Muốn kinh tế thông, đầu tư công đừng tắc

08:10 | 24/12/2021 Print
(TBTCO) - Có tới 3 nghị quyết, trong đó Nghị quyết 45 - nghị quyết đầu tiên của Chính phủ sau kiện toàn, tháng 4/2021, nêu rõ giải ngân đầu tư công là một trong những trọng tâm điều hành. Đồng thời với việc ra các công điện, Thủ tướng quyết định thành lập 6 Tổ công tác đặc biệt ra sức đốc thúc hàng loạt địa phương giải ngân vốn đầu tư công.

Dẫn dắt làm sao?

Cho đến cuối tháng 9/2021, theo các báo cáo tổng hợp trình Chính phủ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trung bình cả nước đạt tỷ lệ 47%, chỉ có 4 bộ, 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%. 76/114 ban, bộ, cơ quan trung ương, địa phương dưới mức trung bình cả nước, thậm chí có cơ quan chưa giải ngân được đồng nào và có 9 bộ, ngành xin trả lại hơn 8.000 tỷ đồng vốn ODA vì không giải ngân được.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát Khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển  Hải Phòng, ngày 19/12/2021.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát Khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng, ngày 19/12/2021.

Trong công điện phát đi hồi cuối tháng 10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh về việc Chính phủ coi vốn đầu tư công là động lực dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, khơi thông nguồn lực phòng, chống Covid-19, khôi phục kinh tế và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, xử lý ngay vướng mắc để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong hơn hai tháng cuối năm. Cùng với giải ngân vốn công, chất lượng công trình cũng phải được đảm bảo, đi kèm với chống tiêu cực, lãng phí.

Đến hết tháng 10, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chỉ đạt gần 56% kế hoạch 2021 Thủ tướng giao, thấp hơn khoảng 11% so với cùng kỳ 2020. Chỉ còn 60 ngày là hết năm 2021 nhưng vẫn có trên 200.000 tỷ đồng chưa được giải ngân. 16.000 tỷ đồng của 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ được một đồng nào, 56.000 tỷ đồng của các địa phương cũng chưa phân bổ được đồng nào. Đến hết tháng 11, kết quả giải ngân vốn ngân sách nhà nước “nhúc nhắc” đạt được 63,86% kế hoạch Thủ tướng giao và kể từ đó gần như đứng im khi đến trung tuần tháng 12. Kết quả giải ngân đầu tư công của cả nước cũng chỉ đạt gần 64%, có tới 19 bộ và 2 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 30%.

 Đồ họa: Hồng Vân
Đồ họa: Hồng Vân

Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ đặt ra câu hỏi: “Bây giờ doanh nghiệp với người dân đều mong muốn có một gói kích thích mới. Nhưng toàn bộ số tiền chúng ta có mà chưa tiêu hết ở đây thì còn tiêu mới làm sao? Làm sao là động lực dẫn dắt?”. Rõ ràng, muốn kinh tế thông thì đầu tư công đừng tiếp tục tắc giải ngân. Bởi vậy, cùng với việc quyết nghị phần vốn đầu tư công cho năm 2022, QH cũng đã có những yêu cầu rất rõ ràng về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm tới.

Câu chuyện muôn thủa

Hiện, 6 tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, với 6 tổ trưởng là: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã hoàn thành việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/10/2021 dưới 60% kế hoạch được giao. Thông tin từ các tổ công tác cho thấy dù đã ra sức đốc thúc ngày đêm, nhưng tỷ lệ giải ngân của năm nay khó mà đạt được kết quả như năm ngoái.

Giải pháp đặc biệt

Kỳ họp bất thường của Quốc hội (QH) diễn ra vào những ngày tới đây được coi là giải pháp đặc biệt để thông dòng chảy kinh tế, sẵn sàng cho năm mới 2022 bật dậy khi 2/3 nội dung được xem xét tại kỳ họp bất thường này liên quan đến việc “chữa” tắc cho đầu tư công như Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự đã được Ủy ban Thường vụ QH nhất trí bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của QH và sẽ xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn tại kỳ họp bất thường.

Giải thích cho các đại biểu QH tại kỳ họp diễn ra vào tháng trước về các nguyên nhân dẫn đến giải ngân đầu tư công chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng dùng đến cụm từ “câu chuyện muôn thủa”. Theo người đứng đầu ngành Kế hoạch và đầu tư, giải ngân đầu tư công là một vấn đề được rất nhiều đại biểu QH và cử tri cả nước quan tâm và cũng đã được nêu tại rất nhiều các kỳ họp của cả khóa XIV, nhưng vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Tỷ lệ giải ngân vẫn rất thấp, đặc biệt là năm 2021, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Thứ nhất là do công tác chuẩn bị dự án quá kém, chất lượng không cao, chủ yếu mang tính hình thức; sau khi được chấp thuận chủ trương đi vào thực tế thực hiện lại mất rất nhiều thời gian làm lại, điều chỉnh đi, điều chỉnh lại rất nhiều lần. Thứ hai là về giải phóng mặt bằng - câu chuyện muôn thuở mà chưa thể giải quyết ngay được. Nếu các quy định của Luật Đất đai không giải quyết triệt để thì công tác giải phóng mặt bằng cũng không giải quyết được, vẫn bị vướng mắc về nguồn gốc đất đai, giá đền bù, tranh chấp, khiếu kiện, ý thức người dân…

Riêng năm 2021 có thêm các nguyên nhân là bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đã phải giãn cách xã hội, ảnh hưởng rất nhiều. Các vấn đề về nguyên, nhiên vật liệu, nhân công, thiếu lao động, chi phí logistics tăng cao và các nguyên vật liệu cũng tăng cao. Đấy cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; rồi bận vào việc Đại hội Đảng cũng như bầu cử QH và hội đồng nhân dân các cấp…

Từ hạ tới đông

Giải ngân đầu tư công thấp, trách nhiệm ở trung ương hay địa phương là câu hỏi xoay vần từ hạ tới đông ở nghị trường QH năm 2021. Vào tháng 7, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai phát biểu về tư duy ban phát, cơ chế xin - cho dự án, dẫn đến một số dự án đã được phân bổ nguồn lực dự phòng xuất phát từ tính "cấp bách", nhưng cũng chính các dự án đó chỉ sau 6 tháng khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn đã không còn "cấp bách". Bà Mai cho rằng, Chính phủ cần đề cao hơn sự minh bạch, công khai trong thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Tại nghị trường tháng 11, nữ đại biểu lại nêu “khi đi giám sát tại địa phương, chúng tôi được nghe trách nhiệm trong chuyển nguồn rất lớn vốn đầu tư công thời gian qua thuộc về trung ương, nhưng khi làm việc với bộ chủ quản thì chúng tôi lại được nghe nguyên nhân đó thuộc về địa phương”. Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng phản ánh tư duy nhiệm kỳ khiến cho những dự án nhiệm kỳ trước xây dựng do cần thiết, bức xúc, nhưng đến nhiệm kỳ sau lại bị gạt ra. Nhiều đại biểu cho rằng, giải ngân đầu tư công chậm là do trung ương.

“Tôi xin nói lại một lần nữa cho thật rõ vấn đề này để xem nó nằm ở đâu và trách nhiệm thuộc về ai? Hiện trong tay tôi là danh sách của 63 tỉnh, thành về tỷ lệ giải ngân. Nếu đại biểu nào cần làm rõ hơn tại sao ở các địa phương lại chưa giải ngân được thì thật sự là vấn đề nằm ở địa phương” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phúc đáp đại biểu.

Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhìn nhận về việc lập kế hoạch không sát do các địa phương, bộ, ngành thờ ơ hoặc có thể chưa làm hết trách nhiệm, đề xuất ra vốn rất lớn mà trên thực tế không giải ngân được. “Để xảy ra tình trạng này có một phần trách nhiệm của chúng tôi trong rà soát các kế hoạch vốn mà các bộ, ngành và các địa phương có trình lên” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư nói. Ông nói tiếp: “Chúng tôi cũng nể nang, cũng không hết trách nhiệm cứ thế tổng hợp vào rồi đưa lên, cho nên khi số không sát thực tiễn lớn thì gây áp lực do tỷ lệ giải ngân. Chúng tôi xin hứa sẽ cố gắng khắc phục vấn đề này trong thời gian tới”.

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam