Đề xuất 27 cơ chế, chính sách đột phá cho Thành phố Hồ Chí Minh

10:52 | 26/05/2023 Print
(TBTCO) - Sáng 26/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Chính phủ, trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Dự thảo thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh đã đủ “độ chín” Đề xuất cho phép TP. Hồ Chí Minh áp dụng PPP trong các dự án thể thao, văn hóa

Được áp dụng hợp đồng BOT với công trình đường bộ hiện hữu

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách, trong đó nhóm 1 là các cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54. Nhóm 2 về các cơ chế, chính sách được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác như: thành phố chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; phân cấp thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, đô thị; được quy định về các chính sách thu hút nhân lực cho khoa học công nghệ…

Nhóm 3 là các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến như: thành phố xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất; quy định nguyên tắc bồi thường về đất; cho phép các tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, mà tiền thuê đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (NSNN) thì có quyền thế chấp, chuyển nhượng, cho thuê…

Đề xuất 27 cơ chế, chính sách đột phá cho Thành phố Hồ Chí Minh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình.

Nhóm chính sách thứ 4 là gồm 27 các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.

Trong đó, Chính phủ đề xuất: trường hợp thành phố dự kiến có nguồn thu ngân sách địa phương (NSĐP) để bố trí tăng chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì thành phố được thực hiện trước việc phân bổ nguồn thu này cho các dự án mới, bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn… Thành phố được sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Trong quản lý đầu tư, thành phố được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD): sử dụng NSĐP để triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 để thu hồi đất, thực hiện tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.

Thành phố được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa và được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP này.

Thành phố được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; được thực hiện dự án đầu tư theo Hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách thành phố. Thành phố được sử dụng NSĐP để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước và một số địa phương tại nước khác.

Đồng thời, thành phố cũng được quy định các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực cho công ty đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM (HFIC) bao gồm tăng vốn điều lệ từ nguồn thu từ cổ phần hóa, từ nguồn lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ.

Thành phố được bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố; cho phép thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; tín chỉ các-bon được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế; nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon là nguồn thu ngân sách thành phố hưởng 100%; Quy định miễn, giảm thuế thu nhập đối với cá nhân, doanh nghiệp hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của thành phố.

Về bộ máy, nhân sự, Chính phủ đề xuất thành phố được thành lập Sở An toàn thực phẩm; được quy định số lượng cấp phó của UBND thành phố và UBND phường, xã, thị trấn, tăng cường tính chủ động và bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của thành phố; được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy; được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố…

Đề xuất 27 cơ chế, chính sách đột phá cho Thành phố Hồ Chí Minh
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh

Chính sách cần được chọn lọc, có trọng tâm, tránh thiên về số lượng

Về sử dụng nguồn tăng thu NSĐP để bổ sung kế hoạch đầu tư công, đa số ý kiến trong UBTCNS cho rằng, thực chất nội dung này đã được quy định tại Luật NSNN, Luật Đầu tư công và thẩm quyền quyết định thuộc HĐND TP.

Nếu quy định như dự thảo sẽ dẫn đến sự khác nhau rất lớn về nhận thức, cách hiểu quy định pháp luật về NSNN, Luật Đầu tư công giữa TP. HCM và 62 địa phương khác trên cả nước. Do đó, để tránh cách hiểu khác nhau, thống nhất trong nhận thức pháp luật, đề nghị không quy định nội dung này tại Dự thảo Nghị quyết.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) nhất trí về sự cần thiết của các chính sách và đồng thời cho rằng có một số vấn đề cần cân nhắc.

Cụ thể, cơ quan thẩm tra đề nghị cần làm rõ, với phạm vi chính sách như trong dự thảo thì đã đủ để tháo gỡ vướng mắc về thể chế đang cản trở tiến trình phát triển hay chưa. Xét về số lượng chính sách là tương đối rộng, do vậy, cần có sự lựa chọn, có trọng tâm, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có cơ hội đi vào cuộc sống.

Chính phủ cần chú trọng hơn nữa những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong khai thác tiềm năng theo đúng Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị; tránh nhiều về số lượng nhưng hạn chế về sức nặng.

Theo UBTCNS, dự thảo tập trung nhiều vào chính sách chi ngân sách, tuy nhiên, các chính sách thu ngân sách (như thuế, phí…) còn khá mỏng, trong khi thành phố có đặc thù, lợi thế rất lớn trong khai thác nguồn thu. Vì vậy, về lâu dài, đề nghị nghiên cứu, có chính sách thu khả thi, góp phần cân đối nguồn lực cho những chính sách chi ngân sách.

Bên cạnh đó, UBTCNS đề nghị rà soát lại các chính sách có tác động trực tiếp đến ngân sách trung ương như các đề xuất miễn, giảm thuế để phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là khi chuẩn bị áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. “Mặc dù rất cần một cơ chế ưu đãi so với các địa phương khác, cần thu hút nhân tài, lao động chất lượng cao, song tránh tạo chênh lệch quá lớn về thu nhập giữa người lao động” - báo cáo của cơ quan thẩm tra nêu rõ./.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam