Longform
Lối đi nào cho ngành trứng gia cầm trong xu thế mới?

08:52 | 16/04/2024

Nguồn cung trứng hiện đang dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước còn hạn chế và ít có biến động, nhiều dự báo giá trứng gà trong thời gian tới sẽ tiếp tục ổn định hoặc có xu hướng giảm nhẹ. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp trứng đang tìm những hướng giải quyết mới cho sản phẩm này.

Lối đi nào cho ngành trứng gia cầm trong xu thế mới?

Lối đi nào cho ngành trứng gia cầm trong xu thế mới

Lối đi nào cho ngành trứng gia cầm trong xu thế mới

PV: Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều bất định, tình hình giá trứng đang diễn biến ra sao, thưa ông/bà?

Ông Trương Chí Thiện: Giá bình ổn của thị trường trong năm 2023 là 33.500/1 vỉ (10 quả). Tuy nhiên tại thời điểm này, nguồn cung dồi dào mà sức mua yếu, nếu vẫn giữ giá bình ổn thì sức tiêu thụ sẽ rất thấp. Cho nên, các doanh nghiệp bình ổn đều chạy chương trình khuyến mãi, kết hợp với các điểm bán để giảm giá từ 15% -20% (tức là giá trứng chỉ còn hơn 2.000 nghìn đồng/quả).

Thường cung - cầu là yếu tố chính gây nên giá giảm. Hiện nay, sức tiêu thụ trứng mua về làm nguyên liệu chế biến giảm rất nhiều, còn tiêu thụ dùng trong bữa ăn hàng ngày thì cũng giảm nhưng không đáng kể.

Vấn đề chính nữa là các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, các thương hiệu bánh lớn, bán bánh giảm kéo theo lượng tiêu thụ cũng giảm, điều này ảnh hưởng lớn đến doanh số tiêu thụ tổng của mặt hàng trứng.

Bà Phạm Thị Huân: Từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường tiêu thụ chững lại nên giá trứng giảm mạnh.

Chúng ta biết, hiện nay do tỷ giá USD tăng nên chi phí đầu vào cao trong khi đó giá trứng lại giảm khá sâu nên rất nhiều trang trại vấp phải cảnh thua lỗ, có những trang trại buộc phải giảm đàn để giảm chi phí, giảm nhân công và “cắt lỗ”.

Mặc khác, thời tiết nồm ẩm, nắng nóng khiến cho trứng không thể bảo quản được lâu nên người chăn nuôi gà đẻ như “ngồi trên đống lửa”. Ngoài nhập cho các bếp ăn tập thể, các đại lý, các quán tạp hoá, bỏ mối ở các chợ dân sinh thì nhiều trang trại phải huy động nhân công đi bán lẻ.

Hiện tại, doanh nghiệp ngành trứng vẫn đang cầm cự và chờ phục hồi sức mua trở lại.

Lối đi nào cho ngành trứng gia cầm trong xu thế mới

PV: Ông/bà có nghĩ rằng ngành trứng nên thay đổi mô hình và phương thức sản phẩm để tìm kiếm thị trường?

Bà Phạm Thị Huân: Tôi nghĩ rằng, để chăn nuôi nói chung và ngành trứng gia cầm nói riêng phát triển ổn định, người chăn nuôi cần đầu tư đồng bộ từ xây dựng chuồng trại đến kho bảo quản, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm ổn định. Việc này không chỉ kiểm soát được dịch bệnh trong quá trình chăn nuôi mà còn giúp các trang trại giảm thiểu tác động bấp bênh từ thị trường...

Đối với Công ty Ba Huân cũng đã xây dựng mô hình chuyển đổi số trong vận hành, quản trị từng lớp, đi từ chăn nuôi tới chế biến và mô hình kinh tế tuần hoàn từ nông trại tới bàn ăn.

Ngoài ra, chúng ta cần đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với thị trường xuất khẩu, kiểm soát tốt dịch bệnh. Nhất là thực hiện quy trình chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu về kháng sinh, vi sinh…

Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để chế biến sản phẩm trứng lỏng nhưng cần phải có đầu ra thì mới mạnh dạn nhập thiết bị máy móc về làm.

Ông Trương Chí Thiện: Thực tế khi nguồn cung cao hơn cầu, thì người bán phải đi tìm những hướng giải quyết mới. Phải mở lối đi bằng cách đa dạng kênh tiêu thụ, đa dạng sản phẩm và đi theo xu hướng của thị trường.

Với trứng tươi, thị trường hiện nay gần như bão hòa. Chế biến trứng gia cầm là lĩnh vực mới, ít cạnh tranh hơn và nếu làm tốt, triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp sẽ rất lớn.

Tôi nghĩ rằng, phải có những kênh tiêu thụ mới thì mới có thể cân đối lại cung – cầu. Còn nếu chỉ chờ vào thị trường trong nước và thị trường tiêu thụ truyền thống thì e rằng năm nay cung sẽ vượt cầu.

Lối đi nào cho ngành trứng gia cầm trong xu thế mới

Việc kinh doanh truyền thống vẫn sẽ duy trì không thay đổi, nhưng chúng ta cần phát triển thêm một số dòng sản phẩm mới để xuất khẩu và thay thế cho hàng nhập khẩu. Tức là doanh nghiệp phải đa dạng sản phẩm trứng thay vì chỉ bán 1 dòng trứng tươi.

Năm nay, Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt ngoài tiêu thụ trứng tươi bình thường thì chiến lược của công ty là sẽ tập trung vào một số mặt hàng trứng chế biến.

