Ngành tài chính

Tiên phong, đột phá ứng dụng công nghệ thông tin

09:35 | 03/02/2022 Print
(TBTCO) - Tài chính là một trong những bộ, ngành tiên phong chủ động triển khai lộ trình chuyển đổi số với các mục tiêu cụ thể về xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở. Tại nhiều cuộc họp, hội thảo, hội đàm về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc luôn nhấn mạnh tới những thành quả mà Bộ Tài chính cũng như các đơn vị hệ thống (thuế, hải quan, kho bạc nhà nước…) đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt là về chuyển đổi số ngành Tài chính.

Những thành quả nổi bật

Trong những năm qua, ngành Tài chính luôn chú trọng, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác quản lý; tập trung triển khai giải pháp chuyển đổi số, từng bước hình thành nền tài chính số Việt Nam vững mạnh, hiện đại.

Tiên phong, đột phá ứng dụng công nghệ thông tin
Hóa đơn điện tử đang được triển khai và hoàn thành trên phạm vi cả nước vào tháng 7/2022.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, các chính sách pháp luật trong lĩnh vực tài chính khi được xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung đã tạo điều kiện thuận lợi, dành nhiều ưu đãi cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến. Triển khai nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành kế hoạch hành động của Bộ Tài chính về triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Đồng thời, Bộ Tài chính cập nhật các nội dung, định hướng của Chính phủ vào Kế hoạch 5 năm ứng dụng công nghệ thông tin ngành Tài chính giai đoạn 2021 - 2025 và dự thảo chiến lược tài chính giai đoạn 2021 - 2030.

Bộ Tài chính cũng đã ban hành kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số. Bên cạnh đó, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các giao dịch điện tử, giao dịch số trên môi trường mạng, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nghị định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; nghị định quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ; nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan điện tử,…

Từ thực tế kết quả công việc đã làm cho thấy, đến nay hệ thống cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý đã cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất trong triển khai tài chính số, các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch để hình thành lên hệ sinh thái số trong ngành Tài chính.

Tạo bứt phá về ứng dụng công nghệ thông tin

Trên nền tảng pháp lý như vậy, ngành Tài chính đã ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào công tác quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Đến nay, Bộ Tài chính đã triển khai có hiệu quả nhiều công nghệ mới, công nghệ lõi như: công nghệ di động, công nghệ phân tích dữ liệu lớn, công nghệ điện toán đám mây trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Bộ Tài chính đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để triển khai cung cấp hệ thống hỏi đáp chính sách tài chính tự động trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính. Qua đó đã rút ngắn được thời gian trả lời, giải đáp các vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về cơ chế chính sách thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được nghiên cứu, xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn từng bước đáp ứng được yêu cầu thông tin dữ liệu, phục vụ quản lý, điều hành và hoạch định chính sách của ngành Tài chính.

Các nền tảng phát triển chính phủ điện tử/chính phủ số, thực hiện chuyển đổi số được quan tâm và tích cực triển khai thực hiện. Bộ Tài chính đang thực hiện các thủ tục xây dựng nền tảng điện toán đám mây ngành Tài chính và trong tương lai sẽ tích hợp với điện toán đám mây của Chính phủ. Các hệ thống thông tin lớn, cốt lõi của ngành Tài chính (Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính; Hệ thống thanh toán điện tử liên kho bạc, thanh toán liên ngân hàng, thanh toán song phương với các ngân hàng thương mại; Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia; Hệ thống kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử…) đang được ngành Tài chính nghiên cứu để triển khai xây dựng thế hệ mới, áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hướng tới mục tiêu đến năm 2025, một số lĩnh vực trọng yếu của ngành Tài chính cơ bản hoàn thành việc xây dựng chính phủ số.

Kết quả ứng dụng CNTT của Bộ Tài chính đã mang lại sự cải thiện đáng kể trong công tác quản lý tài chính ngân sách theo hướng hiện đại, từng bước tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát tài chính, góp phần quan trọng trong thúc đẩy cải cách thể chế, cải cách hành chính, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ... tăng độ chính xác, tính kịp thời và minh bạch trong báo cáo tài khóa, kế toán và thống kê ngân sách nhà nước.

Những nỗ lực, kết quả trong xây dựng bộ tài chính điện tử hướng tới bộ tài chính số trong suốt những năm vừa qua đã được đánh giá, ghi nhận bằng kết quả là 8 năm liên tiếp từ 2013 đến nay Bộ Tài chính đứng đầu Bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam (Vietnam ICT Index) của khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Tại hội thảo trực tuyến công bố báo cáo kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 (DTI 2020) và thúc đẩy cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4, diễn ra vào tháng 10/2021, Bộ Tài chính đã vinh dự đứng ở vị trí “quán quân” về mức độ chuyển đổi số năm 2020 trong 18 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công.

Ngành Tài chính tiên phong, đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, quản lý nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp, vì vậy Bộ Tài chính luôn coi trọng công tác cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi giao dịch. Trong năm 2021, Bộ Tài chính đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) 2020, đóng góp vào thành tích 7 năm liên tiếp (từ 2014 - 2020) Bộ Tài chính đứng trong nhóm 3 Bộ đứng đầu về Par Index.

Cũng trong năm 2021 (ngày 19/10/2021), lần đầu tiên Bộ Tài chính được vinh danh xếp vị trí thứ Nhất về mức độ chuyển đổi số năm 2020 (với giá trị DTI 0,4944) trong 18 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công. Ngoài ra, năm 2021, Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Vietnam ICT Index (chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin) khối các bộ, ngành do Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam đánh giá và công bố. Đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp (từ 2013 - 2020), Bộ Tài chính giữ vững ngôi vị này.

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam