![]() |
Trong những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng là kênh huy động vốn trung hạn, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế và doanh nghiệp, góp sức đắc lực vào công cuộc phát triển và hội nhập kinh tế đất nước trong thời kỳ mới. Nhân dịp Kỷ niệm 25 năm Ngày Truyền thống ngành Chứng khoán Việt Nam (28/11/1996 - 28/11/2021), Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã dành thời gian trả lời phỏng vấn TBTCVN về các thành quả đạt được, cũng như định hướng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. |
![]() |
|
TBTCVN: Thưa Bộ trưởng, ngành Chứng khoán Việt Nam dù còn khá non trẻ về “tuổi đời”, nhưng đã cho thấy sự phát triển nhanh, mạnh mẽ và chứng minh được vai trò quan trọng trong huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, doanh nghiệp. Xin Bộ trưởng cho biết những đánh giá khái quát về ngành Chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) trong chặng đường 25 năm qua? Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Xây dựng và phát triển TTCK là mục tiêu đã được Đảng và Chính phủ định hướng từ những năm đầu thập kỷ 90 nhằm xác lập một kênh huy động vốn mới cho đầu tư phát triển. Sau quá trình nghiên cứu, Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vào ngày 28/11/1996 theo Nghị định số 75/CP của Chính phủ, nhằm thực hiện các chức năng tổ chức và quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK. Việc thành lập cơ quan quản lý trước khi thị trường ra đời là bước đi phù hợp với chủ trương xây dựng và phát triển TTCK ở Việt Nam, có ý nghĩa quyết định cho sự ra đời của TTCK sau đó hơn 3 năm. Ngày 20/7/2000, TTCK Việt Nam đã được thành lập và chính thức tổ chức phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên vào ngày 28/7/2000. Trong suốt chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, ngành Chứng khoán luôn nhận được sự quan tâm, tin tưởng, chỉ đạo, động viên của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ. Đó là nguồn động lực lớn lao để Bộ Tài chính, UBCKNN và các thành viên thị trường không ngừng nỗ lực, quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam như ngày hôm nay. |
Trong tương quan chiều dài lịch sử của các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, ngành Chứng khoán Việt Nam vẫn còn khá trẻ, nhưng với những thành quả đáng ghi nhận trong chặng đường 25 năm, ngành Chứng khoán đã đóng góp quan trọng cho quá trình xây dựng, phát triển TTCK nói riêng và hệ thống thị trường vốn, thị trường tài chính, cũng như công cuộc đổi mới nền kinh tế đất nước nói chung; góp sức tích cực vào xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta; không ngừng hoàn thiện, thiết lập các chuẩn mực mới theo thông lệ quốc tế, hội nhập ngày càng sâu rộng với TTCK khu vực và quốc tế. Điều này thể hiện chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta từ quan điểm, chủ trương về hình thành và phát triển TTCK Việt Nam cho đến công tác tổ chức, triển khai bắt đầu từ việc thành lập cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK. Chúng ta phải khẳng định, từ chỗ chưa có mô hình định sẵn, chưa trải qua thực tiễn, Việt Nam đã tạo lập được một mô hình, thiết chế TTCK phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng giai đoạn. Ở mỗi chặng đường của TTCK đã cho thấy tính đúng đắn trong lý luận và thực tiễn đổi mới, phát triển của nền kinh tế đất nước. Thực tiễn cũng đã chứng minh, lộ trình và phương thức phát triển TTCK Việt Nam được xây dựng phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt gắn với công tác tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế từ năm 2011 trở lại đây. Bên cạnh đó, TTCK đã góp phần hình thành hệ thống tài chính hiện đại trên nền tảng hài hòa giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ - tín dụng, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững. TTCK cũng hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng qua việc hỗ trợ các ngân hàng thương mại huy động vốn qua phát hành cổ phiếu... |
TBTCVN: Xin Bộ trưởng chia sẻ cụ thể hơn về một số thành quả mang tính điểm nhấn mà ngành Chứng khoán và TTCK đạt được đến nay? Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Từ ngày “đặt những viên gạch đầu tiên” đến nay, ngành Chứng khoán và TTCK Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận và thể hiện sự phát triển tương đối toàn diện trên nhiều mặt khác nhau. Đến nay, cơ bản chúng ta đã xây dựng và ngày càng hoàn thiện khung pháp lý về lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Về cơ bản hệ thống văn bản pháp lý là tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế đất nước và hệ thống các luật khác, nhất là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Luật Chứng khoán đầu tiên năm 2006, sau đó là Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung năm 2010 và mới đây nhất là Luật Chứng khoán 2019, cùng với hệ thống rất lớn các văn bản hướng dẫn thi hành đã cơ bản bảo đảm cho quá trình giao dịch, vận hành và quản lý TTCK thông suốt, an toàn, công bằng, công khai, minh bạch và hiệu quả. Chỉ tính riêng trong 10 năm trở lại đây, TTCK đã giúp huy động 2,9 triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Trong đó, huy động vốn qua thị trường cổ phiếu đạt 365 nghìn tỷ đồng và tổng giá trị huy động của nhà nước thông qua đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn tại 2 sở giao dịch chứng khoán là 255 nghìn tỷ đồng, trở thành yếu tố quan trọng hình thành nên hệ thống các doanh nghiệp lớn đầu đàn ở Việt Nam và góp phần củng cố hệ thống ngân hàng thương mại được như ngày nay. Thị trường trái phiếu từ khi đi vào hoạt động đến nay đã giúp huy động 2,47 triệu tỷ đồng, tính bình quân 206 nghìn tỷ đồng /năm và lãi suất huy động bình quân giảm từ 8% xuống mức 2,29% trong năm nay, kỳ hạn huy động tăng từ 2 - 3 năm lên mức 13,1 năm, góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu và tăng tính bền vững cho danh mục nợ công quốc gia và chủ động nguồn vốn cho đầu tư công. |
![]() |
TTCK từ chỗ chỉ có một số ít người hiểu và tham gia, đến nay đã tương đối phổ cập với 3,7 triệu tài khoản, trong đó có sự tham gia của nhà đầu tư trong nước và ngoài nước và trở thành một kênh huy động vốn nước ngoài hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng khoảng gấp 6,5 lần trong vòng 10 năm qua và hiện đạt khoảng 50 tỷ USD. Về cấu trúc và quy mô của TTCK có nhiều điểm nhấn quan trọng. Từ một thị trường cổ phiếu nhỏ đến nay chúng ta đã có được thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Trong đó, thị trường cổ phiếu từ chỗ chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết, giá trị vốn hóa không đáng kể trong ngày đầu mở cửa, đến cuối tháng 9/2021, trên thị trường cổ phiếu đã có 751 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và 904 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM, với quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đã tương đương 109% GDP. Giá trị giao dịch bình quân hàng ngày từ chỗ rất nhỏ, đến nay đã vượt con số 1 tỷ đô la/phiên, vươn lên đứng hàng thứ 2 trong khu vực ASEAN. Một thành quả đáng ghi nhận khác là TTCK đã góp phần tích cực thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, qua đó góp phần thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đa thành phần, đa lĩnh vực. Từ năm 2005 đến nay, toàn bộ… doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đã thực hiện đấu giá thành công qua SGDCK. Sau đó rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia niêm yết trên TTCK và phát triển rất tốt, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. |
|
TBTCVN: Xin Bộ trưởng có thể cho biết một số định hướng phát triển TTCK Việt Nam theo hướng ổn định, minh bạch, bền vững trong chặng đường 10 năm tới? Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 của Đảng và Nhà nước đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển đối với ngành Tài chính là: “Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia; cơ cấu lại, tăng cường giám sát và điều tiết thị trường tài chính...; tiếp tục rà soát, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động các thị trường tài chính, chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu; quản lý chặt chẽ các tổ chức tham gia thị trường, bảo đảm tính thanh khoản cao và an toàn hệ thống. Nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của TTCK để thực sự trở thành một kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế”. Trong đó, Đảng và Nhà nước đã đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đối với TTCK Việt Nam trong 10 năm tới là trở thành kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế. |
|
![]() |