Longform
Longform: Quyết liệt cuộc chiến chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng

16:29 | 06/10/2021

Tình trạng gian lận tiền hoàn thuế giá trị gia tăng diễn ra ngày càng phức tạp, với các thủ đoạn vô cùng tinh vi, gây nhức nhối trong xã hội và tạo ra áp lực lớn với cơ quan quản lý nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có chỉ đạo Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác quản lý thuế, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai và hoàn thuế giá trị gia tăng, kết hợp với nhiều biện pháp nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi gian lận thuế.
Longform: Quyết liệt cuộc chiến chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng

Tình trạng gian lận tiền hoàn thuế giá trị gia tăng diễn ra ngày càng phức tạp, với các thủ đoạn vô cùng tinh vi, gây nhức nhối trong xã hội và áp lực lớn với cơ quan quản lý nhà nước. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã có chỉ đạo Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác quản lý thuế, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai và hoàn thuế giá trị gia tăng, kết hợp với nhiều biện pháp nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi gian lận thuế.

Longform: Quyết liệt cuộc chiến chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng

THỦ ĐOẠN “ẨN SÂU”

TRONG CHỨNG TỪ, THỦ TỤC

Thực tế thời gian qua ở một số địa phương cho thấy, các đối tượng phối hợp dàn dựng, tạo bút toán pháp lý qua mặt sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng để trục lợi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng hết sức tinh vi và bài bản. Vụ án do đối tượng Hoàng Thị Hậu (50 tuổi) tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cầm đầu mới đưa ra xét xử vừa qua là một điển hình.

Ông Đinh Nho Hậu – Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh cho biết, mặc dù sinh sống trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, song để hợp thức hóa hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng, Hoàng Thị Hậu đã móc nối mượn hàng của các chủ hàng, chủ xe tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, sau đó đứng tên Công ty Hào Hùng do đối tượng này và một số đối tượng khác câu kết thành lập để làm thủ tục mở tờ khai hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu.

Để được hoàn thuế số lượng hàng hóa mượn nói trên, từ tháng 10/2013 đến tháng 6/2015, Hoàng Thị Hậu đã thông qua Trần Thị Sâm để mua 242 số hóa đơn giá trị gia tăng (tổng giá trị tiền hàng ghi trong hóa đơn là 235,5 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng 23,5 tỷ đồng) của 9 công ty có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh.

Trong số 242 số hóa đơn nói trên, Hoàng Thị Hậu đã sử dụng 180 hóa đơn để lập khống hồ sơ hoàn thuế chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước số tiền 15,85 tỷ đồng (trong 9 kỳ hoàn thuế từ tháng 7/2013 đến tháng 2/2015).

Longform: Quyết liệt cuộc chiến chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng

Ngoài việc mượn hàng hóa để lập khống hồ sơ hoàn thuế, các đối tượng còn thành lập nhiều doanh nghiệp (DN) “ma” để mua bán hóa đơn, có trường hợp qua vài chục DN, cho đến khi hóa đơn được hợp pháp hóa, bằng cách mua bán hàng hóa thật, xuất hóa đơn thật. Đến khâu cuối thì các DN “ma” mất dấu, trong khi đó cán bộ thuế thường chỉ có thể kiểm tra hóa đơn ở khâu mua, bán gần nhất. Theo các chuyên gia kinh tế, chiêu này được DN gọi là “ve sầu thoát xác”.

Điển hình như vụ việc năm 2019, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ tổng hợp Tân Phát Đạt mua bán hóa đơn giá trị gia tăng để chiếm đoạt hơn 29 tỷ đồng tiền hoàn thuế của Nhà nước. Để có chứng từ thanh toán qua ngân hàng, Công ty Tân Phát Đạt đã chuyển tiền cho bên bán hàng là Công ty Linh San ở quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Sau đó, nhân viên phía đối tác rút tiền mặt rồi nộp lại vào tài khoản của Công ty Tân Phát Đạt để DN này chuyển tiếp cho đối tác. Cứ thế hai bên chuyển qua, nộp lại nhiều ngày liên tục, bằng chiêu thức này, Công ty Tân Phát Đạt có được chứng từ chứng minh đã thanh toán cho đối tác qua ngân hàng, với tổng số tiền 327 tỷ đồng. Để hợp pháp hoá hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng, Công ty Tân Phát Đạt đã vẽ ra chứng từ, tài liệu khống giá trị hàng hóa tồn kho, lập khống hồ sơ vay mượn gần 291 tỷ đồng của 12 cá nhân để mua hóa đơn giá trị gia tăng.

Đáng chú ý trong vụ án này, hành vi chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng của Nguyễn Thành Vỹ có dấu hiệu tiếp tay và dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của một số cán bộ thuế thoái hóa, biến chất…

Ngoài hai vụ việc nêu trên, gần đây cơ quan thuế các cấp đã phối hợp với cơ quan công an triệt phá nhiều vụ án thành lập doanh nghiệp “ma” để mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn nhằm thu lợi bất chính, gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước. Như: Công ty TNHH Junma Phú Thọ mua bán hóa đơn có giá trị lên đến 2.000 tỷ đồng; Ngô Văn Phát - Công ty CP thương mại xăng dầu Phát tại Hải Phòng, cầm đầu đường dây mua bán hóa đơn lên đến 5.000 tỷ đồng; Ngô Văn Hoàn (Hải Phòng) thành lập và mua 14 công ty để thực hiện hành vi mua bán trái phép 10.255 hoá đơn giá trị gia tăng, thu lời bất chính hơn 1 tỷ đồng, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hơn 248 tỷ đồng.

Mới đây nhất, Cục Thuế Thanh Hóa đã phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá chuyên án T421, khởi tố 27 đối tượng liên quan đến mua bán hóa đơn giá trị gia tăng. Theo thống kê ban đầu, 14 công ty “ma” trong đường dây mua bán hóa đơn giá trị gia tăng “khủng” này đã phát hành hơn 15 nghìn số hóa đơn cho khoảng 1 nghìn doanh nghiệp, với tổng số tiền giao dịch hơn 2.000 tỷ đồng.

Longform: Quyết liệt cuộc chiến chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng

Tương tự cơ quan thuế, cơ quan hải quan đã phát hiện nhiều trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi về thủ tục hải quan (kiểm tra xác suất) để gian lận thương mại khi xuất khẩu hàng hóa, như: xuất khống hàng hóa; xuất ít hơn so với khai báo; xuất không đúng chủng loại so với khai báo (khai báo một loại, xuất một loại); khai báo loại có trị giá cao, xuất loại có trị giá thấp; khai báo sai tên hàng, mã hàng để lập khống hồ sơ mở tờ khai xuất khẩu, xác nhận thực xuất. Sau đó, lập khống hóa đơn chứng từ, xuất khẩu hàng hóa ít nhưng khai nhiều để hoàn thuế.

Điển hình của các loại hình vi phạm này chính là vụ việc nổi lên gần đây: “Thu Duc House”. Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, vụ việc có đến 70 DN liên quan, kéo dài từ năm 2017 đến nay với nhiều đối tượng tham gia; có sự câu kết, chỉ đạo chặt chẽ giữa đối tượng chủ mưu cầm đầu và các đối tượng giúp sức, lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế chính sách để buôn lậu, chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. Theo một số chuyên gia kinh tế, đây là phương thức, thủ đoạn thường gặp để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.

Trong năm 2017 - 2018, cơ quan hải quan đã phát hiện 8 công ty nhập khẩu nông sản trị giá hàng ngàn tỷ đồng được tiêu thụ nhưng không khai và tính thuế giá trị gia tăng ở khâu kinh doanh thương mại. Ước tính số tiền thuế giá trị gia tăng gian lận khoảng hơn 61 tỷ đồng.

Một cách nữa là DN xuất khẩu hàng nhưng gian lận số lượng hàng hóa hoặc làm giả chứng từ xuất khẩu. Các DN xuất khẩu các mặt hàng sử dụng hóa đơn bán hàng của các DN có trụ sở tại các địa phương không có nguồn nguyên liệu. Các công ty lập chứng từ, hồ sơ hoàn thuế khống, không có kho hàng bến bãi, không có phương tiện vận chuyển, không có hàng hóa mua vào mua hóa đơn của các DN bỏ trốn. Một số DN kinh doanh hàng giống hệt hoặc tương tự nhau nhưng khi nhập khẩu lại khai báo giá trị rất thấp và khi xuất khẩu lại khai báo giá trị cao...

Longform: Quyết liệt cuộc chiến chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăngTheo đánh giá của cơ quan quản lý cũng như giới chuyên gia, nhiều vấn đề từ cơ chế, chính sách đến việc thực thi đang còn những tồn tại nhất định khiến các đối tượng gian lận có cơ hội trục lợi.

Ông Nguyễn Văn Thức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đại lý thuế BCTC cho rằng, thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay quá dễ khiến nhiều đối tượng lợi dụng thành lập các DN ma để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.

“Hiện nay thủ tục thành lập DN mới quá đơn giản, chỉ cần bỏ ra khoảng 5 - 6 triệu đồng là một cá nhân sẽ có công ty của riêng mình. Thậm chí với các chứng minh thư nhân dân nhặt được, hoặc làm giả mà người ta vẫn thành lập được một công ty, thì chúng ta phải xem lại quy trình kiểm tra hồ sơ” - ông Thức nói.

Cũng theo ông Thức, việc mua bán các pháp nhân hiện nay cũng quá đơn giản và lỏng lẻo, do đó rất nhiều người lợi dụng việc này để làm điều mờ ám. Họ mua các pháp nhân đã thành lập, đã phát hành hóa đơn, sau đó chuyển đổi giám đốc, cũng như địa chỉ trụ sở và thực hiện việc mua bán hóa đơn trái phép, bất chấp hậu quả mình có thể đối diện với pháp luật.

Ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chia sẻ, trong quá trình phát hiện, điều tra xử lý vụ việc phòng chống gian lận thuế giá trị gia tăng, cơ quan hải quan gặp nhiều khó khăn do việc thu thập thông tin hồ sơ tại các cơ quan chức năng còn chậm, văn bản đề nghị xác minh phải qua nhiều cấp phê duyệt. Về cơ sở pháp lý, xử lý vụ việc, cơ quan hải quan không có thẩm quyền khởi tố vụ án đối với các tội về thuế. Sau khi điều tra, xác minh phát hiện sai phạm sẽ phải bàn giao cho cơ quan công an. Vì vậy, hiệu quả trong đấu tranh đối với gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng rất hạn chế, vụ việc kéo dài, phụ thuộc nhiều vào cơ quan công an.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, để thành lập DN chỉ cần đăng ký; còn nội dung đăng ký như nơi ở, chứng minh nhân dân thật hay giả, địa chỉ nơi đặt văn phòng có thực hay không đều chưa được kiểm tra trước và sau đăng ký, việc thực sự bỏ vốn để hoạt động kinh doanh không phải là điều kiện bắt buộc để đăng ký kinh doanh.

GIẢI PHÁP NÀO

ĐỂ CHỐNG THẤT THU

TIỀN HOÀN THUẾ?

Những thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước, mà còn tạo sự mất công bằng giữa các DN làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia.

Longform: Quyết liệt cuộc chiến chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng

Kiểm tra từ sớm, phát hiện từ xa

Để xử lý tận gốc vấn đề, theo Luật sư Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Công ty Luật TNHH Labor Law, ngoài việc siết chặt các quy định về quản lý, thành lập DN, trình độ chuyên môn của các cán bộ quản lý thuế cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa. Khi có phát hiện bất thường trong kỳ báo cáo hóa đơn giá trị gia tăng thì phải có thanh tra, kiểm tra ngay, kịp thời để xác minh, làm rõ hoặc ngăn chặn ngay hành vi vi phạm và phải thực hiện việc kiểm tra, ngăn chặn từ xa, chứ không phải chờ đến khi DN xin hoàn thuế giá trị gia tăng mới kiểm tra.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Thức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đại lý thuế BCTC, cho rằng: “Các quy định xử phạt hiện nay chưa đủ răn đe do mức phạt nhiều khi “không thấm vào đâu” so với số tiền họ có được từ hành vi phạm pháp của mình. Cần tăng mức phạt tiền, phạt tù cao hơn nữa và nên có thêm các quy định để hạn chế thấp nhất việc mua bán hóa đơn trái phép. Bên cạnh đó, nên khôi phục lại việc kê khai thuế giá trị gia tăng phải kèm bảng kê mua vào và bán ra, khi kê khai thuế”.

Về phía cơ quan quản lý, để chống thất thu hiệu quả, cơ quan thuế và hải quan đã tăng cường phối hợp, có các giải pháp ngăn chặn, từ việc khẩn trương hoàn thiện chính sách pháp luật theo thẩm quyền, đến tăng cường thanh, kiểm tra trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế.

Longform: Quyết liệt cuộc chiến chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng

Ứng dụng công nghệ hiện đại

để chống gian lận hoàn thuế

Cùng với sự phối hợp kết nối thông tin để rà soát tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của các DN có rủi ro để phát hiện sớm các hành vi gian lận, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu như: rà soát các DN kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao; thanh tra, kiểm tra về hoàn thuế giá trị gia tăng có rủi ro cao; xử lý nghiêm các vi phạm để răn đe...

Trong đó, để ngăn chặn, đẩy lùi và phát hiện sớm các hành vi vi phạm, gian lận trong việc kê khai và hoàn thuế giá trị gia tăng, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là hết sức quan trọng.

Longform: Quyết liệt cuộc chiến chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng

Từ năm 2017, Tổng cục Thuế đã thực hiện thí điểm tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế theo phương thức điện tử. Qua đó giúp quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hoàn thuế công khai, minh bạch, mà còn giúp hạn chế tiêu cực phát sinh; giúp cho cơ quan thuế dễ dàng kiểm tra, rà soát trên hệ thống rất thuận lợi; qua đó chống thất thu tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.

Để kiểm soát thông tin về tình hình hoàn thuế giá trị gia tăng của DN, Tổng cục Thuế cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) về người nộp thuế, trong đó có các thông tin về tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của DN, quản lý hóa đơn điện tử, cũng như hoàn thuế giá trị gia tăng.

Trong lĩnh vực hải quan, ngoài việc xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về DN, từ ngày 1/9/2020, Tổng cục Hải quan cũng đã cho thí điểm hệ thống miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa điện tử (gọi tắt là hệ thống MGH) để đẩy nhanh công tác xử lý miễn, giảm, hoàn thuế chính xác tại các đơn vị trực tiếp thực hiện nghiệp vụ. Ưu điểm lớn nhất của hệ thống này chính là giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp, qua đó giảm nguy cơ phát sinh tiêu cực, móc nối giữa cán bộ làm thủ tục với DN như một số vụ việc đã xảy ra trước đây.

Việc áp dụng công nghệ thông tin còn giúp cho cơ quan thuế, hải quan phát hiện kịp thời việc gian lận thuế, mua bán hóa đơn bất hợp pháp và để hạn chế làm phiền DN.

Longform: Quyết liệt cuộc chiến chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng

Hồng Vân