó, trung bình lượng phương tiện xuất nhập khẩu được thông quan qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn khoảng 825 xe/ngày.

Cụ thể, tại cửa khẩu Hữu Nghị lượng phương tiện xuất nhập khẩu trung bình khoảng 450 xe/ngày (xuất khẩu 120 xe/ngày, nhập khẩu 330 xe/ngày); tại cửa khẩu Tân Thanh lượng phương tiện xuất nhập khẩu trung bình khoảng 300 xe/ngày (xuất khẩu 200 xe/ngày, nhập khẩu 100 xe/ngày); tại cửa khẩu Chi Ma lượng phương tiện xuất nhập khẩu khoảng 75 xe/ngày (xuất khẩu 40 xe/ngày, nhập khẩu 35 xe/ngày).

Ùn ứ hàng hóa ở Lạng Sơn chưa thể giải quyết dứt điểm
Tình trạng ùn ứ hàng hóa ở Lạng Sơn chưa thể giải quyết dứt điểm trong trước mắt. Ảnh: TL

Lý giải về nguyên nhân năng lực thông quan hàng hóa không đáp ứng được yêu cầu, Bộ Công thương cho hay, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các cơ quan quản lý cửa khẩu của cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Cho tới nay, nhờ nỗ lực của cả hai bên, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa về cơ bản vẫn được duy trì nhưng năng lực thông quan chưa được cải thiện nhiều do cả hai bên đều đặt ưu tiên hàng đầu cho các biện pháp chống dịch. Nhân lực tham gia vào quá trình xuất nhập khẩu, vận chuyển, giao nhận, bốc xếp, sang tải hàng hóa tại khu vực cửa khẩu của cả phía Việt Nam và phía Trung Quốc cũng vẫn còn thiếu.

Trong bối cảnh nêu trên, thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương liên quan, chủ lực là lực lượng hải quan theo dõi sát tình hình thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và các động thái của cơ quan quản lý của phía Trung Quốc để có biện pháp điều tiết xuất nhập khẩu hàng hóa.

Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn đang tích cực trao đổi với chính quyền địa phương phía Trung Quốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, nhất là mặt hàng nông sản xuất sang Trung Quốc.

Doanh nghiệp chủ động giải tỏa hàng xuất khẩu

Đánh giá về tỉnh hình thông thương qua biên giới Việt - Trung, ngành công thương cũng cho rằng, trong thời gian tới, dịch Covid-19 được dự báo diễn biến tiếp tục phức tạp, khó lường; một số mặt hàng nông sản Việt Nam vào vụ thu hoạch, khiến cho lưu lượng hàng hóa và phương tiện lên cửa khẩu sẽ tiếp tục còn tăng cao.

Quan ngại hơn nữa là một số hàng nông sản phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu ở địa phương khác nên lượng hàng hóa tập trung về các cửa khẩu Lạng Sơn nhiều. Chính vì vậy, tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa nhất là nông sản, trái cây tại các cửa khẩu phía Bắc, nhất là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa thể giải quyết dứt điểm được trong trước mắt.

Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp đàm phám với phía Trung Quốc để khởi thông dòng chảy thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đã có văn bản khuyến cáo gửi các hiệp hội, ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản và trái cây tươi về những biện pháp cần áp dụng để tránh rủi ro về kinh tế do hàng hóa bị ùn tắc kéo dài.

Theo đó, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động cân nhắc, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu; chủ động có kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.

Chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính…).

Đặc biệt là doanh nghiệp cần đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,… cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài./.

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam