Longform
Chính sách tài khóa khoan thư sức dân, vì sự phát triển bền vững

17:08 | 06/11/2023

Thời gian qua, Chính phủ rất nỗ lực trong việc hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc thực hiện một loạt các chính sách tài khóa một cách hợp lý, hiệu quả. Việc thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí và các khoản thu ngân sách có ý nghĩa rất lớn, khoan thư sức dân trong lúc khó khăn, nhưng cũng góp phần quan trọng hỗ trợ nền kinh tế phát triển bền vững.
Chính sách tài khóa khoan thư sức dân, vì sự phát triển bền vững

Thời gian qua, Chính phủ rất nỗ lực trong việc hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc thực hiện một loạt các chính sách tài khóa một cách hợp lý, hiệu quả. Việc thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí và các khoản thu ngân sách có ý nghĩa rất lớn, khoan thư sức dân trong lúc khó khăn, đồng thời cũng góp phần quan trọng hỗ trợ nền kinh tế phát triển bền vững.

Chính sách tài khóa khoan thư sức dân, vì sự phát triển bền vững

Bế mạc Hội nghị trung ương 8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: Trong 9 tháng năm 2023, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.

Lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế và công nghiệp từng bước được phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước…

Khẳng định của Tổng Bí thư một lần nữa đã cho thấy, trong bối cảnh khó khăn, Đảng, Chính phủ, Quốc hội vẫn luôn kiên định mục tiêu vừa thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nhưng vẫn triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, vực dậy nền kinh tế.

Nhiệm kỳ 5 năm 2021 – 2025 phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, song nhiều chính sách đã kịp thời được ban hành và đi vào cuộc sống hiệu quả, tiêu biểu là chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế- xã hội, gói hỗ trợ về tài khóa đóng vai trò then chốt. Chính phủ, Quốc hội đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí và các khoản thu ngân sách. Về tổng thể, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong những năm qua ở mức lớn chưa từng có, chiếm khoảng 8,3% GDP, cao hơn rất nhiều so với các nước có cùng quy mô kinh tế.

Chính sách tài khóa khoan thư sức dân, vì sự phát triển bền vững

Điểm lại 4 năm qua, có thể thấy: Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng.

Năm 2023, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt khó để phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 196 nghìn tỷ đồng.

Năm 2023, trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư quy định giảm 35 khoản phí, lệ phí như phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, y tế, cấp căn cước công dân, thẩm định dự án đầu tư xây dựng… Thời gian áp dụng từ 1/7/2023 đến hết 31/12/2023 với số tiền giảm phí, lệ phí sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 700 tỷ đồng…

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch, ước tính gói hỗ trợ lên tới 347 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, trong 4 năm qua (2020-2023), gói hỗ trợ về tài khóa lên tới khoảng 700 nghìn tỷ đồng, giúp doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng.

Chính sách tài khóa khoan thư sức dân, vì sự phát triển bền vững

Vừa qua, khi nhận thấy tình hình còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã đề xuất các giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024 như: tiếp tục xem xét giảm thuế GTGT 2% và xem xét giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí...

Việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh. Đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Các gói hỗ trợ giảm thuế, nhất là giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã có tác dụng tốt với việc kiềm chế lạm phát; góp phần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Một thành công quan trọng nữa là nợ công và nợ Chính phủ bảo lãnh vẫn ở mức bền vững, ổn định quanh khoảng 36% GDP trong năm 2023 trước khi giảm xuống khoảng 34,4% vào năm 2025, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 60% được Quốc hội đề ra và vẫn ở mức bền vững.

Chính sách tài khóa khoan thư sức dân, vì sự phát triển bền vững

Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, là những quyết sách dài hơi, có tầm nhìn xa trông rộng, bởi vì đổi lại, nhờ ưu đãi về thuế, doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Bám sát yêu cầu của thực tiễn, Bộ Tài chính đã kịp thời đề xuất ban hành các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát áp lực tăng giá cả, lạm phát, góp phần hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách tài khóa khoan thư sức dân, vì sự phát triển bền vững

Đặc biệt, thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, có rất nhiều chính sách pháp luật cần phải sửa đổi, hoặc ban hành theo kịp thực tiễn.

“Trong hoàn cảnh đặc biệt cần các chính sách đặc biệt”, Bộ Tài chính đã phải cấp bách soạn thảo các chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nhiều đề án không có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, hoặc các thông tư phải ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung, nhưng vẫn phải hoàn thiện trong thời gian ngắn. Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành theo đúng tiến độ các chương trình, đề án đó.

Mọi chính sách của Bộ Tài chính đều hướng tới người dân và doanh nghiệp. Đơn cử như các năm 2020-2023, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Đó là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế BVMT, cùng nhiều khoản phí, lệ phí.

Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 56 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó có: 11 Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 18 Nghị định của Chính phủ; 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 25 Thông tư của Bộ Tài chính).

Theo một số đại biểu Quốc hội, thời gian qua, Bộ Tài chính đã rất chủ động, linh hoạt và kịp thời triển khai nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Các chính sách tài khóa lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng có ý nghĩa hết sức nhân văn, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Doanh nghiệp phát triển, tài khóa sẽ vững mạnh. Những lời khen đến từ cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà quản lý và đại biểu Quốc hội… chính là động lực để Bộ Tài chính duy trì một chính sách tài khóa vì dân. Sẻ chia với người dân và doanh nghiệp là mục tiêu hướng đến của Bộ Tài chính.

Trong suốt 3 năm qua, khi bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng mạnh mẽ tới kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, Bộ Tài chính đã, đang và sẽ luôn kiên định với mục tiêu này.

Chính sách tài khóa khoan thư sức dân, vì sự phát triển bền vững

Chính sách tài khóa khoan thư sức dân, vì sự phát triển bền vững

Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định tiếp tục thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, trong đó đột phá về thể chế là khâu đầu tiên và quan trọng nhất.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung nỗ lực cao nhất phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN đã đề ra cho năm 2023, tạo đà cho việc thực hiện các mục tiêu nhiệm kỳ.

“Lý thuyết chỉ là màu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi”, các quy định dù có làm kỹ bao nhiêu cũng không thể phủ hết được góc cạnh của thực tiễn, do đó, thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát vướng mắc, bất cập trong các quy định về tài chính- NSNN, kịp thời ban hành hoặc trình các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách phù hợp thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội đã đề ra.

Trong bối cảnh phải triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, Bộ Tài chính đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thu NSNN trong những tháng gần đây có hiện tượng suy giảm. Thu nội địa giảm so với cùng kỳ năm trước với mức giảm thu diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực tại nhiều địa phương. Điều đáng lo ngại hơn là trong thời gian tới, các giải pháp về chính sách giảm thuế được ban hành với quy mô lớn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách.

Chính sách tài khóa khoan thư sức dân, vì sự phát triển bền vững

Để đảm bảo mục tiêu thu NSNN, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như trong ngắn hạn, tăng cường quản lý thu NSNN, chống thất thu, trốn thuế, đặc biệt là nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh tế phát sinh từ nền kinh tế số, nguồn thu từ tài sản, kinh doanh bất động sản…

Trong công tác quản lý thu, tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Tiếp tục triển khai điện tử hóa, số hóa các khâu trong công tác quản lý thuế...

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên TBTCVN, một số đại biểu Quốc hội đồng tình cho rằng, về dài hạn, các chính sách phải xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu, không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà. Chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để bảo đảm tính linh hoạt, nghĩa là có lộ trình cụ thể.

Về lâu dài, các gói hỗ trợ tài khóa cũng cần phải tính toán thận trọng hơn, bởi trên thực tế, các chính sách tài khóa đưa ra một loạt các giải pháp nhất là về thuế, phí, lệ phí đã trực tiếp đi vào cuộc sống, doanh nghiệp cũng như người dân được thụ hưởng, giúp giảm bớt các khó khăn trong quá trình hồi phục sản xuất, kinh doanh, thì về lâu dài cần cân nhắc để tránh ảnh hưởng tới các mục tiêu về cân đối ngân sách.

Ngoài ra, về dài hạn, tiếp tục nghiên cứu, mở rộng cơ sở thuế trên cơ sở rà soát tổng thể hệ thống chính sách thuế để sửa đổi, bổ sung các khoản thuế còn chưa phù hợp với thực tiễn; tăng thuế suất đối với các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích sản xuất, tiêu dùng; rà soát, loại bỏ những ưu đãi thuế không còn phù hợp…

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, trong điều hành, Bộ Tài chính sẽ bám sát Nghị quyết 13 của Đảng, lãnh đạo ngành Tài chính quốc gia phục vụ phát triển ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế- xã hội bền vững, đi tiên phong và đóng góp tối đa các mục tiêu triển khai phát triển kinh tế- xã hội.

Trong đó, thời gian tới, tiếp tục điều hành chính sách tài chính – NSNN theo hướng tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế chính sách tài chính – ngân sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác hiện đại hóa, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, tin tưởng rằng, ngành Tài chính sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đề ra trong năm 2023, đặc biệt phấn đấu thu đạt và vượt dự toán được giao, đảm bảo các nhiệm vụ chi trong dự toán và các nhiệm vụ chi cấp bách, phát sinh, chi cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế- xã hội./.

Chính sách tài khóa khoan thư sức dân, vì sự phát triển bền vững

Hồng Vân