Giá cà phê vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

19:53 | 03/01/2022 Print
(TBTCO) - Dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng đến thị trường cà phê trong và ngoài nước. Giá cà phê ngày 3/1/2022 tại thị trường thế giới và trong nước đồng loạt đi ngang.
Giá cà phê ngày 3/1/2022 trụ vững ở mức cao, ở mức 40.700 - 41.500 đồng/kg
Giá cà phê ngày 3/1/2022 trụ vững ở mức cao, khoảng 40.700 - 41.500 đồng/kg

Giá cà phê trong nước giao dịch quanh mức 40.700 - 41.500 đồng/kg

Theo các nhà phân tích thị trường, tại thị trường nội địa, giá cà phê trụ vững ở mức cao, đang dao động trong khoảng từ 40.600 - 41.500 đồng/kg. Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 40.700 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 40.600 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.500 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.400 đồng/kg.

Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 41.400 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 41.300 đồng/kg. Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê được thu mua với mức tương ứng 41.400 đồng/kg. Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.400 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 1/2022 được ghi nhận tại mức 2.488 USD/tấn sau khi giảm 0,08% (tương đương 2 USD). Giá cà phê arabica giao tháng 3/2022 tại New York đạt mức 226,10 US cent/pound, giảm 1,20% (tương đương 2,75 US cent).

Sản lượng hạt cà phê thấp hơn từ nhà sản xuất lớn nhất thế giới Brazil, nơi chiếm 35% tổng nguồn cung toàn cầu, và nhu cầu toàn cầu tăng cao là hai yếu tố có thể khiến giá mặt hàng này tăng vào năm 2022...

Theo các nhà phân tích, giá cà phê tăng cao có thể thúc đẩy sản xuất cà phê ở Colombia, Trung Mỹ và châu Phi, dẫn đến nguồn cung cân bằng hơn. Tuy nhiên, điều này có thể mất nhiều năm mới thành hiện thực. Các nhà phân tích cho biết thêm, các vụ đóng cửa liên quan đến Covid-19 cũng đã làm tăng nhu cầu cà phê toàn cầu, gây thêm áp lực lên giá.

Khuyến khích sản xuất cà phê đặc sản, chất lượng cao

Các chuyên gia nhấn mạnh, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng đến thị trường cà phê trong và ngoài nước. Cuộc khủng hoảng logistics như thiếu container rỗng và không gian trên tàu đã hạn chế sản xuất cà phê năm 2021.

Thông tin thị trường gần đây cho biết một số container bán chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã bị chặn do nước nhập khẩu lấy lý do lo ngại dịch Covid-19 lây lan. Điều này cho thấy các nhà vườn và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê Việt Nam không phải ai cũng gặp khó khăn. Mặc dù giá tham chiếu trên sàn phái sinh tăng cao nhưng tình hình kinh doanh tại Việt Nam lại khá ảm đạm.

Tuy nhiên, dự báo trung hạn, thị trường cà phê thế giới tiếp tục được hỗ trợ bởi báo cáo sản lượng giảm ở nhiều nước trên thế giới và xu hướng tăng giá sẽ kéo dài đến cuối năm 2022.

Đối mặt với tình hình giá cả trong nước trái ngược với thế giới, các nhà sản xuất cà phê đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, đồng thời khuyến khích sản xuất cà phê đặc sản, chất lượng cao và cà phê đặc sản bằng cách thu hái 95 - 100% cà phê chín.

Trong khi các nhà vườn chỉ bán cà phê tại các điểm thu mua xuất khẩu với giá 41 - 42 triệu đồng/tấn thì một số quán cà phê liên kết với các nhà vườn trong nước lại thu mua cà phê được tuyển chọn kỹ lưỡng với giá từ 80 - 100 triệu đồng/tấn; thu hoạch hiện không nhiều, chỉ đạt khoảng 10% trên tổng sản lượng 1,8 triệu tấn, nhưng giá thu mua cao hơn gấp đôi trở lên.

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam