Hà Nội: Hơn 10.000 tỷ đồng bảo đảm an sinh xã hội

10:11 | 08/01/2022 Print
(TBTCO) - Năm 2021, Hà Nội đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách đặc thù, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội với tổng nguồn lực huy động để thực hiện các chính sách đạt hơn 10.000 tỷ đồng.
Hà Nội: Hơn 10.000 tỷ đồng bảo đảm an sinh xã hội
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Diệu Hoa

Chiều 7/1, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” (Chương trình số 08-CTr/TU) chủ trì hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Năm 2021 là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, trong bối cảnh chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, phòng, chống dịch Covid-19, ban hành một số chính sách đặc thù và huy động các nguồn lực để hỗ trợ kịp thời người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, thành phố đã hỗ trợ bằng tiền, giảm tiền điện, nước, hỗ trợ nhu yếu phẩm, máy tính cho học sinh, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu…; quy định mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 cao hơn chuẩn nghèo quốc gia, nâng mức chuẩn trợ cấp bảo trợ xã hội của thành phố cao hơn mức chuẩn trung ương. Đồng thời, mở rộng 3 nhóm đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng và 7 nhóm đối tượng được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội của thành phố; quy định việc ngân sách thành phố bảo đảm toàn bộ chi phí hỏa táng cho người tử vong vì Covid-19...

Bà Bạch Liên Hương - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, năm 2021, chương trình có 6 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch và 21 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của thành phố cuối năm 2021 chỉ còn 0,04%, với 19 quận, huyện không còn hộ nghèo; lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho trên 95% người dân của Hà Nội (đầu nhiệm kỳ chương trình xác định đây là một trong những chỉ tiêu khó thực hiện); tỷ lệ hỏa táng đạt 68%...

Thành phố đã triển khai các đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân với quy mô lớn. Đến nay, hầu hết người dân đã được tiêm 2 mũi vắc-xin (bao gồm cả người cao tuổi, người khuyết tật, tâm thần, người được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trẻ em từ 12 đến 17 tuổi) và đang triển khai tiêm mũi thứ 3.

Đặc biệt, dịch bệnh khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến việc giải quyết các chế độ, quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động; công tác giải quyết việc làm giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2020…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nhận định, sau thời gian ngắn, Chương trình số 08-CTr/TU đã đi vào đời sống và được người dân đón nhận. Để chương trình đạt kết quả, ông Chử Xuân Dũng đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền, định hướng giải pháp cho các địa phương thực hiện. Các sở, ngành cần vào cuộc khẩn trương ngay từ đầu năm 2022 thực chất hơn, đúng tiến độ, giao nhiệm vụ cụ thể, giám sát công việc; đặc biệt là một số mục tiêu, chỉ tiêu về lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng chính sách, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động…

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Chương trình số 08-CTr/TU mang tính nhân văn sâu sắc, tác động đến đông đảo người dân. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, các chỉ tiêu của chương trình cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Trong điều kiện khó khăn do đại dịch Covid-19, thành phố tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, thành phố đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách đặc thù, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội với tổng nguồn lực huy động để thực hiện các chính sách đạt hơn 10.000 tỷ đồng.

Tết Nhâm Dần sắp tới, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, các cấp, các ngành tập trung chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn, người lao động, những gia đình có người mắc Covid-19 để mọi người, mọi nhà đều có tết.../.

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam