Chuyện tiền nong ở Trường Sa

09:01 | 29/01/2022 Print
Chúng tôi gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa khi Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin: Cơn bão Rai - cơn bão số 9, cuối năm, đang vào biển Đông gây mưa to, sóng lớn. Từ quần đảo Hoàng Sa đến Trường Sa biển động dữ dội, tầm nhìn xa trên 10 km.

Gặp chúng tôi, vào chuyện, anh nói ngay, những hôm trời bão, lính Trường Sa, nhất là lính nhà giàn vất vả lắm. Vất vả hơn những lời vất vả. Bây giờ phương tiện, hạ tầng căn bản hơn nhiều lần so với ngày mình lần đầu đặt chân ra đảo đầu năm 1976, nhưng giữa mênh mông trời nước, đối diện với những cột sóng bập bùng, trời và biển trắng xoá một màu, gió rít từng cơn, liên hồi, sức người mãi chỉ là hữu hạn, vô thường, mong manh, chỉ có nghị lực, ý chí là hiện hữu, vĩnh hằng.

Duyên với biển

Hồi đó, mình chưa phải là lính hải quân, ra đảo chỉ để sống với lính trong lúc chờ Trường viết văn Nguyễn Du khai giảng và nhập học. Không rõ thế nào, học viên tập trung về Hà Nội theo quyết định triệu tập đã đông, mấy tuần rồi mà chương trình học chưa định hình, ngày khai trường mù mịt, thế là anh em chia nhau từng nhóm đi khắp nơi.

Trong lúc chờ, mình đăng ký tham gia đoàn đi Trường Sa. Đây là đoàn công tác dân sự được coi là đầu tiên ra đảo, tính từ ngày đất nước thống nhất, ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp các quản đảo, quần đảo. Ăn cùng lính, sống cùng lính, gừng cay muối mặn ta cùng bên nhau. Hồi đó, mọi thứ thiếu thốn, ngay cả cuốn lịch cũng không có, để biết ngày, tháng, cứ mỗi lần có bóng đá, nghe bình luận viên Hoài Sơn, Đình Khải tường thuật trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam mới biết đó chiều chủ nhật. Vậy thôi. Mà chủ nhật nào cơ chứ? Vả lại, chủ nhật ở nghìn trùng biển khơi có nghĩa gì, chẳng khác chi ngày thường. Lính hôm nào không canh đảo, tuần tra, làm gì có ngày nghỉ cuối tuần.

Chuyện tiền nong ở Trường Sa
Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Sống ở Trường Sa dễ nhận ra, quần đảo có hai mùa rõ rệt, mưa và nắng. Vào mùa hè, từ 4 - 5 giờ mặt trời mọc. Mùa mưa, bão, rất khổ như mình đã nói, còn mùa nắng thì kinh chẳng kém. Nắng hoà với gió mặn của biển cháy da người. Hồ ấy, chim biển nhiều vô kể. Chim đậu trên vai, trên đầu, ỉa trên áo, chui vào chăn người lính, gây bao phiền phức, còn đảo thì toàn đá, cây cối mọc lưa thưa, chỉ có cây hoang mang tên Phong ba là có chút ít của màu xanh.

Sau lần sống với Trường Sa xa xôi, 6 tháng sau, mình trở về Hà Nội, tuy vậy, khoá học vẫn chưa khai giảng. Nhân duyên, thế là bù vào, mình tham gia học trường sỹ quan lục quân, hoàn tất văn bằng đại học, ra trường nhận công tác về Bộ Tư lệnh Hải quân. Cuộc đời mình gắn với biển, với Trường Sa thân yêu bắt đầu như vậy đó.

Từ khi trở thành người lính biển chính thức, mình ra Trường Sa nhiều lần, mỗi lần mang theo những nỗi niềm chung riêng, cảm nhận sự vật con người ở Trường Sa thay đổi từng ngày. Tuy vậy sự vất vả của người lính đảo, nhất là lính nhà giàn cùng lòng kiên trung của họ vẫn vẹn nguyên. Mình đã viết về những người lính đảo, đảo chìm sau lần đầu ra đảo và những lần sau đó trong cuốn “Trường Sa, tuyển tập thơ văn và bạn đọc với đảo chìm”, Nhà xuất bản Văn học phát hành 2014, nói thay nhiều điều. Mọi thứ được viết trong đó là chân thật như hạt lúa, hạt gạo. Hạt gạo làng ta.

Trò chuyện đến đây, Nhà thơ Trần Đăng Khoa dừng lại một lát vì có vài việc của cơ quan Hội Nhà văn mà anh là Phó Chủ tịch cần làm, liên quan tới thu chi công tác phí gì đó. Đoán thế, bởi khi trở lại trở lại câu chuyện đang dang dở anh kể về chuyện tiêu tiền ở Trường Sa cho chúng tôi nghe.

Lương, phụ cấp và đống tiền giữa biển

Hồi đó, đi Trường Sa mình có phụ cấp công tác. Giống như những người lính ở đây, ai cũng có phụ cấp, lương theo cấp bậc, chức vụ với hệ số nhân đôi. Đại để là vậy. Tuy lương, phụ cấp người lính biển có cao hơn so với lính ở đất liền nhưng ngoài đó lương cao cũng như lương thấp vì chẳng có gì để tiêu, mua, sử dụng. Người lính vô sản thuần chất, tài sản chỉ có bộ đồ và cây súng. Vào mùa bão, lính nhà giàn, đảo chìm ướt sũng suốt ngày, không một bóng người nên mặc hay không mặc quần áo cũng vậy, đôi khi bộ đồ cũng là chướng ngại. Ngày lính nhận lương, phụ cấp nhờ đơn vị chuyển gửi cho gia đình, vợ con.

6 tháng ở Trường Sa mình cũng nhận được tiền công tác như những người lính nhưng vì lúc bấy giờ chưa có gia đình riêng nên gửi hết cho mẹ. Và, có lẽ không chỉ người lính, những người ở biển, bám biển dài ngày chuyện tiêu tiền không phải là việc cần, chẳng mấy ý nghĩa.

Chuyện tiền nong ở Trường Sa
Đảo An Bang, quần đảo Trường Sa. Ảnh: Trần Tiến San

Có lần một người lính canh giữ nhà giàn trong lúc giặt chăn không may bị sóng cuốn trôi. Chúng mình chia nhau từng nhóm đi tìm khắp nơi, ngày nọ kế tiếp ngày kia. Mình và đại tá Nguyễn Văn Định - Trưởng phòng Tuyên huấn Hải quân cùng một số anh em khác nữa chung một nhóm.

Chúng tôi đi tìm rất xa, xa lắm, cuối cùng đặt chân lên một hòn đảo đá. Đảo không có người ở. Một vách đá sừng sững như tường thành. Nép bên vách đá là ngôi miếu thờ, chẳng biết xây dựng từ đời nào, xi măng trát tường đã tróc. Trời đang nắng chang chang nhưng trong miếu vẫn lạnh toát, ẩm tối, lủng lẳng những hình nhân, giấy xanh, giấy đỏ. Đặc biệt, trên bàn thờ, tiền ở đâu nhiều vô kể, tiền các nước trên thế giới, xấp này chồng lên xấp kia. Đây là tiền thật không phải tiền âm phủ. Trong đống tiền ấy có cả tiền miền Bắc, tiền miền Nam dưới chế độ Sài Gòn, tiền các nước Đông Nam Á, nhiều nhất vẫn là USD. Có đến mấy lớp tiền chồng lên nhau, riêng lớp tiền dưới cùng theo thời gian đang ẩm mốc, mủn ra. Có lẽ tiền này do những người đánh cá, dân chài tình cờ vào đảo, cúng tạ.

Đại tá Định bảo tôi, đây quả là một gia tài lớn, để như thế này phí quá. Tôi bảo anh Định, hay là ta mang số tiền này về, nhất là USD cho một trại trẻ mồ côi nào đó. Nhiều người dân mình vẫn còn kham khổ, khốn khó đang cần tiền. Anh Định cũng có ý nghĩ như tôi nhưng khi bắt đầu chuẩn bị thu gom số tiền còn mới, có thể tiêu xài được, bỗng dưng gió từ đâu rú lên từng hồi trong các hốc đá sau miếu, như tiếng kêu thét của lớp lớp quần sanh. Ngoài trời, biển mịt mù sóng, con tàu lấp liếng chao lắc trông mỏng manh như một chiếc vỏ đỗ. Sóng ào ào ném lên mép cát những mảnh vỡ của tàu, buồm rách nát cùng các loại vỏ sò, vỏ ốc trong đó có những đôi dép của trẻ con, người lớn, có cả xương người.

Tôi dừng tay thu gom. Thấy vậy anh Định hỏi tôi có tiền không, có mang theo tiền không? Bất ngờ bởi câu hỏi, tôi lúng túng, bởi đi biển đặc biệt ở Trường Sa có tiêu gì đâu mà mang theo tiền. Tuy biết chẳng có đồng nào song anh Định vẫn lục hết túi này đến túi nọ, rồi móc ra một bao thuốc lá đang hút dở, không nhớ rõ Điện Biên, Tam Đảo gì đó đặt lên bệ thờ. Tôi rùng mình, mồ hôi túa ra lạnh ngắt. Tôi không có tiền và cũng không có thuốc lá để làm theo, bắt chước người sỹ quan, tôi nghiêm trang, trịnh trọng đặt cây bút, cuốn sổ và chiếc đồng hồ lên bệ thờ, cầu mong cho tôi được tìm thấy người bạn bị sóng cuốn trôi mấy ngày nay. Lúc đó, đồng hồ chỉ 13h17 phút ngày 17 tháng 6 năm 1981.

Câu chuyện của chúng tôi dừng ở đây. Từ cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội nhìn ra công viên, lá vàng rơi nhiều, có vài chồi non hé mọc từ đêm qua trên nền cũ kỹ của lá già. Chốc chốc những cơn gió cuối mùa nhẹ nhẹ cuốn tròn những cụm lá khô dạt vào sân như những đợt sóng vỗ bờ, miên man. Mùa xuân đến rồi. Năm mới kính chúc Nhà thơ sức khoẻ.

Trần Đăng Khoa được nhiều người biết đến là thần đồng thơ. Lên 8 tuổi, có thơ đăng báo, lên 10, được nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản tập thơ đầu tiên. Tác phẩm được nhiều người biết những năm ấy qua radio là bài "Hạt gạo làng ta", sáng tác năm 1968, , phổ nhạc năm 1971.

Tháng 2, năm 1975, khi đang học lớp 10, nhà thơ đăng ký nhập ngũ. Đất nước thống nhất, được cử đi học nhiều nơi, từ trường quân sự lục quân, trường Viết văn Nguyễn Du, Viện Văn học Thế giới Macxim Gorki, Nga.

Năm 2004, từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội anh chuyển sang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam làm Phó Trưởng ban, sau đó là Trưởng ban Văn học Nghệ thuật, cuối cùng là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngoài những tác phẩm thơ đầu đời, “ Từ góc sân nhà em”, "Góc sân và khoảng trời” Nhà thơ có những tác phẩm nổi bật, như “Đi đánh thần Hạn”, trường ca, 1970; “Thơ Trần Ðăng Khoa”, tập 1, 1970; tập 2,1983. “Trường ca Trừng phạt”, 1973; “Khúc hát người anh hùng”, trường ca, 1974; Trường ca Giông bão, 1983; “Bên cửa sổ máy bay”, 1986; “Chân dung và đối thoại”, tiểu luận phê bình; “Đảo chìm”, tập truyện - ký, 2000; “Hầu chuyện Thượng đế”, đàm thoại văn học, 2015.

Đà Đông

© Thời báo Tài chính Việt Nam