Điển hình là trứng lỏng thanh trùng ( loại trứng gà đã được tách vỏ thanh trùng dùng làm đồ ăn cho người tập gym hoặc dùng để chế biến đồ ăn trong các nhà hàng…).

Trứng lỏng ở nước ngoài rất là phổ biến nhưng ở Việt Nam nghe có vẻ còn hơi lạ. Đây là sản phẩm không tiêu thụ ở phân khúc bình thường mà sẽ tiêu thụ ở những phân khúc mua để làm nguyên liệu. Chẳng hạn các tiệm bánh lớn như Kinh Đô, các lò bánh của Nhật đang ở Việt Nam hiện nay đều có xu hướng sử dụng trứng lỏng.

Có điều để làm được sản phẩm trứng lỏng thì cần có thiết bị máy móc, dây chuyền hiện đại để tách trứng ra làm 3 loại: 1 là lòng trắng không, 2 là lòng đỏ không, 3 là nguyên trứng có cả lòng trắng và lòng đỏ. Như vậy, khi tách ra dạng lỏng chúng tôi sẽ đóng vào túi, tùy theo khối lượng 3kg, 5kg, 10kg và được thanh trùng giống như sữa thanh trùng.

Trước đây khi ở Việt Nam chưa có sản phẩm trứng lỏng thì một số thương hiệu bánh cao cấp sẽ phải nhập khẩu từ nước ngoài về. Còn bây giờ, chúng tôi sẽ cung cấp trực tiếp cho các đơn vị và không cần nhập khẩu. Đây là một trong những cách làm để có thêm kênh tiêu thụ mới.

Lối đi nào cho ngành trứng gia cầm trong xu thế mới

PV: Hiện nay, thị trường nội địa tiêu thụ kém và việc xuất khẩu đi thị trường các nước thế giới cũng không hề dễ dàng, vậy việc tiêu thụ sản phẩm trứng ở thị trường xuất khẩu có đang là nỗi trăn trở của các doanh hiện nay hay không, thưa ông/bà?

Ông Trương Chí Thiện: Chúng ta biết, trong quá khứ, Việt Nam từng xảy ra một trận dịch cúm gia cầm khá là nặng. Do đó nước ta là một trong những nước khó được nhập khẩu. Điển hình như Hong Kong nhiều năm trước, họ cấm vận chuyển mặt hàng gia cầm của Việt Nam. Cho đến cuối tháng 7/2023 (sau hơn 4 năm) thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) mới gỡ bỏ lệnh cấm và cho phép nhập khẩu trứng, sản phẩm trứng gia cầm từ Việt Nam.

Song hiện nay, do giá thành trứng tươi của nước ta không rẻ hơn so với các nước Châu Á nên không thể cạnh tranh được. Mặc khác, quá trình vận chuyển, bảo quản lại rất khó khăn nên để xuất được trứng tươi sang các nước hầu như không đáng kể. Cũng có một vài doanh nghiệp xuất khẩu nhưng rất hiếm.

Vì vậy, bản thân chúng tôi tập trung vào trứng chế biến như trứng lỏng thanh trùng, trứng vịt muối, trứng ăn liền…xuất khẩu sang Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore. Ngoài ra, sau khi được cấp mã vạch thì công ty đã vượt qua giai đoạn khó khăn trong việc tiếp cận thị trường Hàn Quốc, việc còn lại là tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở thị trường này.

Bà Phạm Thị Huân: Nói về xuất khẩu, tôi tự hỏi rằng, tại sao sản phẩm trứng ở các nước khác đều xuất khẩu được, còn trứng của nông dân mình thì không thể. Việt Nam được xem là đi lên từ cây lúa, từ nông nghiệp nên không thể để ngành trứng bị mai một đi.

Vậy nên, nếu muốn giải thoát được cho nông dân và cho các doanh nghiệp trong ngành trứng thì chỉ có con đường xuất khẩu. Tuy nhiên, để xuất khẩu được qua các nước lại là câu chuyện rất khó và còn gặp nhiều rào cản.

Lối đi nào cho ngành trứng gia cầm trong xu thế mới

Hiện nay, công ty chúng tôi chỉ có xuất khẩu được trứng vịt muối đi Đài Loan và trứng gà đi Hồng Kong.

Nỗi trăn trở lớn nhất hiện nay đối với ngành trứng là thủ tục, rào cản về kiểm dịch thú y còn nhiều khó khăn chưa giải quyết xong. Mặc dù doanh nghiệp cũng đã làm theo công nghệ 4.0, công nghệ cao, nhưng các nước đòi hỏi phải chuẩn hóa nhiều thứ hơn.

Tôi cũng từng mời các nước như Singapore đến tận nhà máy của công ty để trực tiếp tham quan và xem quy trình sản xuất, với mong muốn họ sẽ cho xuất khẩu đi nhưng đến nay họ vẫn chưa qua nhà máy.

Tôi nghĩ rằng, ngành trứng vẫn cần có những "nhạc trưởng" chủ trì, hướng dẫn để doanh nghiệp biết cụ thể nước bạn cần nhập khẩu, xuất khẩu mặt hàng gì. Từ đó, doanh nghiệp mới cân đối nhập thêm thiết bị máy móc về thay đổi phương thức sản phẩm, sản xuất theo nhu cầu thực tế, tránh dư thừa hoặc chế biến xong không có đầu ra.

Còn hiện tại, doanh nghiệp vẫn làm từng bước, đi từng bước. Tôi vẫn mong muốn các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ trong khâu tiếp cận thị trường quốc tế, để các doanh nghiệp đưa các sản phẩm trứng gia cầm của Việt Nam vươn ra “biển lớn”./.

Nguyễn Lạc - Yến Lynh