Longform
Chính sách tài khóa - “Chìa khóa” thành công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội

19:30 | 06/04/2022

Có thể nói, thời điểm đầu năm 2022 khi chúng ta đã hoàn thành mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, đây chính là “thời điểm vàng” để tiếp tục thực hiện một chương trình với quy mô lớn nhằm phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Trong đó, chính sách tài khóa với quy mô chiếm tới 83% tổng gói hỗ trợ, được cho là “chìa khóa” để thực hiện thành công Chương trình này.
Chính sách tài khóa “chìa khóa” thành công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội
Chính sách tài khóa “chìa khóa” thành công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội

Đại dịch diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế- xã hội trong suốt 2 năm qua. Triển khai các kết luận của Hội nghị lần thứ 3 và 4 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Chính phủ, báo cáo các cấp thẩm quyền, trình Quốc hội phê duyệt Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Các chính sách nêu trên nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, không để lỡ nhịp đà phục hồi của kinh tế thế giới cũng như ổn định kinh tế trong trung và dài hạn.

Trọng tâm giải pháp mà Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội đưa ra có 5 lĩnh vực chính: mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó triển khai miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Toàn bộ Chương trình thực hiện trong 2 năm (2022-2023). Chương trình đòi hỏi rất lớn cả về quy mô và thời gian thực hiện.

Chính sách tài khóa “chìa khóa” thành công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội

Giá trị của gói chính sách tài khóa là khoảng 291 nghìn tỷ đồng, gồm: miễn, giảm thuế, phí, tiền thu đất khoảng 64 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng (với giá trị hỗ trợ tương đương 6 nghìn tỷ đồng); chi đầu tư phát triển 176 nghìn tỷ đồng (gồm hỗ trợ tín dụng 45 nghìn tỷ đồng, chi đầu tư hạ tầng kinh tế- xã hội 131 nghìn tỷ đồng); chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là 6,6 nghìn tỷ đồng và bảo lãnh Chính phủ 38,4 nghìn tỷ đồng để tạo nguồn thực hiện các chính sách tín dụng về hỗ trợ tạo việc làm; để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cho vay đối với học sinh, sinh viên; cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế- xã hội; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.

Cụ thể, trong tổng số 240 nghìn tỷ đồng chi trực tiếp từ ngân sách, có: 64 nghìn tỷ đồng miễn giảm thuế và 176 nghìn tỷ đồng đầu tư công. Ngân sách bố trí 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách trung ương 2021 hỗ trợ cho công nhân thuê nhà ở. Theo tính toán, hỗ trợ giãn, hoãn khoảng 135 nghìn tỷ đồng, trong đó, mức hỗ trợ cho doanh nghiệp khoảng 6 nghìn tỷ đồng.

Tổng số hỗ trợ 291 nghìn tỷ đồng, từ 2 nguồn: tăng bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) và từ tăng thu tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021. Nguồn thứ ba, đó là phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm.

Chính sách tài khóa - “Chìa khóa” thành công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội

Chính sách tài khóa “chìa khóa” thành công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Bộ Tài chính đã rất khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2022) quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 nêu trên.

Triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, ngay lập tức, Bộ Tài chính đã có văn bản phân công, phân nhiệm đến các đơn vị trong Bộ tổ chức thực hiện 18 nhiệm vụ, giải pháp tài khóa được giao chủ trì và 13 nhiệm vụ phối hợp thực hiện với các bộ, cơ quan khác, gắn với thời hạn hoàn thành cụ thể.

1/ Bộ Tài chính đã khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH5 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Theo đó, thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đồng thời, cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoán chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

Dự kiến các chính sách này sẽ có tác động giảm thu NSNN của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chính sách giảm thuế GTGT là khoảng 49,4 nghìn tỷ đồng; thực hiện chi phí được trừ đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động, phòng, chống dịch Covid-19 là khoảng 2 nghìn tỷ đồng.

2/ Ngoài ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 quy định về lệ phí trước bạ (có hiệu lực từ ngày 1/3/2022), trong đó bổ sung mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%) áp dụng đối với ô tô điện chạy pin (trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu là 0%; trong vòng 2 năm tiếp theo, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi).

Chính sách tài khóa “chìa khóa” thành công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội

3/ Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 của Chính phủ; Giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ đối với nhiều nhóm mặt hàng để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp.

4/ Mới đây, Bộ Tài chính hoàn thiện 2 dự thảo nghị định: Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022.

Về thời gian thực hiện, đối với thuế GTGT, để không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 5/2022 và quý I/2022, gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6/2022 và quý II/2022, gia hạn 4 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 7/2022, gia hạn 3 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 8/2022 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng áp dụng nêu trên.

Dự kiến số tiền gia hạn lên đến hơn 100 nghìn tỷ đồng, nhưng không ảnh hưởng đến ngân sách, do sẽ nộp đầy đủ ngân sách khi đến hạn vào cuối năm.

Chính sách tài khóa “chìa khóa” thành công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội

Đối với tiền thuê đất, thuê mặt nước, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thời hạn nộp phải nộp kỳ đầu năm 2022, thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2022. Dự kiến số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500 - 3.700 tỷ đồng.

Về dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2022 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Tổng số tiền thuế TTĐB dự kiến phát sinh được gia hạn 4 kỳ (từ kỳ tính thuế tháng 6 đến kỳ tính thuế tháng 9) là khoảng 9.300-11.400 tỷ đồng.

Việc nhanh chóng hoàn thiện 2 dự thảo nghị định nêu trên được cho là động thái hết sức tích cực từ phía Bộ7 Tài chính. Đây là một trong những nội dung được triển khai trong gói tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác dộng của dịch Covid-19 phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nên kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Chính sách tài khóa “chìa khóa” thành công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội5/ Cùng với các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên, Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ khác như: hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong một số ngành, lĩnh vực.

6/ Ngoài ra, trước tình hình biến động của giá dầu thế giới tăng cao trong thời gian gần đây tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của người dân, ảnh hưởng tới sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 để thực hiện giảm từ 50% - 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn kể từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022, qua đó góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19.

7/ Thuộc thẩm quyền của mình, nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân trong năm 2022, Bộ Tài chính đã có báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện việc giảm các khoản phí, lệ phí trong năm 2022 và đã ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 quy định giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí. Dự kiến số giảm thu NSNN khoáng 1.000 tỷ đồng.

Chính sách tài khóa - “Chìa khóa” thành công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội
Chính sách tài khóa “chìa khóa” thành công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội

Chính sách tài khoá là một công cụ quan trọng trong việc điều hành chính sách kinh tế của Nhà nước, có ảnh hưởng lớn đến sự cân bằng vĩ mô của nền kinh tế cũng như hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Thời gian qua, chính sách tài khóa đã đóng góp không nhỏ và có thể khẳng định là “điểm tựa” cho tăng trưởng kinh tế. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ nền kinh tế. Đó là chưa kể những căng thẳng của tình hình địa chính trị trên thế giới, sẽ tác động tới nhiều mặt của kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam. Hơn lúc nào hết, các chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ phát huy vai trò, là động lực cho tăng trưởng.

Cái khó trong những năm gần đây vì là các năm đầu nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025, muốn thực hiện các mục tiêu của cả nhiệm kỳ, phải phấn đấu qua từng tháng, từng năm, nếu buông lỏng các mục tiêu tăng trưởng, hệ quả là sẽ dồn áp lực vào cho các năm cuối nhiệm kỳ, khi đó việc thực hiện nhiệm vụ ngày càng khó khăn hơn.

Chính sách tài khóa “chìa khóa” thành công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội

Chính vì vậy, Chính phủ đã nhanh chóng trình Quốc hội nhiều giải pháp về tài khóa, tiền tệ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Đây được cho là những giải pháp khá kịp thời, dài hơi, kéo dài trong 2 năm 2022 và 2023 với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp được triển khai. Trong đó, các chính sách tài khóa chiếm tới 83% trong tổng số các nhiệm vụ của Chương trình này, được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và từ đó quay trở lại có đóng góp vào ngân sách.

Về nguồn lực thực hiện chương trình, Bộ Tài chính trên cơ sở rà soát nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021; đề xuất của Bộ Kế hoạch Đầu tư về việc bổ sung dự toán chi đầu tư cho Chương trình năm 2022, bao gồm cả các nhiệm vụ tín dụng; cập nhật tác động của Chương trình tới khả năng thu ngân sách năm 2022, để xác định nhu cầu nguồn lực cho Chương trình năm 2022 theo quy định và trình Chính phủ theo kế hoạch đề ra.

Những kết quả tăng trưởng trong quý I/2022 cho thấy, các chính sách đang đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Từ những hỗ trợ quan trọng này đã tạo động lực để doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020. Kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những thách thức mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt là rất lớn, do đó, cần tính đến và cần có những kịch bản điều hành phù hợp. Đồng thời, việc đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình là hết sức quan trọng.

Mục tiêu của Chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về tài chính- NSNN đề ra trong năm 2022 cũng như thực hiện Chương trình, Bộ Tài chính sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng thu NSNN, như: đẩy mạnh tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu từ các địa bàn có điều kiện để phấn đấu tăng thu; tiết kiệm chi, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu thường xuyên nhất là các khoản chi xây dựng cơ bản; cắt giảm các khoản chi không thực sự cần thiết, trên cơ sở đó, dành nguồn lực cho Chương trình này.

Chính sách tài khóa “chìa khóa” thành công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội
Chính sách tài khóa “chìa khóa” thành công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội

Đồ họa: Minh Hồng

Hồng Vân