Tận dụng thương mại điện tử để gia tăng xuất khẩu sang thị trường Anh

12:42 | 20/01/2022 Print
(TBTCO) - Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho rằng, năm 2022, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng thương mại điện tử để gia tăng xuất khẩu sang thị trường Anh, khai thác lợi thế ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).

Tại hội thảo Hiệp định UKVFTA: Chìa khóa thúc đẩy thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho hay, mặc dù UKVFTA mới được thực thi trong thời gian ngắn (1/5/2021) nhưng thương mại song phương giữa 2 quốc gia đã có những kết quả tích cực.

Trong đó, thương mại song phương đạt hơn 6 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 bên đều tăng ở 2 con số, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng 16,4%, ngược lại xuất khẩu của Anh sang Việt Nam tăng 23,6% so với thời gian trước khi có hiệp định. Song vẫn còn nhiều dư địa để doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Tận dụng thương mại điện tử để gia tăng xuất khẩu sang thị trường Anh
Sản xuất linh kiện điện tử phục vụ xuất khẩu. Ảnh: TL minh họa

Theo ông Lương Hoàng Thái, nếu so với các nước trong khu vực, tiềm năng phát triển hợp tác thương mại, đầu tư ở mức cao hơn nhiều. Bởi, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh mới chỉ chiếm 0,88% trong tổng nhập khẩu vào Anh và ngược lại, hàng hóa xuất khẩu của Anh cũng chiếm phần nhỏ trong lượng nhập khẩu của Việt Nam. Như vậy, dư địa hợp tác phát triển giữa hai bên trong thời gian tới còn rất lớn.

Những cam kết về thương mại điện tử trong UKVFTA hoàn toàn mở ra nhiều phương thức tiếp cận thị trường kiểu mới, không nhất thiết đi qua tiếp cận thị trường truyền thống. Trong năm 2022, Bộ Công thương sẽ có những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh việc ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Thực tế, bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, với mức tăng 53% so với năm 2020 và đang trở thành phương tiện giao dịch phổ biến, lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp và người dân. Trong hai năm qua, Bộ Công thương đã làm việc với các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, Alibaba, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, theo thống kê của sàn thương mại điện tử Alibaba, Anh quốc luôn nằm trong thị trường có lượng người mua nhiều nhất (ngoại trừ hàng nông sản).

Cụ thể, với ngành hàng thực phẩm và đồ uống, thị trường này luôn nằm trong top 10 quốc gia có người mua hàng lớn nhất đối với sản phẩm ngành này. Trong khi đó, ngành hàng đồ may mặc, nằm ở trong top 6 có lượng mua các mặt hàng này; ngành hàng liên quan đến làm đẹp cũng có lượng người mua đứng thứ nhì về các sản phẩm này của Việt Nam. Thương mại điện tử sẽ là kênh giao thương mang lại hiệu quả cho hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2022./.

Phúc Hải

© Thời báo Tài chính Việt Nam