Dự thảo thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh đã đủ “độ chín”
Tọa đàm, thảo luận và góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54 do UBND TP.Hồ Chí Minh tổ chức. Ảnh: CTV

Tạo đột phá để phát triển vượt trội

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh, thành phố đã đạt được những thành tựu nổi bật, tiếp tục khẳng định vai trò là đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, đầu mối giao thông và giao lưu lớn của cả nước, khu vực và quốc tế.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, trong quá trình soạn thảo dự thảo nghị quyết, thành phố đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng chủ trì họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp.

Cùng với đó, 16 bộ, ngành tham gia góp ý vào dự thảo nghị quyết. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tổ chức 14 cuộc họp giữa tổ biên tập với các bộ, ngành và TP. Hồ Chí Minh; tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo nghị quyết với mục tiêu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Trong các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV của đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh mới đây, cử tri TP. Hồ Chí Minh cũng bày tỏ mong muốn sớm có các cơ chế chính sách đặc thù để TP.Hồ Chí Minh phát triển vượt trội, xứng tầm.

Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, nổi trội qua việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết 54, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức được cải thiện, giúp khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước. Việc đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn thành phố, phát huy được vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.

Dự thảo thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh đã đủ “độ chín”
TP. Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, “chiếc áo thể chế” mà siêu đô thị TP. Hồ Chí Minh đang mặc đã rất "chật", nên cần có nghị quyết mới với những chính sách vượt trội mà Nghị quyết 54 chưa đáp ứng được.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đúng với các quy định của pháp luật. Thành phố chuẩn bị dự thảo nghị quyết công phu với khoảng 40 nội dung về cơ chế, chính sách theo 4 nhóm, trong đó có nhóm các cơ chế chính sách mới. Đặc biệt, dự thảo nghị quyết lần này cũng tập trung đề xuất các cơ chế, chính sách giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng, về đô thị, ngập nước, xử lý rác thải hay việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho thành phố để thành phố giải quyết các vấn đề của mình nhanh chóng hơn.

Đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh vừa được Ủy ban Tài chính - Ngân sách gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cơ quan soạn thảo đã phối hợp với chính quyền thành phố xây dựng dự thảo nghiêm túc, công phu, tâm huyết, cầu thị.

Nội dung các quy định phù hợp với định hướng trong các nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Các chính sách khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Dự thảo nghị quyết cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Dự thảo cũng đảm bảo tính kế thừa Nghị quyết 54, tích hợp một số chính sách tương đồng với các địa phương có cơ chế đặc thù. Nếu thực hiện thành công thí điểm các chính sách trong dự thảo sẽ tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới cho TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, phạm vi chính sách được đề xuất trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Một số chính sách mới, tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước, đến đời sống xã hội, chứa đựng nhiều quy định khác với pháp luật hiện hành. Vì vậy, để có căn cứ vững chắc cho việc quyết định, báo cáo đánh giá tác động cần được chuẩn bị sâu sắc hơn, cụ thể hơn, cả về mặt tích cực và cả những khó khăn, thách thức, những tác động không thuận khi triển khai. Bên cạnh đó, cần chi tiết hơn về kết quả đầu ra, nhất là các chính sách tác động đến thu chi ngân sách nhà nước, đến nguồn lực thực hiện.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, dự thảo quy định theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ; nhiều quyền hạn được giao cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, còn thiếu vắng các quy định về trách nhiệm. Đề nghị bổ sung quy định về chế độ trách nhiệm, bảo đảm đúng nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị quyết, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng một số vấn đề cần cân nhắc thêm. Trong đó, cần chú trọng hơn nữa những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong khai thác tiềm năng theo đúng Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

“Dự thảo đã có một số chính sách được coi là đột phá, song cũng chỉ ở quy mô hẹp. Đề nghị nghiên cứu để có bước vượt trội, tránh nhiều về số lượng nhưng hạn chế về sức nặng” - báo cáo thẩm tra nhận định.