CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA TIÊN PHONG HỖ TRỢNỀN KINH TẾ VƯỢT KHÓ |
Dấu ấn có ý nghĩa quan trọng là trong những năm qua ngành Tài chính đã tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng các đề án quan trọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó kịp thời trước biến động phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị trong và ngoài nước; đảm bảo nguồn lực hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát; quản lý nợ công từng bước được thực hiện theo hướng công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; đẩy mạnh khơi thông các nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội. Nhắc đến những thành công của Bộ Tài chính trong điều hành chính sách tài khóa giai đoạn vừa qua không thể không nhắc đến những nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính và cá nhân Bộ trưởng Hồ Đức Phớc. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc với những kinh nghiệm được tích lũy từ thực tiễn công tác, với tầm nhìn, tư duy chiến lược, nhanh nhạy trong việc dự báo tình hình, nắm bắt thời cơ, đã cùng với tập thể Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành Tài chính triển khai nhiệm vụ với nhiều giải pháp quyết liệt, sáng tạo, chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước; cân đối đảm bảo nguồn lực hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Giữ trọng trách người đứng đầu ngành Tài chính, ngay từ những ngày đầu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc rất quan tâm ưu tiên công tác xây dựng thể chế. Bắt tay vào thực hiện, rất nhiều kế hoạch hành động, chương trình công tác được Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành trong thời gian qua, trong đó có nhiều kế hoạch rất “thời sự”, như: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021- 2025; Kế hoạch triển khai phong trào thi đua toàn ngành chung sức đồng lòng chiến thắng đại dịch; Thành lập tổ công tác đặc biệt của Bộ Tài chính về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Với những “việc cần làm ngay”, như thành lập Tổ công tác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; hay toàn Ngành chung sức, đồng lòng nỗ lực chiến thắng đại dịch… cho thấy sự quan tâm đặc biệt của vị “Tư lệnh” ngành Tài chính đối với những nhiệm vụ tưởng như khiêm tốn nhưng có ý nghĩa lớn này, bên cạnh khối lượng công việc rất lớn mà ngành Tài chính phải đảm đương. Bộ Tài chính luôn sát sao đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân, nỗ lực đổi mới, cải cách, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. |
Minh chứng là từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành 144 đề án, nhiệm vụ được giao, trong đó: trình Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi) và thông qua 14 nghị quyết; trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua 10 nghị quyết và cho ý kiến về định hướng sửa các luật thuế; trình Chính phủ ban hành 99 nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 19 quyết định. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền 318 thông tư trong lĩnh vực quản lý tài chính - NSNN. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đã được Bộ Tài chính triển khai thực hiện nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng, kể cả các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, nhiệm vụ phát sinh ngoài kế hoạch. Qua đó, tích cực hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực tài chính - NSNN; hỗ trợ tích cực công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế của doanh nghiệp, người dân. Liên tục trong 3 năm 2021, 2022, 2023 thu NSNN đều vượt dự toán. Thu NSNN năm 2021 đạt 1.591,5 nghìn tỷ đồng, vượt 17,2% (233,3 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Năm 2022 tổng thu ngân sách đạt 1.820,3 nghìn tỷ đồng, bằng 128,6% dự toán, tăng 14,4% so với năm 2021. Năm 2023 tổng thu NSNN đạt 1.754,1 nghìn tỷ đồng, bằng 108,2% du toán. Thu NSNN đạt khá, đã đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng của bộ máy nhà nước, các nhiệm vụ an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, các nhiệm vụ đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô lên tới 347 nghìn tỷ đồng, trong khi vẫn kiểm soát bội chi NSNN trong phạm vi mục tiêu kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025. |
Các chính sách tài chính đi vào cuộc sống đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội. GDP các năm 2020, 2021, 2022, 2023 tăng trưởng lần lượt là: 2,91%, 2,58%, 8,02%, 5,05%. 6 tháng đầu năm 2024, GDP tăng 6,42%, là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trước những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng các kịch bản tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các công cụ khác, vừa khắc phục những cơn “địa chấn” khi dịch bệnh để lại, vừa phát triển kinh tế. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn, yêu cầu đặt ra là giảm thuế hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng thu ngân sách phải đảm bảo đạt dự toán được giao để đủ nguồn chi đảm bảo mục tiêu kế hoạch tăng thêm như xây dựng đường cao tốc, sân bay,... an sinh xã hội, ngành Tài chính đã liên tục đổi mới phương pháp, sáng tạo, quyết liệt hành động. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cùng các đại biểu nhấn nút kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc (ngày 21/4/2022). Ngành Tài chính đã chủ động kịp thời triển khai loạt giải pháp nhằm tăng thu NSNN, như: triển khai hóa đơn điện tử, quay hóa đơn điện tử may mắn, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; kết nối liên thông dữ liệu dân cư trong hoạt động tài chính; tăng thu qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới; chuyển nhượng bất động sản một giá; chống gian lận hoàn thuế, chống phát hành hóa đơn giả... Với các giải pháp chính sách tài khóa hiệu quả, kết hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế khác, cùng với kiểm soát được dịch Covid-19, sản xuất kinh doanh trên cả nước đã từng bước hồi phục, đời sống người dân đã trở lại bình thường, đà tăng trưởng kinh tế phát triển trở lại. |
ĐẨY MẠNH ĐIỆN TỬ HÓA,HIỆN ĐẠI HÓA QUẢN LÝ THU |
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trong nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã tiên phong triển khai ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính - NSNN, giúp tăng cường hiệu quả, minh bạch trong quản lý tài chính, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực cho nền kinh tế số. Một trong những nội dung trọng tâm được Bộ Tài chính quyết liệt thực hiện là đẩy mạnh điện tử hóa, hiện đại hóa quản lý thu ở tất cả các khâu như quản lý đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, thực hiện phân tích rủi ro, quản lý nợ đọng thuế theo phương thức điện tử, quản lý hóa đơn điện tử, tiếp tục điện tử hóa đối với công tác quản lý lệ phí trước bạ, cho thuê nhà, các loại phí, lệ phí... Bộ Tài chính đã thực hiện đồng bộ, kết nối cơ sở dữ liệu với các cơ quan có liên quan để quản lý đối với các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành Thuế, Hải quan. Triển khai cung cấp dịch vụ thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc, đến hết năm 2023, đã có 99,95% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99,16% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 99% doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử. Triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc từ ngày 21/4/2022 tổng số lượng hóa đơn điện tử đã tiếp nhận và xử lý từ khi triển khai đến hết năm 2023 là hơn 6,1 tỷ hóa đơn. Bộ Tài chính đã tăng cường các giải pháp chống thất thu thuế, nhất là đối với các lĩnh vực thương mại điện tử, bất động sản, thu thuế của nhà cung cấp nước ngoài; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Trong quản lý thuế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo ngành Thuế thực hiện nghiêm túc Luật Quản lý thuế, đẩy mạnh chống thất thu thuế, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản phát sinh. Tăng cường sự phối hợp các Bộ, ngành và địa phương trong công tác kết nối, khai thác, đối chiếu chéo thông tin chống chuyển giá, trốn thuế, quản lý hiệu quả các nguồn thu phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh qua mạng; tập trung quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, hoạt động khai thác tài nguyên khoảng sản, thuế thu nhập cá nhân của cá nhân có nhiều nguồn thu nhập...; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng. |
ĐIỂM SÁNG TRONG KIỂM SOÁT BỘI CHI VÀ NỢ CÔNG |
Những thành công là điểm sáng trong điều hành của Bộ Tài chính và vai trò của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thời gian qua chính là quản lý chặt chẽ, hiệu quả nợ công và bội chi NSNN. Bộ Tài chính đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, vay nợ chính quyền địa phương; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những khoản chi chưa cấp thiết, không giải ngân, cùng với thu NSNN đạt tiến độ khá so dự toán, nên bội chi NSNN và nợ công được kiểm soát ở mức thấp hơn dự toán và mức trần Quốc hội quyết định. Từ đó, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và bền vững nợ công, tạo dư địa cho điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, mở rộng hợp lý để hỗ trợ nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Dự kiến đến cuối năm 2024, nợ công khoảng 37-38% GDP, nợ Chính phủ khoảng 35-36%GDP, nợ nước ngoài quốc gia khoảng 34-35% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so thu NSNN khoảng 23-24%. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (Mỹ) xếp hạng tín nhiệm quốc gia đối với Việt Nam trong dài hạn ở mức “BB+” và trong ngắn hạn ở mức “B”; triển vọng về xếp hạng tín nhiệm trong dài hạn là ổn định. Kết quả này đã thể hiện sự đánh giá hết sức tích cực của cộng đồng quốc tế về nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam thời gian qua nhằm ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế, củng cố nền tảng chính trị - xã hội trong bối cảnh thế giới đối mặt với các thách thức về suy giảm tăng trưởng, kinh tế, thương mại cũng như sự gia tăng các rủi ro về tài chính ở nhiều quốc gia trên thế giới. |
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử |
Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, đóng vai trò thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển của ngành, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã cùng với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Bộ cũng như các đơn vị thuộc Bộ. Bộ Tài chính đã xây dựng và ban hành các Kế hoạch cải cách hành chính hàng năm và từng giai đoạn. Từ năm 2021 đến nay, Bộ Tài chính đã rà soát, bãi bỏ 428 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế 302 thủ tục và ban hành mới 192 thủ tục trong các lĩnh vực quản lý. Lãnh đạo Bộ Tài chính và lãnh đạo Tổng cục Thuế chúc mừng và biểu dương Người nộp thuế tiêu biểu giai đoạn 2020-2022. Bộ Tài chính đã thực hiện công khai, cập nhật kip thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo quy định, đạt 764/764 thủ tục; đã thực hiện rà soát, đề xuất phương án, cắt giảm, đơn giảm hóa 278 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực tài chính, đạt 22% so với thời điểm năm 2020 và vượt yêu cầu 20% tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Đáng chú ý, năm 2023 là năm thứ 9 liên tiếp (từ 2014 - 2022), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về PAR Index với kết quả Chỉ số cải cách hành chính đạt 89,76%. Về chỉ số cải cách tài chính công, Bộ Tài chính tiếp tục là một trong số các bộ dẫn đầu, đạt tỷ lệ trên 96%. |
Bài: Trần Thắng Đồ họa: Hồng Vân - Phương Anh |