Một năm chèo lái tài tình “con thuyền” ngân sách

06:10 | 02/02/2022 Print
(TBTCO) - 2021 là năm đầy thử thách đối với ngành Tài chính. Với bản lĩnh, kinh nghiệm điều hành, Bộ Tài chính đã nỗ lực rất lớn để làm tốt hai nhiệm vụ cùng một lúc, vừa thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, vừa đảm bảo kinh phí cho hoạt động của bộ máy và phòng, chống dịch. Có thể nói, đây là một năm chèo lái tài tình “con thuyền” ngân sách.

“Khoan thư sức dân” nhưng vẫn đảm bảo cân đối ngân sách

Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ liên quan đến điều hành chính sách tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính đã chủ động trong điều hành, để đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách, đáp ứng các nhiệm vụ chi trong dự toán, chi cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh và chi an sinh xã hội. Trong đó, phải khẳng định rằng, việc thực hiện các nhiệm vụ thu rất quan trọng để từ đó có nguồn chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp cũng đang phải căng mình chống chọi với dịch bệnh. Lời giải cho bài toán khó đó chính là phải thực hiện “khoan thư sức dân” mà vẫn đảm bảo cân đối ngân sách, làm được điều đó nghĩa là Chính phủ, Bộ Tài chính đã phải rất nỗ lực trong điều hành. Các đề xuất về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí sẽ khiến ngân sách bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã chủ động lên phương án các kịch bản về điều hành chính sách tài chính trình Chính phủ. Trong đó, kết hợp các giải pháp điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, với chính sách tiền tệ hợp lý, để giúp cân đối ngân sách đảm bảo, bội chi ngân sách giữ được mức Quốc hội quy định.

Nguồn: Bộ Tài chính								                       Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu, chi, cân đối ngân sách nhà nước năm 2021. Để ứng phó với dịch bệnh, từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất năm 2020 và 2021 hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất mà Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 138 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, các chính sách tài khóa đã phát huy những tác động tích cực, giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn trong dịch bệnh.

Đảm bảo thu để đáp ứng nhiệm vụ chi

Đến hết tháng 11/2021, ngành Tài chính đã thu vượt dự toán NSNN đề ra. Những lo lắng từ đầu năm đã được hóa giải. Dù khó khăn đến đâu, ngành Tài chính vẫn phải đảm bảo thu đạt dự toán, từ đó mới có nguồn cho các nhiệm vụ chi trong dự toán. Đó là chưa kể năm 2021 dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, cần nguồn tiền rất lớn để phòng chống dịch cũng như mua vắc-xin tiêm cho người dân.

Hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện tốt công tác quản lý thu

Bên cạnh tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã thực hiện tốt công tác quản lý thu ngân sách. Trong đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; chống chuyển giá, trốn lậu thuế; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế. Để đảm bảo cân đối ngân sách, Bộ Tài chính đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế. Tập trung sửa đổi bổ sung chính sách thu hợp lý, nuôi dưỡng nguồn thu, quản lý các nguồn thu tiềm năng như thu từ thương mại điện tử; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và thu hồi nợ thuế...

Dịch Covid-19 đã “ngốn” một số lượng rất lớn tiền từ ngân sách. Tính đến hết tháng 11/2021, NSNN đã chi hơn 56 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. Các địa phương đã chi từ ngân sách địa phương gần 31 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Chính vì xác định cần số lượng kinh phí lớn cho phòng chống dịch, cũng như đảm bảo nguồn cho các nhiệm vụ chi trong dự toán, do đó, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp để đảm bảo hoàn thành dự toán NSNN được giao.

Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung kiểm soát dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy và phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, qua đó tạo thêm nguồn thu cho NSNN.

Cùng với các giải pháp nhằm thu đúng, thu đủ về NSNN, Bộ Tài chính đã chủ trương thực hiện triệt để tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, triệt để tiết kiệm các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Nhờ đó, có thêm nguồn lực để thực hiện chính sách tài khóa được đánh giá là hết sức nhân văn, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp lúc họ cần đến nhất, để doanh nghiệp có thêm cơ hội trở lại tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bản lĩnh trong gian khó

Trong hoàn cảnh khó khăn, Chính phủ quyết định “chỉ vay trong khả năng trả nợ và chi trong khả năng của nền kinh tế”. Có nghĩa sẽ tiếp tục căn cơ hơn nữa trong cân đối thu - chi ngân sách.

Muốn có tiền chi tiêu thì phải đảm bảo các nguồn thu trong dự toán. Trong rất nhiều chỉ tiêu về tài chính - NSNN thì việc phấn đấu thu đạt và vượt dự toán NSNN luôn được Bộ Tài chính coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, việc đảm bảo thu đạt và vượt dự toán trong những năm gần đây, đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát là một thách thức lớn đối với ngành Tài chính.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kiên định mục tiêu đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khó khăn. Cũng vì thế, các chính sách tài khóa thời gian qua đã tập trung vào các gói chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp.

Như vậy, khó khăn chồng chất khó khăn. Nỗi lo thu ngân sách bị sụt giảm chưa vơi thì lại phải giãn, giảm thuế, phí. Đợt dịch thứ 4 bùng phát ảnh hưởng hết sức nặng nề và nghiêm trọng hơn những dự báo trước đó. Số ca nhiễm tăng cao và những khu vực trọng điểm kinh tế đều bị ngưng trệ, sản xuất kinh doanh bị gián đoạn. Đáng lo nhất là 23 địa phương thực hiện giãn cách trong một thời gian dài có số thu chiếm 70% tổng thu NSNN là một thách thức rất lớn đối với ngành Tài chính. Trong bối cảnh đó, bản lĩnh trong điều hành đã được khẳng định khi Bộ Tài chính đã đề ra nhóm giải pháp đồng bộ, linh hoạt, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021, cũng như “mục tiêu kép” của Chính phủ - vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Tuy nhiên, áp lực và thách thức trong thời gian tới đối với ngành Tài chính cũng còn rất lớn. Nhiều ý kiến đề nghị các chính sách về miễn giảm cũng cần phải cân nhắc đến thời gian thực hiện, không nên quá kéo dài; đồng thời, hạn chế tối đa lồng ghép các chính sách an sinh xã hội trong các luật về thuế, các chính sách ưu đãi ảnh hưởng đến thu ngân sách. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách, cần “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu thường xuyên, mạnh tay cắt giảm, thu hồi các khoản chi không cần thiết, chậm triển khai thực hiện...

Dưới tác động của dịch Covid-19, tình hình kinh tế của Việt Nam cũng như nhiều nước chịu ảnh hưởng nặng nề, Bộ Tài chính đã, đang và sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ, Quốc hội có những điều chỉnh hợp lý về chính sách tài khóa, hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội. Tin tưởng rằng, những chính sách tài khóa vì dân sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, là bệ đỡ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, tạo đà cho thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn mới này.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam