Hơn nửa nhiệm kỳ qua, đất nước phải vượt qua nhiều sóng gió. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa- ngân sách nhà nước một cách linh hoạt, tài tình khi vừa hỗ trợ được cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách, kéo giảm bội chi và nợ công… làm cho tiềm lực tài chính quốc gia ngày càng vững mạnh. |
Đất nước ta đang sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới. Nền kinh tế đã phục hồi ngoạn mục sau thời điểm dịch Covid-19. Kết quả đó có sự đóng góp rất quan trọng của công tác quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa của Chính phủ, Bộ Tài chính. Việc thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt, mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm thời gian qua đã hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi trở lại của kinh tế. Chính sách tài khóa được ví như bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế quả không sai khi thời gian qua, trước thách thức chưa từng có trong tiền lệ, Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Minh chứng là chỉ số tăng trưởng về cơ bản, năm sau cao hơn năm trước, tháng sau cao hơn tháng trước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2020 đạt 2,91%, mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm 2011-2020, song thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Năm 2021, kinh tế Việt Nam đã cán đích với mức tăng trưởng GDP là 2,58%. Năm 2022, do Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách phù hợp, kinh tế đã có bước phục hồi tích cực, GDP tăng ở mức 8,02% so với năm 2021, cao nhất trong 10 năm qua. Năm 2023, GDP năm 2023 tăng 5,05% so với năm 2022, cao hơn tốc độ tăng của năm 2020 và 2021 - thời điểm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. 9 tháng năm 2024, GDP tăng 6,82%, là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh khó khăn vẫn chưa vơi. Điều đáng nói là trong nhiệm kỳ này (2021-2026), 3 năm liên tục vượt thu ngân sách nhà nước trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Để làm được điều đó, Bộ Tài chính đã có những sáng tạo, sáng kiến thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) được giao mà không “tận thu”, không ảnh hưởng tới sức khỏe của doanh nghiệp, trong khi vẫn thực hiện đều đặn “khoan thư sức dân”. Kết quả thu đạt và vượt dự toán đã minh chứng cho những nỗ lực đó. Liên tục trong 3 năm 2021, 2022, 2023 thu ngân sách nhà nước đều vượt dự toán. Thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 1.591,5 nghìn tỷ đồng, vượt 17,2% (233,3 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Năm 2022 tổng thu ngân sách đạt 1.820,3 nghìn tỷ đồng, bằng 128,6% dự toán, tăng 14,4% so với năm 2021. Năm 2023 tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.754,1 nghìn tỷ đồng, bằng 108,2% dự toán. |
Năm 2024 là năm thứ 5 liên tiếp, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Tổng quy mô gói hỗ trợ trong 5 năm (tính cả năm 2024) ước lên tới gần 900 nghìn tỷ đồng. Trong đó, phải kể đến một số chính sách hỗ trợ tài chính tiêu biểu như: giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm mạnh từ 10-50% của 36 khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính… Các chính sách này được thực hiện đến hết năm 2024. Có cái nhìn bao quát về những “việc làm được” của Bộ Tài chính, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đã đánh giá cao Bộ Tài chính. Đại biểu nhận định: “Trong hoàn cảnh khó khăn, dịch bệnh, các kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn và hàng năm đều được triển khai thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Bộ Tài chính đã rất nỗ lực để thực hiện các mục tiêu đó. Đồng thời, đảm bảo các nhu cầu chi định kỳ và đột xuất; điều hành bội chi thấp hơn dự toán; nợ công, nợ Chính phủ nằm trong giới hạn an toàn; dư địa cho chính sách tài khóa được triển khai tích cực, hiệu quả”. Trao đổi với phóng viên TBTCVN bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính vì doanh nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Để cân đối ngân sách và không ảnh hưởng tới nhiệm vụ thu NSNN, Bộ Tài chính đã khéo léo trong điều hành. Ví như việc giãn thuế, trong các gói hỗ trợ thuế, thì số tiền gia hạn thuế luôn là lớn nhất, lên tới hơn trăm nghìn tỷ đồng. Có đại biểu cho rằng, việc gia hạn thuế còn có tác dụng lớn hơn cả gói giảm lãi suất, vì đây thực chất là một khoản vay 0% mà Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp có thêm nguồn vốn đầu tư trở lại sản xuất kinh doanh, có lãi, từ đó có nguồn đóng góp trở lại NSNN.
|
Chính sách đi vào cuộc sống, góc nhìn dễ thấy nhất đó là từ phía doanh nghiệp. Tại Công ty TNHH Lam Sơn, doanh nghiệp chuyên về sản xuất phụ tùng cho ô tô, xe máy. Từ năm 2020 cho đến nay, doanh nghiệp đã liên tục được thụ hưởng chính sách gia hạn nộp thuế, với số tiền trên 20 tỷ đồng. Nhờ số tiền này mà doanh nghiệp có thêm số vốn tạm thời để sản xuất kinh doanh. Hơn 4 năm qua, doanh nghiệp đã sử dụng số tiền từ gia hạn nộp thuế chưa phải đóng ngay, để mỗi năm sắm sửa thêm 1 con robot, để tăng năng suất lao động. Thông tin trên được ông Đặng Thế Nguyện - Giám đốc Công ty TNHH Lam Sơn chia sẻ với phóng viên. Ông cũng cho biết thêm: "Doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do đại dịch Covid-19. Để giúp chúng tôi vượt qua, những chính sách miễn, giảm, giãn các loại thuế của Chính phủ là hết sức kịp thời. Chúng tôi đã có thêm nguồn vốn, thêm dư địa để đầu tư trang thiết bị. Trong đó có trang thiết bị tự động hóa, giảm sức lao động cho công nhân. Hưởng lợi từ chính sách gia hạn thuế hơn 4 năm qua, Lam Sơn chúng tôi đã đầu tư được 5 con robot, năng suất tăng từ 1,7-1,8 lần so với trước. Và thu nhập của người lao động cũng được nâng lên”- ông Nguyện cho hay. Cũng lấy nguồn tiền được gia hạn thuế, Công ty In bao bì VPC, Hà Nội mua máy móc đầu tư trở lại phục vụ sản xuất. Việc gia hạn các loại thuế trong hơn 4 năm qua đã giúp doanh nghiệp được sử dụng hơn chục tỷ đồng chưa phải nộp ngay để đổi mới trang thiết bị, ví dụ như chiếc máy in 6 màu được doanh nghiệp nhập về từ Nhật Bản với giá 36 tỷ đồng. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hồng - Giám đốc Tài chính của VPC, sau khi nhập máy in về, đơn hàng đã tăng lên rất nhiều. Nếu doanh thu năm 2023 đạt 188 tỷ đồng thì năm 2024 dự kiến sẽ đạt 200 tỷ đồng. Theo đó, số thuế giá trị gia tăng công ty nộp thêm vào ngân sách sẽ là 3 tỷ đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng lên 1,5 tỷ đồng. Còn các hộ kinh doanh, vốn mỏng thì với họ mọi sự hỗ trợ dù chỉ là nhỏ nhất cũng đáng quý. "Trong lúc khó khăn, Chính phủ cho giảm nhiều loại thuế, phí thì bà con rất phấn khởi. Một quý cũng nộp khoảng mười mấy triệu, vì đang khó khăn mà lo nộp thuế cũng là vấn đề", bà Nguyễn Thị Tuyết - Hộ kinh doanh tại TP. Hà Nội chia sẻ. |
|
Bệ đỡ cho tăng trưởng là tài khóa nhưng cần sự đồng hành của các chính sách khác Ứng phó với một số cuộc khủng hoảng, để hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính đã theo dõi chặt chẽ tình hình và chủ động đề xuất các biện pháp để tăng cường tác động của các chính sách tài khóa. Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả trong dài hạn, điều quan trọng là phải tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nhờ cam kết của chính quyền về kỷ luật tài khóa, nợ công và nợ được bảo lãnh công đã giảm từ 55% GDP năm 2016 xuống còn khoảng 36% GDP năm 2023. Kết quả là, hiện nay Việt Nam có không gian tài khóa để tài trợ cho các dự án đầu tư quan trọng của quốc gia và khu vực có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các biện pháp tài khóa đã có tác động mạnh mẽ hỗ trợ tăng trưởng thời gian qua. Tuy nhiên, chính sách tài khóa phải có sự đồng hành của các chính sách khác để cùng làm “phao cứu sinh” cho nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn. Một gói chính sách toàn diện - bao gồm các chính sách tài khóa, tiền tệ, tài chính và cơ cấu - là cần thiết để hỗ trợ hiệu quả cho lộ trình tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế Việt Nam. |
Thời gian qua, dưới sự điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp khá nhịp nhàng với các bộ, ngành khác trong việc tham mưu và triển khai thực hiện các chính sách, phát huy tác dụng tương đối tốt trong việc hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vì một số lý do cả chủ quan lẫn khách quan, nên một số chính sách chưa thực sự phát huy tác dụng tốt như: chính sách phát triển thị trường vốn, lãi suất; phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy đầu tư công ở một số ngành, lĩnh vực... Trả lời phỏng vấn TBTCVN, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Văn Hiến cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc áp dụng chính sách tài khóa mở rộng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, chính sách tài khóa chỉ thực sự phát huy tốt tác dụng khi được triển khai đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách tiền tệ, thông qua công cụ lãi suất và hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ thị trường vốn…; thu hút vốn trong, ngoài nước; đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư công. Trong câu chuyện với phóng viên TBTCVN, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, về lâu dài các gói hỗ trợ tài khóa cũng cần phải tính toán thận trọng hơn. Bởi trên thực tế, các chính sách tài khóa đã trực tiếp đi vào cuộc sống, doanh nghiệp cũng như người dân được thụ hưởng, về lâu dài cần cân nhắc tránh ảnh hưởng tới mục tiêu cân đối ngân sách. Những hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cũng được nhiều chuyên gia của các tổ chức quốc tế có uy tín khuyến cáo lâu nay. Theo đó, Việt Nam nên hạn chế tối đa lồng ghép các chính sách về xã hội trong chính sách pháp luật về thuế. Trên thực tế, theo Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025, Bộ Tài chính đặt mục tiêu này, tuy nhiên quá trình thực hiện còn tùy vào diễn biến thực tế khi nền kinh tế, doanh nghiệp cần, Chính phủ phải “dang tay” giúp đỡ. Như đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, đặt mục tiêu sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi thuế không còn phù hợp; hạn chế tối đa lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế, đảm bảo tính trung lập để áp dụng ổn định trong trung và dài hạn. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt hoàn thành các nhiệm vụ. Bộ Tài chính chủ động lên các phương án, kịch bản về chính sách tài khóa trình Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện linh hoạt, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, chi ngân sách hiệu quả, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Năm 2025 và những năm tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới khó khăn và thuận lợi đan xen. Kinh tế trong nước đang dần hồi phục và dự kiến sẽ lấy lại đà tăng trưởng từ năm 2025. Tuy nhiên, vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, kể cả thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước. Do đó, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm trong ngắn hạn và thực hiện chính sách tài chính bền vững trong dài hạn. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nói, thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước cũng đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, do đó đòi hỏi toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc để cùng đoàn kết, quyết tâm đưa đất nước ta phát triển. Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa vẫn phải cùng lúc thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng là vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia./. |
Minh Anh Đồ họa: Hồng Vân |